1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM có thể tăng mức xử phạt giao thông để tăng nguồn thu?

(Dân trí) - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố có thể tăng mức xử phạt giao thông ở nội thành lên gấp đôi để tăng nguồn thu. “Điều này đã được cho phép trong Luật xử phạt hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố vẫn có thể quyết định”, ông Bùi Xuân Cường nói.

Tại buổi thảo luận tổ của kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra chiều 4/12, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, HĐND TPHCM có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay để tăng thêm nguồn thu.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết có thể tăng mức xử phạt giao thông ở nội thành lên gấp đôi
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết có thể tăng mức xử phạt giao thông ở nội thành lên gấp đôi

“Điều này đã được cho phép trong Luật xử phạt hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố vẫn có thể quyết định”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, Sở Giao thông vận tải đã có dự thảo văn bản và UBND TPHCM đang giao Sở Tư pháp và Công an thành phố góp ý.

Liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố, ông Bùi Xuân Cường cho biết nhu cầu thực tế cho giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch thì thành phố mới cân đối được 122.000 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm 2016-2017, thành phố mới bố trí được 21.600 tỷ đồng. Ba năm còn lại còn khoảng 41.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng 5 năm mới được hơn 61.000 tỷ đồng. Nguồn ngân sách bố trí đã “tụt dần”.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải, việc đầu tư phát triển giao thông tại 2 khu vực trọng điểm là sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái còn hạn chế. Ngoài ra, số kilomet đường, cây cầu đưa vào khai thác còn ít (hoàn thành 106/272km và 21/76 cây cầu theo chỉ tiêu), các chỉ tiêu quỹ đất dành cho giao thông cũng tăng không đáng kể.

Người đứng đầu ngành giao thông thành phố cho biết, Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM sẽ giúp thành phố có thêm nguồn lực phát triển giao thông. Cụ thể, TPHCM sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán tài sản công (giữ lại 50%), số tiền thu được từ thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...

Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạng rằng, hai dự án cần được ưu tiên đầu tư khi có vốn là đường vành đai 2 và vành đai 3 vì đây là hai tuyến đường huyết mạch của mạng lưới giao thông thành phố.

Theo Nghị quyết của HĐND TP, trước năm 2020 phải hoàn thành đường vành đai 2 và một phần đường vành đai 3. Tuy nhiên, hiện nay đường vành đai 2 còn 14km đi qua các quận 9, Thủ Đức, 8 và huyện Bình Chánh.

Còn đường vành đai 3 thì chưa làm. Tuyến đường vành đai này có kinh phí thực hiện hơn 14.000 tỷ đồng, lớn hơn cả kinh phí cho toàn ngành giao thông năm 2017 (11.300 tỷ đồng).

Quốc Anh