Tổng Thanh tra Chính phủ: Xử nghiêm việc lợi dụng tố cáo để bêu xấu lãnh đạo

(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như các thông tư hướng dẫn đã có quy định xử lý nghiêm việc lợi dụng tố cáo để bôi nhọ, bêu xấu lãnh đạo, tùy theo mức độ vi phạm.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trao đổi với báo chí (Ảnh: N.T)
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trao đổi với báo chí (Ảnh: N.T)

 

Bên lề hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, trả lời câu hỏi của báo chí về việc xử lý đơn thư khiến nại, tố cáo trước thềm Đại hội Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết Luật Khiếu nại, tố cáo đã có quy định rất rõ những nội dung đơn nào thì được các cơ quan có thẩm quyết giải quyết khiếu nại tố cáo, những đơn nào không được giải quyết.

“Ở đây chúng tôi phân loại, ví dụ như đơn tố cáo có danh mà đúng theo thẩm quyền của các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, những đơn có liên quan đến nhân sự đại hội các cấp, chúng tôi phối hợp với Ủy ban kiểm tra các cấp để tiến hành chuyển đơn, xem xét theo pháp luật và điều lệ Đảng. Đối với những đơn thư nặc danh, theo luật thì không được xem xét. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể, có loại đơn có nội dung cụ thể, chứng cứ rõ ràng có thể được xem xét và trên cơ sở nắm tình hình làm rõ thêm, rồi sẽ tiến hành theo quy định pháp luật”- ông Tranh nói.

Ông Tranh khẳng định đơn thư tố cáo có tính 2 mặt. Thứ nhất, việc tố cáo được pháp luật bảo vệ và những người tố cáo đúng còn được khen thưởng, nên cần phát huy. Mới đây, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành thông tư bảo vệ người tố cáo.

Thứ hai, việc tố cáo là có những đơn thư nhằm lợi dụng, bôi nhọ, bêu xấu. Điều này, theo ông Tranh, Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như các thông tư hướng dẫn đã có quy định xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm.

Đối với những đơn thư mạo danh cán bộ cơ quan nhà nước tố cáo các đại biểu được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc, ông Tranh cho biết Thanh tra Chính phủ rất thận trọng với những loại đơn này.

“Khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ trao đổi với cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận nhiều loại đơn này, nếu nhận được chúng tôi sẽ chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chúng tôi chưa phát hiện đơn nào liên quan đến nhân sự, chỉ là đơn mạo danh. Chúng tôi cũng chưa phối hợp với cơ quan điều tra vì đơn mạo danh chưa có cơ sở”- ông Tranh nói.

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đến nay đường dây nóng của cơ quan này đã nhận được 231 tin báo tố cáo tham nhũng.

“Chúng tôi phân loại khoảng 50% tin tố cáo qua đường dây nóng và đã chuyển cho đơn vị có thẩm quyền xử lý, khoảng 30% chúng tôi đang xem xét, khoảng hơn 10% là những tin không có cơ sở nhưng chúng tôi lưu lại, khi có cơ sở sẽ xử lý. Dịp Đại hội Đảng và Tết Nguyên đán sắp tới nếu phát hiện qua đường dây nóng những dấu hiếu vi phạm pháp luật, theo thẩm quyền chúng tôi có thể thanh tra đột xuất”- ông Tranh nói.

 

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao

Năm 2015, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 6.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 243.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực và phát hiện vi phạm hơn 97.400 tỷ đồng, gần 16.500 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 82.100 tỷ đồng và 6.700 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 15.300 tỷ đồng, hơn 9.700 ha đất.

Ngành thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính đối với gần 1.700 tập thể; ban hành hơn 161.600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 11.460 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng. Bên cạnh đó, toàn ngành đôn đốc 3.365 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.

Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Việc triển khai Luật tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, một số thủ trưởng cơ quan nhà nước chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Việc phát hiện hành vi tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng ngành thanh tra phát hiện tuy đã tăng nhưng còn ít so với thực tế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao; việc nắm bắt thông tin về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế nhất định...

 

Thế Kha