Thái Nguyên:

Tỉnh “chỉ đạo quyết liệt”, lâm tặc vẫn rầm rộ phá rừng

(Dân trí) - Không như lời Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần khẳng định, rằng tình trạng lâm tặc “xẻ thịt” gỗ quý đang được xử lý quyết liệt; việc phá rừng và tuồn gỗ lậu vẫn diễn ra ngang nhiên trong rừng đặc dụng thuộc huyện Võ Nhai.

Đột kích “bãi chiến trường” của lâm tặc

Xuất phát từ rạng sáng ngày 16/7, khi tiết trời miền núi còn tối đen như mực, chúng tôi xâm nhập khu rừng đặc dụng tại xã Sảng Mộc - Võ Nhai (Thái Nguyên) từ con đường tắt leo qua quả núi cao thuộc địa phận xã Nghinh Tường (Võ Nhai) trong vai những người đi tìm gốc đinh (gốc cây gỗ đinh - loại gỗ đã bị tận diệt tại rừng Sảng Mộc).

Trước khi xuất phát, người dẫn đường bản địa tên K. đã “cảnh báo” đi qua đường tắt này chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ leo núi mất hơn 2 giờ đồng hồ mới tiếp cận được “bãi chiến trường” của lâm tặc.

Tỉnh “chỉ đạo quyết liệt”, lâm tặc vẫn rầm rộ phá rừng
Tỉnh “chỉ đạo quyết liệt”, lâm tặc vẫn rầm rộ phá rừng
Rừng nghiến vẫn đang bị "tàn sát" tan hoang tại rừng đặc dụng xã Sảng Mộc thuộc KBT Thần Sa Phượng Hoàng.

Nếu theo con đường nhựa chạy từ xã Nghinh Tường qua trạm kiểm lâm Sảng Mộc đến thôn Tân Lập, gửi xe máy dưới chân núi rồi cuốc bộ, chỉ mất khoảng 30 phút để leo tới rừng đặc dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là con đường dành cho lâm tặc và kiểm lâm. Bất cứ người lạ mặt nào xuất hiện tại khu vực này cũng sẽ bị đội “chim lợn” phát hiện và "hỏi thăm".

Chúng tôi âm thầm leo bộ từ chân núi Nà Leng với những đoạn dốc dựng đứng. Theo chỉ dẫn của anh K., cung đường chúng tôi đang đi chính là một trong nhiều cung đường gỗ lậu được tuồn ra khỏi rừng đặc dụng Sảng Mộc một cách công khai. Trên mặt đường có hai lằn rãnh hằn trơn bóng như lối đi của 2 con trăn khổng lồ từ trên đỉnh núi kéo xuống. Đó là dấu vết của gỗ được thả từ trên đỉnh núi trượt xuống.

Vượt qua một làng người Mán nhỏ giữa lưng chừng núi, cuối cùng chúng tôi cũng đã lên đến đỉnh. Trời đã sáng rõ. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là một bãi tập kết hàng chục thanh gỗ, ván gỗ được cắt xẻ vuông vắn, còn mới tinh vết cưa xẻ.

Lật qua vài thanh gỗ, anh K. cho biết đó là gỗ lý, một loại gỗ quý ngang với gỗ nghiến. Số gỗ này vừa mới được trâu kéo trong rừng ra bởi vết cưa, vết bùn đất còn mới nguyên. Đợi đến chiều, gỗ sẽ được buộc dây thả xuống chân núi. Người dẫn đường ra hiệu tất cả im lặng, đi ngay bởi những ánh mắt dò xét từ trong những ngôi nhà người Mán phía xa đang phóng ra.

La liệt những thanh gỗ tại bãi tập kết ngay tại cửa rừng đặc dụng.
La liệt những thanh gỗ tại bãi tập kết ngay tại cửa rừng đặc dụng.

Đi tiếp chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã đứng trước khu rừng già bạt ngàn thuộc địa phận thôn Tân Lập - xã Sảng Mộc. Thận trọng vạch dây rừng, bước qua những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, chỉ vào sâu phía trong vài trăm mét là la liệt những cây nghiến trăm năm tuổi bị đốn hạ, cắt xẻ tan hoang. Tiếp tục tiến sâu vào rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến gỗ quý trong rừng già vẫn ngày đêm ùn ùn tuồn ra khỏi rừng đặc dụng bằng nhiều hình thức mà không hề thấy bóng dáng của lực lượng kiểm lâm. 

Gỗ lậu vẫn ùn ùn "chạy" khỏi rừng

Sau khi báo điện tử Dân trí liên tiếp đăng tải loạt phóng sự phản ánh tình trạng nghiến tặc “hút máu” KBT Thần Sa Phượng Hoàng tại Võ Nhai (Thái Nguyên), ngày 13/7, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 1311/UBND - KTN do ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ký gửi Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Võ Nhai chỉ đạo kiểm tra, báo cáo và làm rõ tình trạng phá rừng.

