“Tránh xử lý sai vấn đề trên biển Đông”

(Dân trí) - “Các nước phải hết sức bình tĩnh, phải xử lý vấn đề ở tầm cao chiến lược", Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết quan điểm của Hội nghị an ninh châu Á - Thái Bình Dương về tranh chấp trên biển Đông.

Bộ trưởng vừa tham dự Hội nghị Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương hay còn gọi là đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng có thể cho biết, hội nghị này đã có cách nhìn nhận như thế nào về việc bảo vệ an ninh khu vực?
 
Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương gọi là đối thoại Shangri-La năm nay có 28 nước tham gia. Tại hội nghị đã đối thoại rất nhiều chủ đề, trong đó chủ yếu là vấn đề nhận định về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Nói chung quan điểm của các nước cũng còn có ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chúng ta cơ bản giữ được hòa bình, đoàn kết… Tuy nhiên, khu vực cũng tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, có những thách thức cả về an ninh truyền thống, cả về phi truyền thống.
 
Vấn đề nổi lên là an ninh hàng hải, cướp biển, buôn lậu vũ khí, buôn lậu ma túy, buôn lậu người rồi thảm họa của thiên tai và nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta phải có sự hợp tác với nhau.
 
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể nói là khu vực kinh tế phát triển năng động và nhanh nhất, đồng thời cũng là nơi có rất nhiều quyền lợi, nhiều lợi ích của các nước, nhất là các nước lớn trong khu vực.
 
Khu vực này có đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp vào loại thứ nhì thế giới, mỗi ngày thường xuyên có khoảng 150 - 200 tàu bè lớn qua lại, với 70 - 80% lượng hàng hóa vận tải của các nước trong khu vực đi qua đây.
 
Vấn đề an ninh hàng hải, vấn đề giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên khu vực biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là vấn đề rất quan trọng, cho nên chúng tôi có đề xuất, 10 nước ASEAN cần phải mở rộng hợp tác về quân sự, quốc phòng với 8 nước đối tác, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newdiland.
 
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ngồi lại với nhau, thảo luận và có nhận thức chung về an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời có trách nhiệm đối thoại đầy đủ, hợp tác, phát huy các nguồn lực trong nội khối cũng như ngoại khối để bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm hòa bình, ổn định, chống cướp biển, chống buôn lậu, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ hoả hoạn, thiên tai.
 
Như thế, mục đích là để giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
 
Hội nghị An ninh châu Á - Thái Bình Dương đã nhìn nhận thế nào về tranh chấp ở Biển Đông cũng như đưa ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề đó?
 
Tranh chấp trên biển Đông, như các bạn đã rõ, diễn ra giữa 5 nước 6 bên. Nếu để xảy ra xung đột về quân sự sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
 
“Tránh xử lý sai vấn đề trên biển Đông” - 1
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (Ảnh: Việt Hưng)
 
Do đó để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng nhau phát triển và cũng là lợi ích quốc gia của các nước, các nước phải hết sức bình tĩnh, hết sức kiềm chế. Phải xử lý vấn đề ở tầm cao chiến lược vì lợi ích không phải chỉ của quốc gia, của khu vực mà của thế giới.
 
Phải bằng đàm phán hòa bình, phải bằng DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông), bằng luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982 và phải hết sức sáng suốt, khôn ngoan, không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam, Trung Quốc và chia rẽ giữa Đảng, nhà nước với nhân dân ta về vấn đề biển Đông.
 
Quan điểm giữa các nước lớn, các nước ASEAN và chúng ta có gì khác nhau trong việc nhìn nhận về an ninh và tranh chấp biển Đông?
 

"Tôi chỉ huy quân đội hàng giờ hàng ngày nên tôi nắm rõ tình hình. Hoạt động của chúng ta trên biển hết sức bình thường, vẫn hoạt động kinh tế, hàng hải, du lịch, vẫn làm ăn, không có vấn đề gì trở ngại cả…. Tình hình trên biển Đông rất yên tĩnh".

Hiện nay quan điểm của các nước lớn, của Trung Quốc hoặc các nước khác đều thống nhất một điểm, phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển Đông. Chúng ta và các nước ASEAN đều nhận thức như thế.
 
Duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông không phải lợi ích riêng của từng nước mà cả khu vực và có tầm thế giới nữa.
 
Mỹ tuyên bố không đứng về phía nào, nhưng phải bảo đảm an ninh hàng hải, bảo đảm các hoạt động trên vùng biển quốc tế, bảo vệ lợi ích các công ty của Mỹ và các nước khác làm ăn hợp pháp với các nước trong khu vực này.
 
Trung Quốc cũng tuyên bố không có bá quyền, không có bành trướng và luôn xây dựng khu vực hài hòa, thế giới hài hòa, giữ môi trường ổn định để phát triển đất nước Trung Quốc. Điều đó tôi nghĩ cũng phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực hiện nay.
 
Hội nghị có mở ra hướng nào để giải quyết những căng thẳng, tranh chấp vừa qua trên biển Đông không?
 
Các nước có lợi ích, quyền lợi ở đây phải ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau đưa ra những nhận thức chung về vấn đề an ninh khu vực, đưa ra những biện pháp để hợp tác - hợp tác ở đây là hợp tác cấp cao, hợp tác cấp Bộ Quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Tôi nghĩ như thế cũng sẽ có những đóng góp hết sức tích cực, tránh hiểu sai, tránh hiểu nhầm, tránh xử lý sai về vấn đề trên biển. Điều này là hết sức quan trọng.
 
Hội nghị có đặt ra vấn đề lo ngại về sự lấn lướt của một nước nào đó ở khu vực?
 
Hiện nay chưa đến mức như vậy. Ví dụ Trung Quốc là một nước lớn, đông dân, kinh tế phát triển có đường lối đối ngoại hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam theo tinh thần quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.
 
Trung Quốc đã tuyên bố công khai xây dựng một nước Trung Quốc hòa bình và thế giới hài hòa, khu vực hài hòa, giữ gìn môi trường hòa bình ổn định để phát triển công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường (ghi)