Tòa tối cao xử lại vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế

(Dân trí) - Khi doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ, dĩ nhiên Ngân hàng được quyền khởi kiện để thu hồi nợ. Nhưng đối với các giao dịch vô hiệu sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, trong vụ án này, thay vì tuyên hợp đồng tín dụng giữa Công ty Bắc Sơn và Ngân hàng Công thương là vô hiệu, TAND TP. Hà Nội đã thụ lý và công nhận tính hợp pháp các hợp đồng tín dụng giữa hai bên. Vậy, nguyên nhân nào khiến TAND tối cao ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT ngày 21/12/2010  yêu cầu TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại?

Tòa tối cao xử lại vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế - 1
Cảnh cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế ngày 7/7/2011.

Ngày 22/8/2007, Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCTVN) có đơn khởi kiện đề nghị tòa án buộc Công ty TNHH Bắc Sơn phải thanh toán nghĩa vụ cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án, TAND TP. Hà Nội đã không làm rõ được các dấu hiệu vô hiệu của các hợp đồng bảo đảm giữa hai bên và triệu tập thiếu đương sự, dẫn đến phán quyết thiếu chính xác.

Hợp đồng bảo lãnh nhiều dấu hiệu vô hiệu
Trước hết, thời hiệu đăng ký giao dịch bảo đảm đã hết được căn cứ theo Điều 13 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký giao dịch bảo đảm thì thời hiệu để đăng ký giao dịch đảm bảo là 05 năm, nếu không có yêu cầu đăng ký gia hạn.

“Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản” ký ngày 05/08/2002 giữa NHCTVN chi nhánh Cầu Giấy Hà Nội với ông Hoàng Đình Mậu có thời hiệu tới ngày 05/08/2007. Hết thời hạn này mà giao dịch bảo đảm trên không được đăng ký gia hạn thì coi như vô hiệu. Và trên thực tế là “Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản” nói trên đến nay vẫn chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm, nên nó đã không còn hiệu lực.

Như vậy, khi NHCTVN khởi kiện ngày 22/8/2007, hiệu lực của Hợp đồng bảo lãnh đã không còn, vì thế ngôi nhà 194 phố Huế không thể được xem là tài sản bảo lãnh cho nghĩa vụ của Công ty TNHH Bắc Sơn.

Mặt khác, ngôi nhà số 194 phố Huế không đủ điều kiện bảo lãnh. Bởi theo Điều 1 bản “Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản” ký ngày 05/08/2002 xác định “bên vay là chủ sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 194 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội theo bản án phúc thẩm dân sự số 160/PTDS ngày 24 và 25/7/1995 của TAND TP. Hà Nội, đăng ký sang tên tại Hà Nội ngày 8/5/1996 quyển 17, tờ 59 số 217”

Nhưng bản án dân sự số 160/PTDS ngày 24 và 25/7/1995 của TAND TP. Hà Nội đã bị bản án giám đốc thẩm số 19/DS ngày 28/1/1997 của Tòa án dân sự tối cao tuyên hủy toàn bộ và giao hồ sơ về cho TAND TP. Hà Nội xét xử lại. Do vậy giấy tờ gốc về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số 194 phố Huế tại thời điểm các bên ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh nêu trên vẫn chưa được đứng tên ông Hoàng Đình Mậu và bà Nguyễn Thị Thu Hồng.

Ngôi nhà số 194 phố Huế mặc dù chưa hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, phía ngân hàng tuy biết rõ nhưng vẫn thực hiện giao kết hợp đồng là vi phạm các nguyên tắc tín dụng và vi phạm điều kiện có hiệu lực giao dịch theo Điều 131 BLDS năm 2005.

