Xung quanh việc Chủ tịch TKV xin nghỉ hưu:

“Tôi xin từ bỏ vị trí vì trách nhiệm người đứng đầu”

(Dân trí) - Liên quan tới việc ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị kỷ luật và có đơn gửi Thủ tướng xin nghỉ hưu, PV <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với ông Kiển xung quanh sự việc này.

“Tôi xin từ bỏ vị trí vì trách nhiệm người đứng đầu” - 1
Xin hỏi ông có chịu sức ép nào không trong việc xin từ chức?

Sức ép với tôi là rất lớn, những rủi ro mang tính chất công việc rất nặng nề. Về nghề thì rủi ro cao hơn nghề khác, sự vất vả của công nhân, cán bộ lãnh đạo…có nhiều người đã hy sinh vì nghề nghiệp.

Việc xin từ bỏ vị trí đương nhiệm hiện nay, tôi đã đề đạt nguyện vọng từ trước đó, khi tôi nhận ra đó là trách nhiệm của người đứng đầu một Tập đoàn.

Trở lại những sai phạm tại TKV trong thời gian qua, ông thấy trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn như thế nào?

Nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách thì rõ ràng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, còn người đứng đầu các công ty, đơn vị thành viên phải chịu trách nhiệm trước Tập đoàn.

Về xử lý sai phạm, nội bộ Tập đoàn cũng đã họp bàn xem xét cho thôi việc và cảnh cáo một số Giám đốc thời gian vừa qua. Việc xử lý phải rõ ràng, quan trọng nhất là mức độ xử lý thế nào để người bị xử lý cảm thấy thỏa đáng…

Ông có nghĩ rằng, nhân chuyện ông bị kỷ luật đảng lần thứ 2, những sai phạm của TKV mới được “đưa ra ánh sáng”?

Cũng không phải như thế, có những chuyện sai phạm đã xảy ra từ trước, thậm chí 10 năm trước cũng có, bây giờ họ nhắc lại rồi “thêm mắm thêm muối” vào. Điều tôi mong muốn là chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật vào đúng thời điểm. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, bất cứ tổ chức, đơn vị nào cũng có thể xảy ra khuyết điểm.

Được biết, TKV đã  tổ chức họp bàn để giải quyết việc liên quan đến thông tin ông “bao sân” cho em trai mình?

Việc xử lý kỷ luật để bùng phát tình trạng khai thác kinh doanh “than lậu” là từ đầu năm 2008, lỗi này có từ trước nhưng do độ trễ của nó nên bây giờ mới kỷ luật. Sau khi sự việc xảy ra, TKV đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý rồi.

Về kỷ luật đảng, Ủy ban kiểm tra trung ương đã làm, tôi đã báo cáo rồi còn xử lý như thế nào là quyết định của Ủy Ban kiểm tra. Hơn nữa, việc tôi bị kỷ luật không liên quan gì đến em trai tôi (một công ty thành viên thuộc TKV - PV). Quyền gán ghép thuộc về người ta… việc này tôi không bình luận thêm. Nếu có sai phạm trong lĩnh vực của mình thì em trai tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ông có biết sự móc ngoặc giữa các thành viên TKV với các tổ chức, cá nhân khác để bán “than lậu” ra nước ngoài, làm thất thoát một khối lượng rất lớn tài nguyên của đất nước?

Tôi khẳng định là có chuyện móc nối nói trên, nhưng số lượng là bao nhiêu thì tôi không thể nói theo định tính được. Hiện TKV vẫn đang phối hợp với công an để xử lý những cá nhân sai phạm. TKV vẫn thường xuyên và liên tục đấu tranh để bảo vệ tài nguyên quốc gia. Tôi nói thẳng là không ở đâu tránh hết được mọi thứ…

Dư luận cho rằng, TKV vừa độc quyền trong sản xuất và kinh doanh than vừa làm công tác quản lý tài nguyên là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của TKV. Ông nghĩ sao về điều này?

Thứ nhất, TKV không có chức năng quản lý Nhà nước mà là tập đoàn kinh doanh. Thứ hai, TKV không độc quyền vì có cả nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân theo chính sách Nhà nước ta kêu gọi. TKV chỉ chiếm 51% và chỉ khai thác chủ yếu các mỏ than lớn ở tỉnh Quảng Ninh mà thôi.

Còn việc điều chỉnh cơ chế quản lý, sắp xếp tổ chức là một quá trình liên tục đã 15 năm nay rồi, chứ không phải thay đổi tùy lúc, quan trọng là phù hợp với quy định pháp luật và thích ứng với môi trường kinh doanh, làm sao cho bộ máy quản lý được chặt chẽ nhất.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Cường - Lan Hương (thực hiện)