Trẻ háo hức mong hè, phụ huynh phấp phỏng... lo

(Dân trí) - Trong năm học, trách nhiệm dạy dỗ, quản lý, chăm sóc trẻ chia đôi gia đình - nhà trường. Nghỉ hè, bọn trẻ hào hứng với thời gian chơi “thả cửa” trong khi các bậc phụ huynh đau đầu lo che chắn trăm thứ… quá đà.

Mùa hè, mùa “giam lỏng”

Bin và Nhím kết thân đến nay là mùa hè thứ 2. Cả 2 nhóc cùng vừa “tốt nghiệp” lớp 1, trường tiểu học Ái Mộ (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) và đã được nghỉ hè hơn 2 tuần nay. Nhưng nghỉ hè không phải là dịp tạm chia tay mà lại là thời gian gắn bó nhất của 2 đứa trẻ.

Ở cùng nhau cả ngày cả buổi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng xem hoạt hình, chơi điện tử và 2 nhóc cùng tự… chăm nhau cho đến chiều tối mới ai về nhà nấy. “Cũng may, 2 đứa hợp tính hợp nết, chơi với nhau suốt được” - chị Lê Mỹ Trà (mẹ Nhím) thở phào.

Tình bạn của cô cậu nhóc gắn bó khăng khít, hoá ra đơn giản vì bị “nhốt” chung trong nhà suốt 2 mùa hè trước. “Kịch bản” kỳ nhgỉ hè bắt đầu lặp lại năm nay, ngay ngày đầu tiên tạm xa trường sau lễ tổng kết năm học.

Nhà Nhím ở trong khu hàng không, ngõ 284 Nguyễn Văn Cừ. Bố mẹ Bin (quê Hải Dương) cũng thuê nhà gần đó gần 4 năm nay. Đầu hè năm ngoái, cả 2 gia đình loay hoay phát sốt vì nhà trẻ cho các bé nghỉ sớm để chuẩn bị vào lớp 1. Các phụ huynh đi làm cả, không biết “xoay” người trông nom thế nào nên “ơ-rê-ka” ra kế hoạch “quản thúc” tập thể.
 
Trẻ háo hức mong hè, phụ huynh phấp phỏng... lo - 1
Quá ít sân chơi cho trẻ mỗi dịp hè. (Ảnh: P.Thảo)

Chị Trà phân trần, thương bọn trẻ vì có kỳ nghỉ hè mà bị nhốt trong nhà suốt nhưng không còn cách nào khác. Các bậc phụ huynh đã cố tìm những lớp “học hè bán trú” nhưng không có. Học múa, nhạc, vẽ… dù bọn trẻ rất thích cũng chỉ là hoạt động ngoại khoá, tuần 3-4 buổi, mỗi buổi 2-3 tiếng đồng hồ. Chị Trà đang lo, mùa hè sang năm, bọn trẻ lớn hơn, hiếu động hơn, không biết “quản” cách nào.

Nhưng chị vẫn còn yên tâm chán, nhiều phụ huynh ở những khu phố buôn bán, kinh doanh còn lo lắng hơn nhiều. Chị Hoàng Mai, chủ một cửa hàng ăn uống ở đường Đê La Thành than thở: “Bình thường mình đã bận tối mắt tối mũi với khách, nay lại thêm vất vả khi thằng cu 5 tuổi trong nhà được nghỉ hè. Ngoài đường xe cộ nườm nượp, sểnh một cái là cu cậu tót ra ngoài chơi nên mình lo lắm”.

 

Trẻ lớn hơn chút nữa, được “thả lỏng” nhưng lại chẳng có chỗ vui chơi. Chung cư CT5 (đường Phạm Hùng, Hà Nội) có không gian chơi khá thú vị dành cho trẻ bởi chung cư có khoảng sân rất rộng, được trang bị ghế xích đu, nhà đồ chơi và những chiếc ghế đá xinh xắn. Tuy nhiên, vì khoảng sân không hề có bóng cây nên trẻ nhỏ chỉ được bố mẹ cho phép chơi đùa vào buổi chiều tối, còn buổi ngày cũng nằm trong cảnh “chim lồng, cá chậu” của những bức tường.

