1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

KTS Trần Thanh Vân:

“Tôi là người đàn bà hiếu thắng”

(Dân trí) - Ở tuổi gần 70, KTS Trần Thanh Vân không hề có ý định “buông rèm”, bỏ mặc sự đời bên ngoài. Dường như, với người phụ nữ tự nhận mình là “hiếu thắng” này vẫn còn rất nhiều điều phải theo đuổi ở phía trước.

KTS Trần Thanh Vân vẫn hào hứng theo dõi những chủ đề sẽ được bàn tới tại Hội nghị Kiến trúc sư Quốc tế ở Turino và không ngần ngại bay tới đó để trao đổi, thảo luận, tìm ra những bài học từ sự "vấp ngã" của các thành phố hiện đại. Những gì bà thu thập được đều "nhắm" vào Thủ đô mở rộng, với một nhiệt huyết được nung nấu suốt nhiều năm qua...

Phụ nữ nói ít người chịu nghe

Trong những năm vừa qua, bà đã phản ứng với không ít dự án mới của thành phố. Sẽ có người nói rằng, bà chỉ muốn bảo lưu những cái cũ?

Tôi không muốn tranh luận, nhưng giờ đây nhìn vào công việc của tôi thì nhiều người sẽ hiểu là tôi bảo thủ hay không. Khái niệm về sự tân tiến và sự bảo thủ phải nhìn đến đích. Tôi không ủng hộ nhiều việc, nhưng tôi ủng hộ việc mở rộng Hà Nội.

Vả lại " ủng hộ" theo quan niệm của tôi không chỉ là giơ tay biểu quyết tán thành. Sau khi ủng hộ bằng lý thuyết, phải có giải pháp thực hiện mà thực hiện mới là khó. Tôi nói ví dụ như Tokyo, một thành phố tân tiến, hiện đại, nhưng họ cũng đang gặp phải những vấn đề bức xúc. Thành phố hiện đại đến mức con người phải đeo bình ôxy để thở. Đến lúc này, Tokyo đã phải nghiên cứu "phố rừng" (forest city), mở rộng đô thị ra để "bóc" bớt người, "bóc" bớt những hiện đại ở trung tâm thành phố ra bên ngoài. Khu trung tâm vẫn tồn tại nhưng chỉ để làm việc, buôn bán, kinh doanh, giao dịch còn người phải ra bên ngoài sống.

Đến hôm nay ở tuổi như tôi mà vẫn có thể hăng hái được, chính là vì tôi không nản lòng. Nếu ai đó nói rằng phải mũ ni che tai, không kêu, không gào thì tôi lại nghĩ khác. Tôi vẫn lăn vào làm việc, vì tôi quan niệm đây là nhà mình. Tôi không nản lòng vì tôi tin vào đề xuất đúng đắn của mình và tôi tin là tôi nói sẽ có người nghe.

Trì trệ, lạc hậu và chen chúc, nhưng chúng ta hiện có cái hay là để sửa cái trì trệ đó cũng không phải phá bỏ nhiều như Tokyo. Thủ đô từ 900km2 lên trên 3.000km2, có thêm cả rừng, làng xóm mênh mông. Tới đây, mạnh dạn xây dựng những khu mới thật tốt thì ta dỡ bỏ được những cái xấu xí của thành phố. Cho nên phải mở ra để cứu Hà Nội cũ này. Mở rộng là tiết kiệm đất, mở rộng là người giàu, người nghèo gần với nhau, mở rộng là hiện đại.

Vấn đề kiến trúc của Hà Nội những năm qua nhiều người cũng lên tiếng, nhưng họ không gay gắt bằng bà. KTS Trần Thanh Vân có phải là người "ghê gớm"?

Tôi là một người phụ nữ, mà phụ nữ nói ra ít người chịu nghe. Tôi lại là người phụ nữ hiếu thắng, nếu không lành mạnh thì càng hiếu thắng càng vấp ngã. Hiếu thắng là tính xấu, từ nhỏ tôi đã bị chê là có thói xấu đó. Có điều tôi chưa bao giờ đòi phần thắng vì tranh chấp quyền lợi riêng tư. Còn những việc vì lẽ phải, vì chân lý... tại sao tôi không được chứng minh là mình đúng?

