TPHCM sử dụng văn bản điện tử, hứa hẹn tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm

(Dân trí) - Từ 1/6, các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện của TPHCM sẽ sử dụng chữ ký số để phát hành văn bản điện tử. Văn phòng UBND TP đã áp dụng thư mời điện tử và theo tính toán, có thể tiết kiệm ngân sách 1 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện ứng dụng chữ ký điện tử trong việc phát hành văn bản điện tử qua mạng bắt đầu từ ngày 1/6.

Các đơn vị sẽ sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản để gửi các loại văn bản (trừ văn bản mật). Văn bản sẽ được gửi qua mạng gồm: giấy mời họp nội bộ, tài liệu phục vụ họp, văn bản để biết, để báo cáo, thông báo chung của cơ quan, các tài liệu cần trao đổi trong quá trình xử lý công việc, lịch công tác cơ quan, công văn, thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo… Riêng các loại văn bản như tờ trình, quyết định vừa gửi qua mạng, vừa gửi bản giấy.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến

Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các đơn vị đăng ký chữ ký số của đơn vị và chữ ký số cá nhân cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Chánh văn phòng với Sở Thông tin và Truyền thông TP trước ngày 26/5.

Trước đó, từ 20/7/2016, Văn phòng UBND TP gửi thư mời họp, thư mời kèm tài liệu sang hình thức gửi thư điện tử, tin nhắn SMS. Thống kê trong 2 tháng, UBND TP đã tiết kiệm được phí bưu chính 183,5 triệu đồng, trong đó chi phí thư hoãn họp là gần 90 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng còn tiết kiệm được 1 triệu đồng tiền giấy, mực in để phát hành thư. Như vậy, mỗi năm UBND TP tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, khi thực hiện thư mời điện tử thì giảm được áp lực giao thông, ùn tắc giao thông. Ngoài ra, khi tiết kiệm được chi phí hành chính thì thu nhập của cán bộ công chức cũng tăng lên khi thực hiện theo cơ chế khoán. Ông Tuyến khuyến khích các đơn vị hành chính nhanh chóng triển khai mô hình trên để giảm chi phí mà nâng cao hiệu quả công việc.

“Chúng ta chấm dứt chạy văn bản bằng văn thư. Bây giờ một văn bản từ sở này sang sở kia mà mất 2 tuần. Đó là nguyên nhân trễ hẹn. Sử dụng văn bản điện tử vừa phù hợp với loại hình dịch vụ công trực tuyến và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm nhũng nhiễu, phiền hà…”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Quốc Anh