 

Trẻ háo hức mong hè, phụ huynh phấp phỏng... lo - 2

Một trong những khu chung cư hiếm hoi có không gian cho trẻ nhưng lại quá nắng, chỉ "tận dụng" được vào chiều tối. (Ảnh: Sông Lam)

Con càng lớn càng, phụ huynh càng… sợ hè. Anh chị Thuỷ - Quân (Hàng Gà) có cậu con trai năm nay lên lớp 8, “tín đồ” của game online. Nghỉ hè, cũng muốn để con thoải mái đôi chút. Nhưng liền một tuần đầu thi học kỳ xong, nhóc Quang đăng ký “tạm trú” ở quán Internet tối ngày, đến bữa ăn cũng không có mặt.

Phát hoảng với những trò đao kiếm, mua “đồ”, đổi vũ khí, lên đời… trong gian phòng nóng hầm hập, ngạt mùi máy móc mà cậu con “chôn chân”, anh chị quyết định kéo mạng ADSL về tận nhà. Được dăm bữa, Quang lại tắt máy, chuồn ra hàng “net” vì đến quán chơi mới có bạn, chia phe, đấu lực, hò hét và văng mạng đủ ngôn từ thách đố, kích động nhau để… lấy không khí.

Lo con sinh hư sau kỳ nghỉ hè và nghiện game đến độ không thể “cai” khi vào năm học mới, anh chị lại tức tốc săn lùng đủ các loại lớp học thêm hè. Vừa mải miết làm ăn, vừa lo ngay ngáy canh cậu con trai tuổi hiếu động, ham chơi, hè nào với anh chị cũng là một cuộc chiến.

Anh Dũng ở phố Trần Bình có hai thằng cu, một đứa học lớp một, một đứa lớp bốn, cùng mê chơi điện tử. Nghỉ hè, thời gian dành cho những trò “đột kích”, “audition” của hai thằng con anh lại tăng vọt. “Mình không cho nó tiền thì nó nhịn tiền quà sáng để chơi, khi không có tiền thì tụi nó đứng xem, thỉnh thoảng lại xin các cô chú trong quán 1, 2 nghìn để được chơi mười lăm phút, nửa tiếng. Nhà làm nghề buôn bán không có thời gian mà trông con, chỉ mong kỳ nghỉ hè sớm kết thúc để cho chúng nó đến trường”, anh Dũng não nề than.

 

Trẻ háo hức mong hè, phụ huynh phấp phỏng... lo - 3

Phụ huynh đau đầu với những cậu con mê games. (Ảnh: Sông Lam)

 

Những bậc phụ huynh con chỉ mới 2-3 tuổi còn vất vả hơn nhiều khi các trường mầm non đồng loạt nghỉ hè từ đầu tháng 6. Chị Phương Anh ở Thanh Xuân bảo: “Hai vợ chồng thu nhập tháng hơn 3 triệu mà phải chi hơn 1 triệu để thuê người giữ con. Nhưng không thuê thì không thể đi làm, cháu còn quá nhỏ không thể nhốt một mình trong nhà như trẻ đã lớn được”.

Đau đầu giám sát, phấp phỏng mong… hết hè

2 năm trở lại đây, chủ trương hạn chế dạy thêm, học thêm, kêu gọi để học sinh có thời gian nghỉ hè đích thực, các cấp học phổ thông đồng loạt “giải phóng” năng lực, nhu cầu vui chơi của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, các địa điểm, hoạt động giải trí phù hợp cho lứa tuổi các em thật khó lắm thay.

Cung văn hoá Hữu Nghị Việt-Xô, cung thiếu nhi Hà Nội… từ lúc chớm hè, các lớp học ngoại khóa khai giảng liên tục mà vẫn “cháy sô”. Cung thiếu nhi Hà Nội là nơi được nhiều phụ huynh gửi con cái đến đông nhất, ước chừng mỗi năm tiếp nhận từ 18.000 - 20.000 lượt, chủ yếu vào dịp hè.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cung thiếu nhi có khá nhiều môn học lý thú, bổ ích, đặc biệt từ năm 2007 đã có thêm các môn học mới như CLB Nghệ thuật biểu diễn, Dẫn chương trình MC, Khiêu vũ thể thao, Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, Bảo tàng tin học, Rôbốt. Bên cạnh các môn học truyền thống như tiếng Anh, tiếng Pháp, Cung thiếu nhi còn mở thêm các lớp tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc.