Tôi cũng phải trang bị cho mình lý luận, thái độ thật vững chắc để đã lên tiếng là phải thắng... Dùng chữ ghê gớm hay không cái đó tuỳ, nhưng bản thân tôi đã va chạm rồi, nói phải mà không ai nghe thì tôi không chịu được.

Nhưng nhiều người vẫn bảo bà ghê gớm?

Tốt thôi! Tôi không chối.

Nếu trẻ lại 15 tuổi, tôi tự đề xuất...

Bà từng có quan điểm là có thể ủng hộ việc thành phố có kiến trúc sư trưởng. Vậy, theo như phác hoạ của bà, KTS trưởng của TP Hà Nội phải như thế nào?

Đặt ra chữ "phải thế nào" để rồi ngày mai treo biển lên tuyển KTS trưởng chắc chẳng có đâu. Với những va chạm của mình, tôi cho rằng một KTS trưởng phải rất yêu thành phố này, phải biết lắng tai nghe. Bởi vì, có yêu công việc, có toàn tâm vì nó mới hiểu mình đang gặp khó khăn gì. Và khi gặp khó khăn thì mình phải lắng tai nghe để xem ai đang đi đầu về cái này, cân nhắc, vận dụng. Cái đó KTS trưởng cần phải có.
 
Không ai có một bức tranh - bức tranh một thành phố vẽ ra trong óc từ đầu rồi cứ thế làm từng mục, từng mục. Và hơn nữa, đã là KTS trưởng phải có bản lĩnh, khi đã tâm đắc điều gì rồi phải theo đuổi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi.
 
“Tôi là người đàn bà hiếu thắng” - 1

Còn về chuyên môn?

Chuyên môn tất nhiên phải giỏi, nhưng chữ "giỏi" đó bao hàm nhiều nghĩa. Không có người giỏi biết tất cả mọi thứ mà giỏi là biết học người khác để biến kiến thức của họ thành của mình, đó là cái giỏi nhất. Phải biết nhìn người khác để soi lại mình.

Nhưng theo bà, liệu chúng ta có tìm được KTS trưởng như thế ở thành phố này không?

Tôi rất tin là có những người giàu tài năng đang tiềm ẩn, chỉ có điều người đó có lọt vào mắt người lãnh đạo không.

Hãy đặt tình huống bà là KTS trưởng?

KTS trưởng không bao giờ là tôi. Nhưng ví dụ, với kinh nghiệm, hiểu biết hiện nay của mình và nếu trẻ lại 15 tuổi, tôi sẽ tự đề xuất mình làm KTS trưởng. Tôi quan niệm dù ai đảm nhiệm vị trí này thì cũng phải hiểu biết thành phố, hiểu biết thời đại. Cũng phải hiểu, anh là chủ công trình và anh cần cái gì, không thể đi nhặt nhạnh, vơ vét tất cả những cái khác nhét vào đây.

Gỡ bỏ vòng kim cô trói buộc

Bà vừa có đề xuất đổi tên Hà Nội thành Thăng Long - điều này có táo bạo quá không khi khái niệm Hà Nội đã quá quen với người dân Việt Nam?

Không có gì là quá táo bạo. Hà Nội là sự gò bó, Hà Nội là trói buộc mà không phải đến hôm nay tôi mới viết. Tôi đã từng có cả loạt 7 bài viết về vấn đề này năm 2006. Báo chí cũng đã đăng hình trục phong thủy núi chầu sông tụ tôi đã vẽ. Người Hà Nội thông minh, thanh lịch nhưng vẫn có người không dám ước mơ, luôn sống khép mình, gò bó, đúng như chữ Hà Nội - Trong Sông, luôn luôn tự hào về cái cũ, không dám đứng dậy để tìm cái sắp có. Tại sao chúng ta cứ phải luôn kiêu hãnh, tự hào về những cái cũ để rồi phải sống khổ sở, khép mình. Phải cố mà gỡ bỏ vòng kim cô đang trói buộc mình.

