Toàn cảnh cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích bí ẩn

(Dân trí) - Máy bay Malaysia chở 239 người được cho là đã mất tích trên không phận Việt Nam lúc 2h40 ngày 8/3. Hàng chục máy bay và tàu biển của 6 quốc gia đã tham gia tìm kiếm suốt 3 ngày qua nhưng chưa có kết quả khả quan.

Máy bay được cho là bị mất tích trên không phận Việt Nam vào 18h40 GMT

Máy bay được cho là bị mất tích trên không phận Việt Nam vào 18h40 GMT, tức 1h40 giờ VN, 2h40 giờ Kuala Lumpur.

2h40 ngày 8/3 (giờ địa phương) là thời điểm Hãng hàng không Malaysia Airlines cho rằng máy bay số hiệu MH370 bắt đầu mất tích khi đang chở 227 hành khách với 13 quốc tịch khác nhau. Máy bay bị mất tích là chiếc Boeing 777-200, rời Kuala Lumpur 41 phút sau 0h ngày thứ bảy và dự kiến tới Bắc Kinh vào 6h30 sáng (giờ địa phương).
 
 
Sáng sớm ngày 8/3, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu cứu hộ vào Biển Đông, bắt đầu cuộc tìm kiếm, sau khi mọi nỗ lực liên lạc với máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 bất thành, do trên máy bay có hơn một nửa là người Trung Quốc. Hãng hàng không Malaysian Airlines công bố thông tin về quốc tịch của 239 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay mất tích, theo đó không có người Việt Nam nào trên máy bay.
 
 
Người có người thân trên chiếc máy bay xấu số của Malaysia tại sân bay Bắc Kinh ngày 8/3.

Người có người thân trên chiếc máy bay xấu số của Malaysia tại sân bay Bắc Kinh ngày 8/3.
 
12h ngày 8/3, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải Quân vùng 5 cho biết, máy bay chở 239 người đi từ Malaysia sang Trung Quốc có thể rơi cách đảo Thổ Chu (Phú Quốc, Kiên Giang) khoảng 300km. Với thông tin phán đoán này, phía Việt Nam bắt đầu triển khai lực lượng tìm kiếm cả trên không lẫn trên biển. Hai máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) cất cánh đi tìm kiếm máy bay Boeing B777-200.
 
 
17h5 ngày 8/3, máy bay Việt Nam đã phát hiện cột khói và đã báo cho phía Malaysia để điều trực thăng đến xác định cụ thể. Trước đó lúc 16h26, trực thăng cứu nạn cũng phát hiện một vùng có màu khác lạ so với nước biển, nghi là vệt dầu loang trên vị trí tọa độ đang tìm kiếm. Trong chiều và đêm 8/3, việc tiếp cận vùng biển nghi có dầu loang được khẩn trương thực hiện với trực thăng (ban ngày) và tàu biển (ban đêm).
 
Hình ảnh khu vực biển có vệt nghi vết dầu loang chụp từ trực thăng 02, 04 (Huỳnh Hải).
Hình ảnh khu vực biển có vệt nghi vết dầu loang chụp từ trực thăng 02, 04 (Huỳnh Hải).
 
Cuối buổi chiều cùng ngày, Bộ Giao thông vận tải ra công điện chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hàng không, trong đó yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1.
 
Sáng 9/3, 3 máy bay của Việt Nam tiếp tục mở rộng tìm kiếm máy bay Malaysia. Khu vực tìm kiếm của không quân Việt Nam sáng 9/3 được điều chỉnh mở rộng hơn về phía đảo Thổ Chu. Phía Singapore, Malaysia cũng điều chỉnh khu vực tìm kiếm. Mỹ cũng điều 1 máy bay ra hỗ trợ tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 mất tích. Trước đó các tàu hải quân, tìm kiếm cứu nạn hàng hải của các quốc gia đã xuất phát từ đêm qua và tiếp cận được gần điểm nghi vấn.
 
Cùng ngày, các chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không cho rằng, việc phi công trên chiếc máy bay mất tích của Malaysia, với 239 người trên khoang, không gửi tín hiệu cấp cứu là “vô cùng bất thường”. Bất thường đáng nói nhất là chiếc máy bay không phát bất kỳ tín hiệu nào lên vệ tinh trước khi mất tích như các máy bay và tàu biển khác thông thường vẫn thực hiện. Dự đoán có khả năng đã có một thảm họa bất ngờ xảy ra, không loại trừ khả năng có sự tác động của con người.
 
Malaysia họp báo liên tục 2 tiếng một lần để thông tin về diễn biến cuộc tìm kiếm chiếc máy bay cùng 239 người. Phía nước "chủ nhà" đưa ra phán đoán có thể máy bay đã cố gắng quay trở lại Kuala Lumpur trước khi mất tích.
 
Mỹ điều chiến hạm, máy bay tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, gồm tàu khu trục USS Pinckney và một máy bay tuần tra P-3C Orion. Như vậy sẽ có 6 quốc gia cùng tham gia vào chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn, gồm Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Mỹ và Việt Nam; tổng cộng 22 máy bay các loại và 40 tàu biển được huy động. 
 