Các môn học hè tại Cung thiếu nhi được đa số phụ huynh lựa chọn cho con em mình là những môn học năng khiếu như múa hát, tập vẽ tranh, nặn tượng, gấp giấy hoặc các môn thể thao như cờ vua, cờ tướng. Tuy nhiên rất nhiều phụ huynh lại lựa chọn các môn học “chính quy” cho con cái như tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán… khiến kỳ nghỉ hè của trẻ trở thành... học kỳ 3.

Chị Nguyễn Thị Hà cho cậu con trai 5 tuổi theo học tiếng Anh và Toán lớp 1. “Mình cho nó học trước để vào lớp 1 rồi sẽ nhanh chóng theo kịp chương trình. Thằng con mình thông minh lắm, học đến đâu là nhớ đến đó”, chị Hà phấn khởi khoe.

Tuy nhiên, những địa điểm nói trên chủ yếu phù hợp với trẻ tầm lớp 1 - 7, 8. Lứa tuổi lớn hơn gần như tự “xoay”, tự lo việc chơi, sinh hoạt hè của mình. Ngoài thú bơi lội, thể thao phổ biến với lượng bể bơi, câu lạc bộ… còn quá ít, hoạt động quá nhiều lần công suất, không gian thành phố trở thành ngột ngạt, nhàm tẻ cho một kỳ nghỉ dài.

Động viên con trai (lớp 10 trường P.Đ.P) vận động thể chất trong hè cho khoẻ người, năng động nhưng anh Bùi Công Dũng (Ngọc Hà) không khỏi phấp phỏng mỗi buổi “dã ngoại” của cậu chàng. Năm ngoái, nghe tin dồn dập về những vụ tai nạn thương tâm tại bãi đá tình yêu, điểm vui chơi cuối tuần thường xuyên của con trai và nhóm bạn, anh Dũng đã phát hoảng.
 
Trẻ háo hức mong hè, phụ huynh phấp phỏng... lo - 4
Bể bơi, câu lạc bộ văn thể mỹ là nơi vui hè yên tâm với phụ huynh. (Ảnh: P.Thảo)

Gần đây, nghe con hào hứng kể hay rủ bạn đạp xe đến bãi Phúc Tân, sang tận khu đê sông Đuống thả diều hay xuống bãi giữa sông Hồng đá bóng, anh Dũng vẫn ngay ngáy lo. “Sân chơi” của bọn trẻ toàn những khu vực theo anh là phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra va chạm, đụng độ… Mỗi chiều cậu con reng reng điện thoại, hẹn hò và dắt xe đi, anh Dũng lại phấp phỏng cho tới lúc cậu chàng lấm lem trở về, huýt sáo váng nhà mới tạm yên tâm ngóng tiếp buổi chơi tối của nhóm trẻ.

Gia đình nào có các cậu ấm cô chiêu thuộc hàng “quái kiệt”, cá tính lớn thì kỳ nghỉ hè càng đau đầu, mệt óc. Quỳnh Giang không phải là cô bé hư nhưng bản tính “nổi”, sành điệu và hiếu thắng từ bé nên bố mẹ lúc nào cũng phải kè kè trông chừng những biểu hiện trưởng thành của con.

Hè năm ngoái, phát hiện cô con gái mới dậy thì triền miên ôm những quyển sách “cấm” thay vì chạy nhắng ngoài đường, bố mẹ Giang nhìn nhau đầy lo lắng. Phụ huynh bàn nhau đầu tư ngay mấy tấm thẻ lớp bơi lội, khiêu vũ ở khách sạn để tách con gái khỏi mớ truyện… quá tầm người lớn. Kết quả là đến bể bơi hay câu lạc bộ vũ quốc tế, cô nhóc chỉ chăm chăm trưng diện, làm đẹp và gặt hái một đám “đuôi” đầu đinh, tóc nhuộm… không kém sành điệu đeo bám suốt ngày.

Thắng lớn trận đầu, Giang rất hào hứng, chờ đợi hè năm nay trong khi bố mẹ cô nhóc phấp phỏng tính cách quản lý, theo chân con và đếm từng ngày mong cho chóng hết kỳ nghỉ.

P.Thảo - Sông Lam