TPHCM có “chiêu” mới để hạn chế đào đường

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa đồng ý cho thí điểm sửa chữa tuyến cống thoát nước bằng công nghệ lót ống và khoan kích ngầm để hạn chế tình trạng đào đường tràn lan, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đô thị.

Là một thành phố lớn, mật độ dân số và lưu lượng giao thông cao nên việc đào đường lắp đặt công trình ngầm, sửa chữa đường ống ngầm trên địa bàn thành phố chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến đời sống cư dân ven đường và an toàn giao thông trên đường. Tuy nhiên, do mật độ công trình ngầm dày đặt và chưa hoàn thiện nên việc đào đường để lắp đặt, sửa chữa công trình ngầm là không thể tránh khỏi.

Hàng năm thành phố
đều phải đào hàng trăm km đường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân
Hàng năm thành phố đều phải đào hàng trăm km đường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân

Cụ thể, trong năm 2013 này, chỉ riêng ngành cấp nước sẽ đào hơn 508km đường để lắp đặt ống cấp nước nhằm tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Kênh Đông và chuẩn bị tiếp nhận nước Nhà máy nước Thủ Đức 3.

Ngoài ra, ngành điện có kế hoạch đào khoảng 166km đường để lắp đặt cáp điện. Ngành thoát nước cũng dự kiến đào khoảng 8km để lắp đặt cống thoát nước. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng sẽ triển khai đào xới trên khá nhiều tuyến đường với chiều dài tổng cộng là khoảng 4km đường.

Việc đào hơn 680 km đường này chỉ trong năm 2013 chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân. Trong các năm trước, con số này cũng không thấp hơn bao nhiêu. Dự đoán trong các năm tới, khối lượng đào còn có thể tăng thêm.

Do đó, việc nghiên cứu áp dụng 1 công nghệ mới để hạn chế việc đào đường tràn lan trên địa bàn thành phố là cần thiết. Cụ thể, UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị thực hiện thí điểm sửa chữa tuyến cống thoát nước bằng công nghệ lót ống (trên tuyến đường Võ Văn Tần) và khoan kích ngầm (băng Quốc lộ 1A).

Việc áp dụng công nghệ này có ưu điểm là hạn chế được việc đào đường. Tuy nhiên, giá thành thi công bằng công nghệ này hiện còn cao nên cơ quan quản lý cần cân nhắc. Do đó, TP giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các sở-ngành liên quan nghiên cứu hiệu quả tổng hợp của việc thi công (chi phí, thời gian, ảnh hưởng đối với giao thông khu vực, điều kiện mặt bằng …); báo cáo và đề xuất UBND TP xem xét có nên cho phép tiếp tục triển khai ở các khu vực khác hay không.

Tùng Nguyên