Kinh tế Việt Nam:

Triển vọng tươi sáng trong khủng hoảng

(Dân trí) - Dù Việt Nam không miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng này lên Việt Nam ít hơn các nước khác trong khu vực. Kinh tế Việt Nam có chững lại nhưng không suy thoái. Lĩnh vực hàng hóa nông nghiệp vẫn phát triển tốt.

Cuộc khủng hoảng tài chính lần này đã phá hủy nhiều định chế tài chính lớn, nhiều doanh nghiệp tưởng chừng như biểu tượng của sự bền vững. Các nước phát triển, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng không ít, tốc độ tăng trưởng suy giảm.

Cho dù khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo ra nhiều bất ổn nhưng Việt Nam vẫn có những yếu tố nền tảng khá bền vững. Khi cơn bão qua đi, thì những yếu tố nền tảng còn lại sẽ quyết định khả năng phục hồi và phát triển của một nước.

Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, dân số trẻ và nhu cầu hàng hóa vì thế sẽ cao. Có thể thấy qua việc nhiều tập đoàn đa quốc gia về hàng tiêu dùng như Unilever, Coke, Colgate, Nestle đều đã công bố đầu tư tại Việt Nam.

Nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng bởi hai yếu tố: thứ nhất, những người dân nông thôn (hiện chiếm 75% tổng dân số) sẽ chuyển ra thành thị sống ngày một nhiều; thứ hai, thế hệ trẻ sẽ lớn lên và bước vào độ tuổi tiêu dùng.

Đại diện của VietnamWorks, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng thì chỉ ra rằng, Việt Nam với tổng dân số 86,5 triệu, lực lượng lao động dưới độ tuổi 30 chiếm phần lớn sẽ là động lực chính giúp kinh tế nước này tăng trưởng.  Chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao, nhiều công ty đa quốc gia hiện đang tìm đến Việt Nam như một địa điểm thay thế.

Phát biểu trên Business Time Singapore, nhiều doanh nhân Singapore vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Nhiều doanh nhân cho rằng, dù hoàn cảnh kinh tế chưa thuận lợi tại Việt Nam, thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội và khi vượt qua giai đoạn điều chỉnh hiện tại thì tương lai dài hạn của nền kinh tế rất lý tưởng,

Dù Việt Nam không miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng này lên Việt Nam ít hơn các nước khác trong khu vực. Kinh tế Việt Nam có chững lại nhưng không suy thoái. Lĩnh vực hàng hóa nông nghiệp vẫn phát triển tốt.

Ông Huang Ban Chin, giám đốc điều hành của Best World International (một công ty chuyên về các sản phẩm dành cho sức khỏe), nhận xét kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh thứ 2 tại châu Á chỉ sau Trung Quốc, và nhu cầu từ phía Việt Nam sẽ tăng cao.

Đối mặt với thách thức

Một thách thức đối với Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư. Hệ thống giao thông cần phải phát triển đồng bộ với thương mại. Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đã đẩy giá thành hàng hóa của Việt Nam lên không ít và ít nhiều làm giảm sức cạnh tranh cũng như độ hấp dẫn đầu tư.

Ngoài ra, trước mắt Việt Nam phải tìm cách vuợt qua cơn khủng hoảng chung của thế giới và chuẩn bị cho sự phục hồi. Trong các cuộc khủng hoảng, sự phục hồi của các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu. Ngay tại thời điểm này, sự sụt giảm tiêu dùng ở các nước giàu, trung tâm khủng hoảng, đang ảnh hưởng không nhỏ đến động lực này.

Vấn đề là Việt Nam chuẩn bị gì cho sự phục hồi đó.
 
Diệp Nguyễn