Nghệ An:

Trở về sau 45 ngày bị giam ở Trung Quốc

(Dân trí) - Sau 45 ngày bị bắt khi đang đánh cá trên vùng biển chung của 2 nước, 15 thuyền viên Việt Nam đã trở về an toàn khi đã bỏ ra 180 triệu đồng nộp phạt cho phía cảnh sát biển Trung Quốc.

Theo trình bày của các thuyền viên trên 2 con tàu: NA 5113 TS (do anh Nguyễn Văn Đường làm thuyền trưởng) và tàu NA 95613 TS (do anh Nguyễn Văn Được làm thuyền trưởng) - cả hai anh đều trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cả hai tàu có tất cả 15 thuyền viên. Ngày 13/5/2009, hai tàu đánh cá khởi hành ra biển. Ngày 27/5, họ đang đánh cá trên vùng biển chung Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực 19,09 Vĩ Độ Bắc, 108,01 Kinh Đông thì gặp gió mùa đông Bắc rất lớn nên không thể điều khiển được thuyền. Họ quyết định để thuyền trôi tự do nhưng vẫn câu mực, kéo cá.

Trở về sau 45 ngày bị giam ở Trung Quốc - 1
Nỗi buồn thể hiện rõ trên khuôn mặt các thuyền viên sau ngày trở về 

Đến khoảng 8h sáng ngày 27/5, trong khi các thuyền viên đang ngủ thì nghe tiếng còi rú, một lúc sau thấy tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến lại gần. Sau một hồi ra hiệu, có khoảng 10 cảnh sát trên tàu Trung Quốc xuống tàu của ngư dân Việt Nam lục soát. 

Sau khi tiến hành lục soát toàn bộ tàu, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã đưa 3 ngư dân Việt Nam trên tàu NA 5113 TS lên tàu Trung Quốc và ra lệnh cho 4 người còn lại điều tàu chạy về đảo Hải Nam. Còn tàu NA 95613 TS thì do một tàu khác của Trung Quốc áp tải về. Khi vào đến đảo Hải Nam, phía Trung Quốc cho người xuống tàu hỏi cụ thể và thu toàn bộ cá mực trên tàu của ngư dân Việt Nam.

Ông Trần Nguyên Ảnh, thôn 4 xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu - một trong những thuyền viên trên tàu bị bắt cho biết: “Hơn nửa tháng đầu sau khi bị bắt, phía Trung Quốc canh giữ rất nghiêm ngặt, không có ngư dân Việt Nam nào được bước ra khỏi khoang tàu. Do bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi phải bòn mót những thứ sót lại trên tàu để ăn. Sau đó thì phía cơ quan chức năng của Trung Quốc có cung cấp lương thực mỗi tuần một lần gồm: gạo, rau cải, bí và một ít thịt cho chúng tôi ăn”. 

Trong những ngày bị giam giữ, 15 ngư dân Việt Nam bị bắt trên 2 tàu đánh cá vì quá lo lắng nên đã thông báo về gia đình vay mượn tiền nộp phạt theo mức mà phía Trung Quốc đưa ra để được sớm trở về nước. Tổng số tiền mà 2 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam phải nộp lên đến 180 triệu đồng.

Ngày 4/6, toàn bộ 15 ngư dân và 2 tàu đánh cá của Việt Nam được thả và đến ngày 6/7, cả 15 người đã về quê ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu an toàn. 
 
Trở về sau 45 ngày bị giam ở Trung Quốc - 2
Con tàu của ngư dân bị bắt không có tiền ra khơi tiếp nên đang phải nằm bờ.

Để có tiền nộp phạt chuộc 2 con tàu và 15 thuyền viên, các gia đình của những ngư dân này đã phải chạy vạy, vay mượn tiền khắp nơi. Ngoài số tiền nộp phạt trên thì toàn bộ chi phí cho chuyến đi gần 30 triệu đồng cho mỗi tàu cũng bị mất trắng khiến cuộc sống của những ngư dân này rơi vào cảnh túng quẫn.

Phần lớn hoàn cảnh gia đình của các ngư dân này rất khó khăn. Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng có 7 con, đứa lớn nhất mới 14 tuổi, anh Tùng là lao động chính trong gia đình, vợ anh không có nghề nghiệp gì, cả gia đình chỉ biết trông chờ vào anh sau những chuyến đi biển về. 

Anh Tùng tâm sự: “Đã gần 2 tháng nay vợ con tui hết lo lắng rồi lại chạy vạy vay mượn để có tiền gửi sang chuộc tui về, giờ đây tàu chưa hoạt động trở lại được nên cả gia đình tôi không biết trông chờ vào nguồn sống nào cả”.

Không riêng gì gia đình anh Tùng mà còn nhiều gia đình của các ngư dân trên 2 con tàu bị bắt đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Toàn bộ vốn liếng họ đã dồn vào những con tàu này. Không những mất tiền nộp phạt mà gần 2 tháng qua tàu bị giam giữ không hoạt động được, nợ nần càng thêm chồng chất. 
 
Trở về sau 45 ngày bị giam ở Trung Quốc - 3
Ông Trần Nguyên Ảnh tâm sự với PV Dân trí

Giờ đây thì tàu đang phải nằm bờ vì họ không có tiền để sửa sang và chi phí cho việc đi biển. Hơn nữa trong tổng số hơn 200 tàu thuyền của ngư dân nơi đây thì mới chỉ có 30 tàu được cấp VIO nên ngư dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển chung giữa 2 nước. 

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Liên, chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, xã đã làm báo cáo gửi lên cấp trên. Đồng thời chúng tôi đã làm công tác tư tưởng đối với gia đình các thuyền viên. Đến nay, sau 45 ngày bị bắt thì các ngư dân của chúng tôi đã về đến địa phương an toàn. Tuy nhiên, hầu hết họ là những lao động chính trong gia đình, mỗi người lao động kéo theo 5 -7 người, đã gần 2 tháng nay không sản xuất được lại còn phải vay nợ sang chuộc người về nên càng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để các gia đình ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Nguyễn Duy - Duy Tuyên