TPHCM khuyến khích phát triển báo điện tử

(Dân trí) - Ngày 2/8, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương Quy hoạch Báo chí TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, TP khuyến khích các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội phát triển báo điện tử thay cho các loại hình báo chí khác.

Nhận định về loại hình báo điện tử, UBND TP đánh giá báo điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với phát triển của khoa học công nghệ, sẽ trở thành loại hình báo chí truyền thông đa phương tiện với các thế mạnh vượt trội.

Vì vậy, TP định hướng đến năm 2020, các tờ báo, các trang thông tin điện tử tổng hợp của các đoàn thể chính trị, các tổ chức chính trị muốn phát triển phải đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực để ra đời báo điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của hoạt động truyền thông.

Báo điện tử đang là loại hình báo chí phát triển mạnh mẽ nhất
Báo điện tử đang là loại hình báo chí phát triển mạnh mẽ nhất

Ngoài ra, TP cũng quy hoạch đến năm 2020, các trang thông tin điện tử tổng hợp (của các tổ chức doanh nghiệp, các đơn vị không đủ điều kiện để lập báo điện tử) cũng tiếp tục phát triển để đưa các thông tin từ cơ quan đơn vị, trích dẫn từ báo chí theo quy định pháp luật.

TP cũng nhận định các trang mạng xã hội sẽ phát triển ngày càng cao, đa dạng hơn trang thông tin điện tử tổng hợp và blog. Vì vậy, để phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, TP định hướng phải xem xét đầu tư các trang mạng xã hội cho các đoàn thể chính trị xã hội, đủ sức làm công cụ thông tin hiện đại đúng pháp luật, đúng định hướng.

Từ định hướng trên, TPHCM xác định giai đoạn 2013 – 2015 tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực để các cơ quan báo chí thành phố đủ sức phát triển. Trong đó, quan tâm đầu tư để ra đời báo điện tử của Đảng bộ thành phố; trang mạng xã hội của Thành đoàn; hỗ trợ tạo điều kiện để các tờ báo của thành phố như Phụ nữ, Pháp luật và một số tờ báo khác có nhu cầu và điều kiện để thành lập báo điện tử.

Trong giai đoạn này, TP cũng dự định cho ra đời một số cơ quan báo chí ở các lĩnh vực như thông tin đối ngoại, khoa học công nghệ, hướng dẫn hành xử văn hóa giao thông,... Các cơ quan báo chí mới này có thể chọn loại hình báo in, tạp chí, báo điện tử; nhưng ưu tiên khuyến khích cho ra đời báo điện tử.

Trong giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, TP cũng nhấn mạnh việc “tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh để các báo điện tử đủ sức đáp ứng nhu cầu thông tin của quần chúng theo định hướng của Đảng bộ chính quyền thành phố”.

Theo báo cáo của UBND TP, hiện TP có 40 cơ quan báo chí gồm Đài Truyền hình TP, Đài Tiếng nói nhân dân TP, 17 báo in, 21 tạp chí, 7 báo điện tử và 255 trang thông tin điện tử tổng hợp. Đội ngũ làm báo trong các cơ quan này gồm có 1.300 nhà báo được cấp thẻ cùng với lực lượng cộng tác viên khá đông đảo. Đồng thời, TP còn có 137 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác trú đóng hoặc đặt văn phòng đại diện.

Tùng Nguyên