“Người Hà Nội thông minh, thanh lịch nhưng vẫn có người không dám ước mơ, luôn sống khép mình, gò bó, đúng như chữ Hà Nội - trong sông, luôn luôn tự hào về cái cũ, không dám đứng dậy để tìm cái sắp có. Tại sao chúng ta cứ phải luôn kiêu hãnh, tự hào về những cái cũ để rồi phải sống khổ sở, khép mình. Phải cố mà gỡ bỏ vòng kim cô đang trói buộc mình.”

Phục hồi tên Thăng Long để "giải phóng" những người Hà Nội và để không kèm cặp thêm những người Hà Tây. Họ có phải sống trong sông đâu, họ là người ngoài sông, tại sao lại lôi họ vào trong "lồng" như vậy.

 

Vậy bà mong muốn một Hà Nội mới như thế nào?

Việc đầu tiên, Hà Nội cũ phải được bảo tồn. Những gì lem nhem, cơi nới phải được nhổ hết. Thứ 2, những khu công nghệ cao, khu sản xuất phải để nằm xa thành phố. Giữa đó có khoảng cách ly mà cũng chính là nơi để người nông dân có thể sống, trồng hoa, trồng rau, cây ăn quả.

Chúng ta tản ra thì những nhược điểm hiện nay sẽ dễ sửa chữa hơn. Tản ra thì chỉ có một thứ đắt tiền - đường sá nhưng thay vào đó, sẽ có nhiều thứ rẻ hơn. Dĩ nhiên, chúng ta cũng sẽ tập trung làm sao giao thông phải thật thuận lợi.

Không để người khác muốn vẽ gì thì vẽ

Với việc mở rộng Hà Nội, ai cũng thấy được ưu điểm là giúp các nhà làm quy hoạch dễ xoay xở hơn nhưng thực tế cũng có những lo ngại theo hướng "thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi" trong quy hoạch?

Cái đó là việc của các nhà làm quy hoạch, nhưng sao lại có chuyện thừa giấy vẽ voi? Họ đã được đào tạo để làm việc này cơ mà. Một khi có điều kiện như thế này thì phải làm sao nâng tầm anh lên chứ, không đơn thuần là dễ "vẽ" hơn. Dễ ở đây là anh được nghĩ những điều táo bạo và có cơ hội thực hiện được việc đó chứ không phải muốn làm gì thì làm. Mà ở tuổi như tôi, gần 70, tôi còn nghĩ như thế thì sao lớp trẻ có thể muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn làm gì thì làm. Tôi đòi hỏi rất cao về sự phấn đấu. Bản thân đã phấn đấu cả đời, đến lúc này vẫn không chịu tụt hậu so với thế giới thì sao có chuyện để cho người khác muốn vẽ gì thì vẽ.
 
“Tôi là người đàn bà hiếu thắng” - 2

Người nông dân sẽ chiếm một tỉ lệ rất lớn của Hà Nội mới và kiến trúc tại các vùng nông thôn cũng là vấn đề không đơn giản. Vai trò của kiến trúc sư tại khu vực này sẽ như thế nào?

Giữa đô thị hiện nay và các đô thị vệ tinh là những khoảng đan xen, tuy vẫn là nông thôn, nhưng là nông thôn của Thủ đô, được nâng cao hơn tầm nông thôn cổ, truyền thống. Nông dân ở đây làm các nghề dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí, du lịch, trồng hoa, trồng rau... Các chính sách, các biện pháp quản lý là việc của chính quyền, còn cái mà KTS cần đóng góp là nhà ở.

Nông dân họ không có tiền đi đặt hàng thuê vẽ, nhưng họ là người rất thích xem người khác làm rồi thấy hay thì bắt chước. Vậy phải làm cho họ thích các công trình mẫu. KTS sáng tác nhà ở theo kiểu dân dã, nông thôn có thể đơn sơ, cũng có thể phức tạp để nông dân có thể học được, làm sao nhà nào cũng có chỗ nghỉ ngơi, nhà nào cũng có thể phát triển kinh tế. Những kiểu nhà này thực sự không đắt tiền như những kiểu nhà hiện nay...

Riêng tôi, tôi giúp chút công sức vào bộ mặt nhà ở cho nông dân bằng việc tặng Hội KTS Việt Nam 3ha rừng ở Sóc Sơn để xây dựng Trại sáng tác Kiến trúc. Sản phẩm của Trại có thể là những mô hình mẫu cho bà con đến học tập, làm theo.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)