Chuyên gia “mổ xẻ” nguyên nhân máy bay Malaysia mất tích

Vụ máy bay Malaysia mất tích gợi nhớ đến vụ rơi máy bay Pháp Air France năm 2009, làm 228 người chết, và 2 năm sau người ta mới tìm thấy xác.
 
Phía Malaysia phát hiện thông tin gây hoang mang: có 2 hành khách đăng ký đi chuyến bay này đã dùng hộ chiếu đánh cắp và cả 2 đều không hề xuất hiện trên máy bay. Một cuộc điều tra về khả năng máy bay bị tấn công khủng bố đã được tiến hành, với sự vào cuộc của cả Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các đơn vị chống khủng bố khắp thế giới
 
 
14h40 ngày 9/3, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận tin báo khẩn, phát hiện có dấu hiệu khả nghi về máy bay Maylaysia mất tích 08 độ 21''36' E - 103 độ 13''30N. Cụ thể, lực lượng tìm kiếm thấy có đồ dùng khả nghi trôi trên biển tại vị trí cách đảo Thổ Chu 100km về phía Nam Tây Nam. 18h30, thủy phi cơ của Quân đội Việt Nam phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ của tàu bay cách đảo Thổ Chu khoảng 80km. Căn cứ vào vị trí tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, Sở Chỉ huy nghi khả năng cao đó là mảnh ốp trong của máy bay Malaysia Airlines.
 
Vật thể lạ trên biển được cho là mảnh vỡ của máy bay (Ảnh chụp từ máy bay cứu hộ)
Vật thể lạ trên biển được cho là mảnh vỡ của máy bay (Ảnh chụp từ máy bay cứu hộ)
 
 
Qua phân tích những dữ kiện có được, cũng như độ an toàn của loại máy bay Boeing 777, các chuyên gia Việt Nam và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng nhận định đây là hiện tượng vô cùng bất thường, và không loại trừ khả năng của một vụ khủng bố.
 
Chiều 9/3, Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cấp phép cho 2 tàu Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ vào biển Đông tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia bị mất tích.
 
Sáng 10/3, trực thăng đưa Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu trực tiếp đi thị sát vùng biển phát hiện vật thể lạ. Một thủy phi cơ đưa đội thợ lặn chuyên nghiệp cũng bay tới vùng biển ngoài đảo Thổ Chu.
 

10h20 ngày 10/3, thủy phi cơ của Việt Nam phát hiện một vật thể lạ màu cam, hình vuông, nghi là phao, nằm cách đảo Thổ Chu 96 hải lý. 

13h26 ngày 10/3, máy bay của Singapore điện báo khẩn cho biết nhìn thấy 1 vật giống máng trượt khẩn cấp của máy bay, nằm cách đảo Thổ Chu 140km. Phía Malaysia yêu cầu Việt Nam cử phương tiện gần nhất tiếp cận.

Liên tiếp phát hiện các vật thể nghi vấn

15h20 ngày 10/3, tàu HQ 637 đã vớt được một vật thể là nắp cuộn cáp đã đóng rêu, cách tọa độ xác định ban đầu khoảng 10km.    Sáng ngày 11/3, bước sang ngày tìm kiếm thứ tư, nhiều máy bay và tàu của Việt Nam xuất phát từ nhiều mũi (Phú Quốc, Cà Mau, TPHCM) lại lên đường tiếp tục cuộc tìm kiếm.
Tiếp tục tìm kiếm máy bay, giải đáp câu hỏi mất tích
Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ Đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 kiểm tra chiếc máy bay Casa trước giờ cất cánh (Ảnh: Đình Thảo)
Tiếp tục tìm kiếm máy bay, giải đáp câu hỏi mất tích
10h53, máy bay Casa 8981 phát hiện tại tọa độ 7 độ 59'17"-103độ 103'44'05" một đốm màu trắng về phía đông nam đảo Thổ Chu, cách đảo Thổ Chu khoảng 80 hải lý.
 
Hình ảnh đốm trắng lạ mới được phát hiện (Ảnh: Quang Phong)

Hình ảnh đốm trắng lạ mới được phát hiện.
 
Chiều 11/3, có thông tin từ phía Malaysia thông tin, phát hiện tín hiệu của chiếc máy bay mất tích ở eo biển Malacca.
 
Sáng 12/3, phía Malaysia gửi điện cho Việt Nam thông tin, Malaysia chưa thông tin chính thức về tín hiệu này. Do vậy phía Việt Nam vẫn tiến hành tìm kiếm bình thường.
 
Đại diện Sở Chỉ huy cho hay Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN26, 2 CASA, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam; ngoài ra, Trung Quốc, Newzeland, Singapore cũng bay ở khu vực biển Đông của Việt Nam.
 
 
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông tin, lực lượng tàu và máy bay tham gia cứu hộ hôm nay dự kiến gồm 31 tàu (trong đó Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9, Trung Quốc 6, Mỹ 3, Thái Lan 1, Singapore 3); 22 máy bay (Việt Nam 8 máy bay, Malaysia 4, Trung Quốc và Mỹ mỗi nước 4, Singapre 2).
 
Chiều ngày 15/3, Việt Nam tuyên bố chính thức dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích sau khi phía Malaysia hủy lệnh tìm kiếm ở biển Đông và chuyển hướng sang Ấn Độ Dương.
 
 
Hoàng Yến (tổng hợp)