Hơn nữa, tòa án không xác định rõ tài sản bảo đảm là tài sản đang bị phong tỏa, không được phép giao dịch. Vì ngôi nhà số 194 phố Huế có liên quan đến vụ án trước đây của ông Hoàng Đình Mậu. Và để việc thi hành án có kết quả, ngày 20/01/2000, Đội Thi hành án quận Hai Bà Trưng ra quyết định số 02/TB-THA phong tỏa tài sản đảm bảo thi hành án, yêu cầu ông Hoàng Đình Mậu không được chuyển dịch quyền sở hữu, không được cầm cố, thế chấp, cho thuê. Đến nay các văn bản này vẫn chưa bị thu hồi, hủy bỏ, do vậy ngôi nhà số 194 phố Huế vẫn bị phong tỏa để thi hành án.

Triệu tập thiếu đương sự của vụ án

Khi Khiếu nại giám đốc thẩm, Công ty TNHH Kim Cương cung cấp bản sao Hợp đồng vay tiền đề ngày 2/4/2002 giữa Công ty TNHH Kim Cương với Công ty Bắc Sơn, trong đó có ghi: “để làm tin Công ty Bắc Sơn giao quyển sổ dỏ số 813969 cấp ngày 15/3/2001 cho công ty TNHH Kim Cương quả lý trong thời gian vay tiền”. Quyển sổ đỏ này chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 7774m2 tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội cấp cho Công ty Bắc Sơn.

TAND TP. Hà Nội đã triệu tập thiếu đương sự đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Công ty TNHH Kim Cương cũng như đã làm cho việc giải quyết vụ án thiếu tính đồng bộ, toàn diện và khách quan.

Tại Phiên tòa sơ thẩm này, TAND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 143 ngày 20/12/2007 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung: Công ty TNHH Bắc Sơn còn nợ gốc và lãi của 03 HĐ tín dụng là: 25. 547.337.500 đồng. Công ty TNHH Bắc Sơn cũng cam kết trả NHCTVN số tiền nợ gốc 15 tỉ đồng nêu trên trong vòng 3 tháng kể từ ngày 19/12/2007…”

Ngày 12/3/2009, ông Hoàng Ngọc Minh, giám đốc công ty Bắc Sơn; ngày 20/4/2009, ông Trịnh Văn Chung, giám đốc công ty TNHH Kim Cương và ngày 16/9/2009, các ông bà Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Đình Mạnh, Hoàng Thị Thu Hằng và bà Đặng Thị Hòa có đơn đề nghị xét lại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nhận thấy còn rất nhiều điểm cần làm sáng tỏ quá trình giải quyết vụ án, ngày 4/9/2009, VKSND tối cao đã ra quyết định kháng nghị số 29/QĐ-KNGĐT-V12 đối với quyết định 143/2007/QĐST-KDTM trong đó nêu rõ: “Các nội dung về thế chấp tài sản trong các hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng công thương chi nhánh Cầu Giấy và Công ty TNHH Bắc Sơn là vô hiệu nên khi giải quyết tranh chấp các hợp đồng tín dụng nêu trên không thể quyết định kê biên tài sản thế chấp, bảo lãnh trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143 của TAND TP. Hà Nội có nội dung bán các tài sản nêu trên là gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác”.

Từ đó, VKSND tối cao yêu cầu tạm đình chỉ thi hành quyết định sự thỏa thuận của các đương sự số 143 chờ kết quả giám đốc thẩm.

Tòa tối cao xử lại vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế - 2
Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT của TANDTC
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Căn cứ vào Kháng nghị của VKSND tối cao, ngày 21/12/2010, Tòa Kinh tế - TAND tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM, nhận định: tòa án cấp sơ thẩm lại công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về tài sản bảo đảm là toàn bộ ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại số 194 phố Huế, Hà Nội là không đúng. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa sơ thẩm đã không phát hiện công ty TNHH Kim Cương có liên quan đến vu án nêu trên không đưa Công ty này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.
 
TAND tối cao phán quyết hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143 này và giao hồ sơ vụ án yêu cầu tòa thành phố xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, TAND TP. Hà Nội đã thụ lý chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm lại vụ án, dư luận đang mong chờ một phán quyết công tâm, đúng pháp luật. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến