Tranh chấp, “vỡ họ” xảy ra nhiều với tính chất ngày càng phức tạp

(Dân trí) - Từ năm 2006 đến nay, tổng số vụ việc được ngành tòa án thụ lý liên quan đến họ tại 5 địa phương TPHCM, Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ là hơn 8.000 vụ việc; công an cấp cơ sở đã xử lý nhiều vụ việc liên quan vỡ họ rúng động với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Một vụ vỡ hụi chấn động vùng quê ở Tiền Giang (Ảnh: Nguyễn Vinh).
Một vụ vỡ hụi chấn động vùng quê ở Tiền Giang (Ảnh: Nguyễn Vinh).

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 144/2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường do Bộ Tư pháp thực hiện, thời gian vừa qua các tranh chấp về họ xảy ra nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp. Do đó ngoài các biện pháp như hòa giải cơ sở, thương lượng,... các tranh chấp về họ cũng được giải quyết thông qua con đường tố tụng tại tòa án ngày càng nhiều. Đơn cử như từ năm 2006 đến nay, tổng số vụ việc được ngành tòa án thụ lý tại 5 địa phương TPHCM, Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ là hơn 8.000 vụ việc.

VKSND các cấp đã kiểm sát việc giải quyết trên 33.800 vụ việc dân sự liên quan đến hoạt động họ, thông qua việc kiểm sát các thông báo thụ lý, kiểm sát các quyết định hòa giải thành, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc tham gia phiên tòa xét xử một số vụ việc dân sự.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 9/2016 các cơ quan thi hành án dân sự tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết gần 15.000 vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến họ, tương ứng với số tiền được thi hành gần 600 tỷ đồng.

“Qua thực tiễn xét xử và công tác kiểm sát cho thấy, vẫn còn một số vấn đề trong công tác xét xử, kiểm sát chưa có sự thống nhất về quy trình tố tụng và đường lối giải quyết gây khó khăn trong công tác giải quyết các vụ việc về họ”- Bộ Tư pháp nhận định.

Các vụ việc về họ được giải quyết thông qua cơ quan thi hành án dân sự đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức và lợi ích của Nhà nước. Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Các tranh chấp về họ trong giai đoạn thi hành án đa số là các vụ việc với số tiền phải thi hành rất lớn, vì trả lãi quá lớn, do đó người phải thi hành án thường không có khả năng thanh toán.

Đa số các vụ việc, cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành tổ chức việc thi hành án thì hầu như người phải thi hành án đã tẩu tán tài sản trước khi có bản án, quyết định của tòa án, hoặc đã đi khỏi địa phương hoặc không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án.

Cơ quan thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tống đạt các loại văn bản, giấy tờ về thi hành án, quá trình xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; việc thỏa thuận thi hành án giữa các bên đương sự; thủ tục chi trả tiền cho người được thi hành án cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ số lượng người tham gia là rất đông, trong đó một người phải thi hành cho nhiều người hoặc có rất nhiều người được thi hành án.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho biết, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên nắm, thực hiện các văn bản liên quan đến việc đảng viên không được làm (cho vay nặng lãi hoặc chơi họ cũng như các hình thức xử lý, kỷ luật đảng viên cho vay nặng lãi, sử dụng các hành vi trái pháp luật dưới mọi hình thức để đòi nợ). Từ năm 2006 đến nay công an cấp cơ sở đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động họ.

Ví dụ tại Cần Thơ đã khởi tố 10 vụ án hình sự, 2 vụ không có dấu hiệu tội phạm đã chuyển sang tòa xét xử theo thẩm quyền; hiện đang tiếp nhận 29 đơn tố cáo liên quan đến họ hụi số tiền thiệt hại là 36 tỷ đồng; Bình Định khởi tố 31 vụ án hình sự trong tổng số 103 vụ việc liên quan đến họ, tổng số tiền thiệt hại là 40 tỷ đồng; Bình Phước: khởi tố 16 vụ án hình sự trong tổng số 20 vụ việc được chuyển đến cơ quan công an, tổng số tiền thiệt hại là 65 tỷ đồng…

Từ thực tiễn đó, Bộ Tư pháp đánh giá Nghị định số 144/2006 đang tồn tại nhiều sơ hở, bất cập cần phải sớm được sửa chữa, chỉnh sửa cho phù hợp.

Thế Kha