1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tội phạm tham nhũng mà có "quyền im lặng" thì làm sao kịp truy thu tài sản?”

(Dân trí) - “Nếu tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản nhà nước? Tội phạm giết người, cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật, giải quyết kịp thời vụ án, đem lại bình yên cho nhân dân?”, đại biểu Phạm Trường Dân nói.

Ngày 6/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Tại đây, các đại biểu tập trung cho ý kiến làm rõ những vấn đề còn băn khoăn về “quyền im lặng”, ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can.

Quyền im lặng gây khó cho công tác điều tra?

Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội, thực chất là “quyền im lặng”. Tại kỳ họp thứ 9, đại biểu đã phân tích kỹ về vấn đề này. Sang kỳ họp thứ 10, đại biểu tiếp tục đề xuất giữ nguyên quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như quy định trong Bộ luật hiện hành.

Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại “quyền im lặng” gây khó cho công tác điều tra
Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại “quyền im lặng” gây khó cho công tác điều tra

Nếu quy định như dự thảo, đại biểu nhận thấy nó sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đấu tranh đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn.

“Nếu kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp được ngòi nổ, truy bắt được tội phạm thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả? Nếu tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản nhà nước? Nếu tội phạm giết người cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật để giải quyết kịp thời vụ án, đem lại bình yên cho nhân dân?”, đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, theo đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Chỉ ghi hình bị can kêu oan…

Liên quan đến vấn đề hỏi cung bị can của cơ quan tiến hành tố tụng phải được ghi âm, ghi hình tại điều 179, đại biểu Phạm Trường Dân nhận thấy chưa cần thiết, khó có tình khả thi và không phù hợp với điều kiện ở nước ta. Vì cơ sở giam giữ của lực lượng công an chưa thể đáp ứng điều này. Hơn nữa, hàng năm các cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100 nghìn vụ án hình sự, với khoảng 160 nghìn bị can.

Ngoài ra, nếu thực hiện đúng như dự thảo của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nếu Quốc hội quyết định như dự thảo, theo đại biểu Phạm Trường Dân thì quy định cần làm rõ hơn nội dung băng ghi âm, ghi hình có được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không. Có phải in sao băng ghi âm, ghi hình gửi kèm hồ sơ vụ án chuyển cho Viện Kiểm sát, Tòa án sau khi kết luận điều tra của cơ quan điều tra không. Ngoài ra, việc khai thác băng đĩa ghi âm, ghi hình như thế nào, các băng ghi âm, ghi hình có được coi là tài liệu mật hay không.

Từ phân tích trên đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định. “Theo tôi trước mắt nên áp dụng ghi âm, ghi hình đối với những trường hợp cụ thể như bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc có thông tin (nhất là thông tin của gia đình) phản ánh bị can bị oan sai”, đại biểu Phạm Trường Dân kiến nghị.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc ghi âm, ghi hình cần thiết để hạn chế tối đa trường hợp vi phạm nhất là về bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại nơi giam giữ, tại trụ sở cơ quan điều tra là không cần thiết, không bảo đảm tính khả thi trong điều kiện nước ta hiện nay. Theo đại biểu, không cần ghi âm, ghi hình với những trường hợp phạm tội đơn giản, phạm tội quả tang hay đối tượng đã nhận tội.

Hơn nữa, theo đại biểu Xuyền, thời quan qua, xảy ra bức cung nhục hình chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của điều tra viên. Do vậy, để hạn chế việc này vẫn là giáo dục đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ phân tích trên, đại biểu Xuyền kiến nghị nên quy định theo hướng gọn lại, tức là chỉ ghi âm, ghi hình trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu; Bị can có đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình; Bị can bị truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là từ chung thân đến tử hình; Trong những vụ án hội đồng xét xử hủy án để điều tra lại; Bị can, bị cáo là người có quốc tịch nước ngoài và việc ghi âm ghi hình chỉ tiến hành trong buổi hỏi cung không có người bào chữa tham gia.

Quang Phong