TPHCM: Điểm ngập dịch chuyển từ trung tâm ra ngoại thành

(Dân trí) - Theo ông Hồ Long Phi, Giám đốc ban quản lý Dự án chống ngập nước khu vực TPHCM, tình trạng ngập tại thành phố đã giảm đáng kể, nhiều điểm ngập tại khu vực trung tâm đã được xóa nhưng lại có sự dịch điểm ngập từ trung tâm ra ngoại thành.

TPHCM: Điểm ngập dịch chuyển từ trung tâm ra ngoại thành
Tình trạng ngập nước tại TPHCM vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa

Ngày 7/3, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đã tổ chức hội thảo báo cáo giữa kỳ cho Dự án chống ngập nước khu vực TPHCM.

Theo nhóm thực hiện dự án, TPHCM là khu vực thường xuyên bị ngập do triều, do mưa, do xả lũ hoặc do tổ hợp các lý do nêu trên. Trong những năm qua, TP luôn duy trì số điểm ngập trên dưới 100, độ ngập sâu bình quân là 0,15 – 0,3m và tối đa là 0,6m. Nhiều nhất vẫn là các điểm ngập do triều, tập trung tại khu vực quận 2, 7 và một số điểm thuộc quận 4, 6, 8… Tình hình mưa lớn thường xuyên kết hợp với triều cường càng làm tình hình ngập nước thêm tồi tệ.

Còn theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, 60% diện tích TPHCM là vùng đất thấp, nằm ở hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên nguy cơ ngập rất cao.

Đặc biệt là thời gian qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng hệ thống thoát nước vừa thiếu lại yếu và xuống cấp, không đáp ứng nổi tình hình biến chuyển phức tạp nên tình trạng ngập nước càng nghiêm trọng.

Ông Hồ Long Phi đồng tình: “Từ năm 1995, do ỷ lại vào các công trình chống ngập nên các khu dân cư, khu công nghiệp phát triển mạnh tại các khu vực có nền đất yếu thuộc các khu vực trũng thấp. Đây là điều tai hại gây khó khăn cho việc chống ngập”.

Chính vì những nguyên nhân phức tạp trên nên khi các cơ quan chức năng xóa được điểm ngập cũ lại xuất hiện điểm ngập mới, xóa ngập nơi này lại xuất hiện ngập ở nơi khác, không thể “trị” dứt điểm được.

Ngoài ra, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng cho việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mặt đất sụt lún cũng là một trong những nguyên nhân làm tình hình ngập nước thêm phức tạp. Trong những năm qua, lượng mưa và triều cường tại TP càng lúc càng tăng nên tình trạng ngập úng vẫn còn phổ biến dù các ban ngành đã thực hiện nhiều giải pháp hạn chế.

Trong thời gian qua, để giải quyết vấn đề ngập úng, TPHCM đã xây dựng 2 quy hoạch tổng thể, gồm: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cho TPHCM nhằm giải quyết tiêu thoát nước do mưa và xử lý nước thải cho vùng nội thành cũ; Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM nhằm kiểm soát triều cường.

Dù có hai quy hoạch chi tiết trên và nhiều dự án đã được triển khai theo hai khuynh hướng tăng khả năng tiêu thoát nước và ngăn triều nhưng tình hình chống ngập thực tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến khả quan. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính là dù có nhiều dự án chống ngập lụt, tiêu thoát nước đang thực hiện nhưng TP vẫn chưa có được sự đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Ông Hồ Long Phi cho rằng: “Các dự án đang thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai, đôi khi dẫn đến chồng chéo, thậm chí có dự án sau còn phủ định dự án trước. Do đó, TP cần xem xét lại các dự án hiện có để phối hợp đồng bộ về không gian và thời gian”.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đồng tinh: “TPHCM nên làm đầu mối trung tâm để thống nhất các giải pháp chống ngập, lựa chọn những giải pháp phù hợp với TP; không nên thực hiện dàn trải gây trùng lắp, lãng phí”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thì đề xuất một “nhạc trưởng” để điều phối các dự án chống ngập, có đủ quyền hành để làm việc và làm đầu tàu chịu trách nhiệm.

Tùng Nguyên