Trang sức Trung Quốc: Biết độc vẫn thích mua

(Dân trí) - Thông tin Mỹ vừa phát hiện chất Catmi gây ung thư trong trang sức trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi hoang mang. Tuy vậy, với vẻ ngoài bắt mắt và giá rẻ “giật mình”, mặt hàng này vẫn đặc biệt hấp dẫn người mua.

“Mình dùng cẩn thận chắc sẽ không sao”

 

Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, một bộ phận người tiêu dùng quá lo lắng, đã cấm con trẻ tuyệt đối không dùng, không đụng vào những loại trang sức và đồ chơi bắt mắt, không rõ xuất xứ. Một vài người hoang mang: “Mỹ có nhiều quy định chặt chẽ về chất lượng như vậy mà còn bị lọt hàng độc, nước mình mà kiểm tra thì cũng y như vậy hoặc tệ hơn”.

 

Cán bộ quản lý các sạp hàng bán đồ chơi, trang sức Trung Quốc thì tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý. Ông Phạm Ngọc Trung, cán bộ quản lý tổng hợp ban quản lý chợ Bình Tây - TPHCM, nơi có 2 sạp chuyên bán các mặt hàng này cho hay: “Chắc chỉ có các cơ quan ban ngành mới biết được có chất đó trong các món hàng bày bán hay không”.
 
Trang sức Trung Quốc: Biết độc vẫn thích mua - 1

Cảnh mua bán mặt hàng này vẫn diễn ra tấp nập. (Ảnh: Phương Lương)

 

Trong khi đó, dạo một vòng quanh các khu vực bán đồ chơi, trang sức trẻ em ở TPHCM như đường Trần Bình, cạnh chợ Bình Tây, PV Dân trí vẫn chứng kiến cảnh mua bán vẫn diễn ra khá tấp nập. Chị Hoàng Thị M., một người bán hàng, cho biết thời điểm này cận Tết nên khách rất đông. Chị thừa nhận hàng của mình xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng “xưa nay vẫn bán, có sao đâu”, và phân bua “cửa hàng chỉ bán loại hoa tai dán của Trung Quốc thôi”. 

 

Nhiều khách hàng thì tỏ ra… ngơ ngác không biết sản phẩm độc đó có hình dáng  thế nào. Chị Trần Hồng Thu, khách hàng mua buôn đồ chơi, cho biết: “Có nghe chuyện đó, nhưng chỉ xảy ra ở Mỹ chứ mình có kiểm tra đâu mà biết”.

 

Tại một vài điểm, các bà mẹ vẫn vô tư mua vòng tay, dây đeo cổ, nhẫn… không rõ nhãn mác và xuất xứ về cho con đeo.

 

Tại Hà Nội, mặt hàng nữ trang không nguồn gốc và rẻ tiền vẫn được mua bán bình thường ở các tuyến phố buôn bán sầm uất như Hàng Đào, Hàng Ngang, Đội Cấn, các khu chợ sinh viên, chợ đêm…

 

Thanh Ngọc, một nữ sinh Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Em cũng nghe thông tin đồ trang sức Trung Quốc chứa chất độc gì đó, nhưng thực ra bây giờ em thấy có cái gì là không độc đâu! Giá loại nữ trang này rẻ nên thỉnh thoảng em và bạn bè trong ký túc xá đi chợ đêm ở phố cổ vẫn mua về dùng thay đổi, một vài lần rồi bỏ ấy mà”.
 
Trang sức Trung Quốc: Biết độc vẫn thích mua - 2

Loại nữ trang đẹp mà rẻ vẫn đặc biệt hấp dẫn giới trẻ. (Ảnh: Như Quỳnh)

 

“Là hàng Trung Quốc, hàng chợ nhưng vừa rẻ vừa đẹp thì ai mà chả thích. Mặt hàng này nhập về chủ yếu dành cho những ai ít tiền hoặc có chút thị hiếu mua sắm như học sinh, sinh viên. Chúng tôi có giấy tờ đàng hoàng nên không sợ bị cấm bán…” - chủ một cửa hàng trên phố Hàng Ngang cho biết.

 

Quả thật, vẻ ngoài lấp lánh bắt mắt cùng giá cả phải chăng khiến loại trang sức này có sức hút lớn với giới trẻ, khiến thông tin “có chứa chất độc” gần như… vô nghĩa. Một sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tên Xuân bày tỏ: “Em mua vì thấy rất đẹp mà giá cả lại hợp túi tiền của sinh viên. Em nghĩ mình dùng cẩn thận chắc sẽ không sao”.

 

Chưa cơ quan nào kiểm định chất lượng đồ trang sức

 

PV Dân trí đã gặp ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), để tìm hiểu về việc kiểm tra chất lượng hàng hóa. Theo ông Hoàng Lâm, hiện vẫn còn nhập nhằng giữa định nghĩa đây là đồ chơi hay đồ trang sức. Hiện nay đồ trang sức chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng sản phẩm.
 
Trang sức Trung Quốc: Biết độc vẫn thích mua - 3
Chưa phân định rạch ròi đây là đồ chơi hay trang sức (Trong ảnh: Một điểm bán trang sức trẻ em không nguồn gốc trên đường Trần Bình, TPHCM)

 

Theo ông Lâm: Catmi là một trong 8 loại kim loại nặng được xếp vào hàng nguyên tố độc hại, chỉ được sử dụng trong hàm lượng cho phép. Những sản phẩm dành cho trẻ nếu có chứa Catmi sẽ đặc biệt nguy hiểm vì trẻ hay cho vào miệng ngậm giúp chất độc dần thâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh đó một số hóa chất có thể gây hại khi tiếp xúc ngoài bề mặt da.

Ông Lâm cho biết Trung tâm kiểm định của ông vẫn thường xét nghiệm, phân tích các loại sản phẩm, trong đó có cả đồ chơi, nhưng riêng đồ trang sức thì chưa kiểm nghiệm bao giờ. Các sản phẩm đồ chơi được kiểm nghiệm đa phần là hàng Trung Quốc, số sản phẩm vi phạm cũng có nhưng không nhiều vì đó là hàng chính ngạch. Còn những loại đi đường tiểu ngạch thì trung tâm kiểm nghiệm cũng… đành chịu, “không làm sao biết được chất lượng như thế nào”. 

 

Chất Catmi lâu nay vẫn có trên vài sản phẩm kiểm nghiệm nhưng trên trang sức thì chưa thấy.

 

Cũng theo lời ông Lâm, từ ngày 1/4/2010 trở đi, Nhà nước sẽ áp dụng những quy chuẩn nghiêm ngặt đối với đồ chơi dành cho trẻ. Tuy nhiên, đó là chuyện tương lai,  còn hiện tại ở Việt Nam, đồ chơi trẻ em có những quy định về chất lượng nhưng chỉ rải rác chứ không thành hệ thống như châu Âu hay Mỹ. 

 

Ông Lâm thừa nhận Quatest 3 không chịu trách nhiệm trên thị trường mà chỉ dừng lại ở việc phân tích các sản phẩm và cảnh báo chất lượng sản phẩm. Nên chăng, cơ quan chức năng lập danh sách các hàng hóa rẻ tiền và tìm cách kiểm soát từ gốc. 

 

Với người tiêu dùng, đại diện Quatest 3 khuyến cáo, tốt nhất nên mua những mặt hàng có tên tuổi và nhãn mác rõ ràng, ở những nơi có độ tin cậy cao.

 

Phương Lương - Như Quỳnh