Tổ chức lại vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất

(Dân trí) - Sáng nay (27/4), sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM được chuyển đổi tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận, việc này giúp cho các máy bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu và biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, giải quyết tắc nghẽn trên bầu trời Tân Sơn Nhất.


Việc tổ chức lại vùng trời giúp giải tỏa ách tắc trên bầu trời Tân Sơn Nhất

Việc tổ chức lại vùng trời giúp giải tỏa ách tắc trên bầu trời Tân Sơn Nhất

Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, vùng trời kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được phân chia thành 2 phân khu là kiểm soát máy bay đến và phân khu kiểm soát tiếp cận. Đây được cho là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất.

Với việc tổ chức lại vùng trời, phân khu kiểm soát máy bay đến có chức năng hợp nhất các máy bay đến trong giai đoạn cuối của quá trình tiếp cận vào hạ cánh, đảm bảo thứ tự và độ giãn cách tối ưu, tăng cường hệ số an toàn và hiệu quả hơn trước khi chuyển giao tàu bay cho Đài Kiểm soát tại sân Tân Sơn Nhất.

Phân khu kiểm soát tiếp cận có chức năng điều hành giai đoạn đầu của các tàu bay đến, các tàu bay đi và các tàu bay khác hoạt động trong khu vực trách nhiệm. Trong đó, bao gồm: Đảm bảo phân cách an toàn giữa tàu bay đến (giai đoạn đến đầu tiên) và tàu bay đi; Hỗ trợ thiết lập sơ bộ thứ tự hạ cánh cho các tàu bay đến;

Kiểm soát tiếp cận giúp xác định giờ dự kiến hạ cánh của các máy bay theo thứ tự, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh hoạch định cho các máy bay đến bay chờ một cách hợp lý. Tăng hiệu quả sử dụng phương thức hạ cánh theo công nghệ tiên tiến, giảm tình trạng quá tải cục bộ trong vùng trời kiểm soát kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất.

Mô phỏng sau khi chuyển đổi tổ chức vùng trời, phân chia khu vực kiểm soát tiếp cận của máy bay
Mô phỏng sau khi chuyển đổi tổ chức vùng trời, phân chia khu vực kiểm soát tiếp cận của máy bay

Việc phân chia phân khu vùng trời kiểm soát tiếp cận giúp cho các máy bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, góp phần giải quyết tắc nghẽn, tăng cường đảm bảo an toàn trên bầu trời Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, chuyển đổi tổ chức vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận sẽ làm giảm cường độ làm việc của các kiểm soát viên không lưu, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách thông qua, năm 2017 dự kiến sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này.

Được biết, năng lực tổng thể của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không có khả năng thông qua cao hơn mức 42 chuyến bay/giờ, do quá tải từ dưới mặt đất nên chuyện các chuyến bay đến Tân Sơn Nhất phải xếp hàng bay chờ “lượn ngắm bầu trời” thường xuyên như cơm bữa.

Châu Như Quỳnh