Trẻ thành phố “chê” Trung thu

(Dân trí) - Cuối tuần, chị Minh đưa con đi siêu thị, vào các khu phố bán đồ chơi… chọn quà Trung thu. Nhưng hai đứa con của chị (12 tuổi và 8 tuổi) không hề hứng thú vì “Mấy thứ này thì có gì hay ho!”.

Gia đình khá giả, trong nhà ngập đồ chơi, quà cáp nên không quá lạ khi hai đứa con của chị Minh (ngụ ở Q.7, TPHCM) không hề háo hức với Tết Trung thu như bạn bè cùng trang lứa. Khoảng 2 năm gần đây, chị Minh mới để ý đến điều này khi trong khu phố có tổ chức Trung thu cho thiếu nhi mà hai con chị chỉ đến dự một lần với vẻ hờ hững, quà được phát về bị ném chỏng chơ. Các năm sau, hai đứa đều không không chịu đến dự.

Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 1

Nhiều trẻ em thành phố không háo hức với Tết Trung thu (Ảnh minh họa)

Mơ hồ thầy sự “thiếu hụt” nào đó trong tâm hồn con, năm nay chị Minh đề ra phần thưởng: “Nếu hai con đi dự lễ trung thu với các bạn, thích gì mẹ cũng mua”. Chị Minh dẫn con đi mua quà nhưng “gạ” món gì hai con cũng lắc đầu. Chị chép miệng: “Tại các cháu đầy đủ quá, ở nhà chẳng thiếu gì nên…“.

Tình cảnh con nhà giàu “chê” Trung thu không riêng chỉ với con chị Minh mà rất nhiều trẻ ở thành phố mắc “hội chứng” này. Tại không ít khu phố, khu chưng cư… hoạt động vui chơi trong lễ hội Trăng rằm cho thiếu nhi những năm gần đây không còn được tổ chức vì… không có trẻ tham gia. Nhiều chương trình phải đến từng nhà gõ cửa mời các em đến nhưng vẫn không ăn thua.

Chị T.Th, sống ở chung cư Bộ Công An (Q.2, TPHCM) cho hay, dân cư chỗ mình điều kiện chỉ mới mức khá chứ chưa phải giàu có nhưng trẻ đã rất thờ ơ với Trung thu, nhất là các em trên 10 tuổi. Không chỉ trẻ mà đến một số phụ huynh cũng hạn chế con mình chơi Tết cùng bạn bè, không cho con đi dự… Mọi năm do quá ít trẻ đến chơi, ban tổ chức phải đến từng nhà mời mà trẻ vẫn không đến. “Năm nay chúng tôi không tổ chức lễ hội cho các cháu nữa. Cũng buồn nhưng biết làm sao được”, chị Th nói.

Ngoài việc bản thân trẻ quá đầy đủ, không mặn mà với những ngày Tết thiếu nhi thì chính người lớn “tiếp tay” tước đi niềm vui đó của các em. Không ít ông bố bà mẹ cho rằng Trung thu là vớ vẩn, không thích con mình tham gia… Thậm chí, khi con háo hức cầm quà bánh về còn nghe bố mẹ chê bai, cấm không cho con ăn quà bánh, chơi đồ chơi vì cho rằng những món quà đó không hợp với con của mình.

Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 2

Với nhiều trẻ em nghèo, chiếc đèn là món quà các em ao ước

Ngoài ra, nhiều chương trình lễ hội Trung thu gần đây không tạo được sự hấp dẫn, thích thú mà còn như là sự “tra tấn” với các em. Không chỉ trẻ nhà giàu mà với các trẻ khó khăn hơn – vốn rất háo hức với các chương trình Trung thu - cũng phải sợ các chương trình này.

Anh Nguyễn Văn Toản (nhà ở Q.8) cho biết, gia đình mình khá giả nhưng không vì thế mà thờ ơ với các ngày Tết của con, anh chị luôn chú trọng trọng việc giúp con có những ký ức đẹp của tuổi thơ. Dịp Trung thu, anh thường chở con đi dạo ở phố đèn lồng, mua bánh tặng con và khuyến khích con tham gia các chương trình vui chơi ở trường, địa phương. Cuối tuần vừa rồi, anh dẫn con đến dự lễ Trung thu do một đơn vị tổ chức nhưng chỉ một lúc, con anh cũng như nhiều cháu khác nằng nặng đòi về.

Anh kể, khi chương trình bắt đầu, các cháu đã ngồi dưới sân khấu thì trời đổ mưa nên các cháu được phân vào từng lớp trú mưa. Trong lớp, được cùng chơi trò chơi, kể chuyện với các anh chị tình nguyện, các cháu cười say mê… Nhưng khi trẻ đang chơi vui như vậy thì ban tổ chức “cắt ngang”, yêu cầu các cháu ra sân khấu ngồi nghe phát biểu vì trời đã tạnh làm mấy đứa buồn xo.

“Tổ chức cho trẻ em mà cứ người này người nọ lên phát biểu, cảm ơn đơn vị này, đơn vị nọ rồi bắt các cháu nghe, yêu cầu vỗ tay mà các cháu có hiểu gì đâu hỏi sao trẻ không chán. Về nhà, con tôi phán: “Con tưởng trung thu là vui, thế mà, dở ẹc” làm mình buồn vô cùng”, anh Toản tâm tư.

Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 3

“Ép” trẻ ngồi nghe phát biểu và nhạc “người lớn” tại một chương trình Trung thu ở TPHCM

Nhiều năm tham gia tổ chức các chương trình Trung thu cho trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ TPHCM) chia sẻ càng ngày nhiều trẻ em thờ ơ với với ngày Tết này, có em không biết Trung thu là gì mà cũng không quan tâm. Theo bà Thúy, lý do đầu tiên là hiện nay nhiều trẻ được bố mẹ lo cho quá đầy đủ, không thiếu gì, thành ra các em không có nhu cầu.

Thứ nữa, cách thức tổ chức Trung thu cần phải nhìn lại. Người lớn tổ chức và đưa ra những hoạt động và mong muốn của mình vào chương trình mà không đặt mình vào vị trí của trẻ để biết trẻ thích gì, cần gì. Việc thiếu không gian cũng hạn chế các hoạt động vui chơi của trẻ. “Bắt trẻ đến ngồi nghe phát biểu, xem biểu diễn này nọ… sao trẻ thích được? Chúng ta cần cho trẻ tham gia vào từ khâu tổ chức, xếp cỗ, trực tiếp được vui chơi… để kích thích sự hào hứng của các em và để các em thấy được giá trị, ý nghĩa ngày lễ đó là của mình chứ không phải của người lớn ban phát cho”, bà Thúy nhấn mạnh.
 
Dịp Trung thu, có lẽ hoạt động sôi động và hấp dẫn cả trẻ em lẫn người lớn là các màn múa lân. Tối 11/9, hàng chục đội múa lân xuất hiện trên đường phố Quy Nhơn (Bình Định) đã tạo nên không khí náo nhiệt đêm trăng rằm. Lân đi đến đâu người kéo theo đến đó khiến nhiều đoạn đường giao thông bị tê liệt.
 
Mùa Trung thu cũng là mùa làm ăn của các đội lân nên các đội thi nhau thể hiện những màn múa công phu và đẹp mắt. Đặc biệt, các đội lân của đất võ Bình Định còn cống hiến những màn nhào lộn trên đường phố; nhảy múa trên cột tre khá nhuần nhuyễn khiến khán giả vừa hồi hộp và thích thú.
 
Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 4


Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 5


Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 6


Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 7


Trẻ thành phố “chê” Trung thu - 8

(Doãn Công)

Hoài Nam