Bất chấp công văn đó, tình trạng lâm tặc “tàn sát” rừng vẫn trắng trợn và ngang nhiên đến kỳ lạ (!). Cảnh phá rừng rầm rộ, tiếng cưa xăng xé lộng óc, tiếng thúc trâu kéo gỗ vang động khắp rừng, cảnh đoàn người nườm nượp vác gỗ. Khung cảnh "náo nhiệt" đó, không hiểu sao kiểm lâm không biết?

PV

PV Dân trí bên một gốc nghiến đại thụ vừa bị nghiến tặc đốn hạ.

Dòng sông gỗ nghiến chảy dài hàng trăm mét trong rừng Sảng Mộc.
"Dòng sông" gỗ nghiến "chảy" dài hàng trăm mét trong rừng Sảng Mộc.

Từ cửa rừng dẫn vào sâu bên trong có nhiều con đường mòn được lâm tặc mở trong quá trình chặt và vận chuyển gỗ nghiến ra ngoài. Đường mòn này được nhận biết khá dễ dàng bởi những dấu chân trâu lỗ chỗ và một rãnh mòn sâu hoắm hình vệt thanh gỗ. Đi theo một con đường mòn, chúng tôi bắt gặp hai bên những cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ, cưa xẻ la liệt. Những thanh nghiến, khúc nghiến và thớt nghiến đã thành phẩm chất đống chờ được vận chuyển ra ngoài. Bên cạnh những gốc nghiến được đốn hạ từ trước là những gốc nghiến vừa đổ, còn ứa nhựa.

Lâm tặc còn lập cả một “xưởng mộc mini” ngay bên gốc nghiến. Mỗi xưởng cưa như vậy cách nhau chỉ vài chục mét.

Ngang nhiên vác gỗ tuồn ra khỏi rừng đặc dụng. 
Ngang nhiên vác gỗ tuồn ra khỏi rừng đặc dụng. 

Lán trại của lâm tặc
Lán trại của lâm tặc

Càng đi vào sâu, chúng tôi càng ngạc nhiên khi thấy nhiều cây nghiến đại thụ đã bị đốn hạ mọc rêu mốc nhưng không bị cưa xẻ thành phẩm. Người dẫn đường giải thích, không phải lâm tặc bỏ qua những cây gỗ đó, mà ở rừng Sàng Mộc này có một luật bất thành văn rằng những cây nghiến đã bị đốn hạ nghĩa là đã có chủ. Vì vậy, dù chưa thể “xẻ thịt” gỗ được ngay, lâm tặc vẫn thi nhau lùng sục để hạ bằng hết nghiến để “giữ phần”. Vì thế, có đi cả ngày trong rừng đặc dụng khắp vùng Sảng Mộc bây giờ, nghiến “nằm chết” thì nhiều vô kể còn khó lòng tìm nổi một cây nghiến còn “đứng”.

Chúng tôi đi hết nửa ngày đường, đâu đâu cũng chỉ một cảnh nghiến, lý bị chặt phá công khai. Dẫn chúng tôi đến vạt rừng ngay sát thôn Tân Lập, xã Sảng Mộc, anh K chỉ tay xuống dưới nói: “Nếu như tính đường chim bay, từ đây xuống dưới thôn Tân Lập, xuống trạm kiểm lâm Sàng Mộc chỉ khoảng 1 cây số. Đi bộ từ thôn Tân Lập đến đây chỉ mất khoảng 40 phút đồng hồ. Hàng ngày, tiếng rít của cưa xăng vang vọng xuống dưới trùm khắp cả trạm kiểm lâm”.

Anh K cũng cho biết, chính chân núi thôn Tân Lập là điểm tập kết gỗ lớn nhất. Tại đây các đầu nậu tới mua gỗ tấp nập và công khai như… mua rau. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng kiểm lâm. Trong rừng, cánh vác gỗ thuê ùn ùn vác gỗ trở ra. Cứ mỗi đoạn dừng nghỉ, họ dựng gỗ ven đường hút thuốc, hỏi han rôm rả. Mỗi thanh nghiến dài khoảng 2m, vác trót lọt xuống chân núi, họ được trả 100.000 đồng.

Vì khu rừng đặc dụng này khá gần, từ rừng xuống núi chỉ đi mất khoảng một giờ đồng hồ nên lâm tặc và những người vác gỗ thuê chỉ làm trong ngày. Sáng họ lên cưa xẻ, chiều vác gỗ xuống núi. Chỉ có một số ít nhóm dựng lán trại trong rừng “tăng ca”, mỗi khi đầu nậu cần lượng hàng lớn.

Minh chứng của những chiếc cưa xăng tàn sát rừng nghiến.
Minh chứng của những chiếc cưa xăng "tàn sát" rừng nghiến.

Những cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ để xí phần la liệt khắp rừng phòng hộ.
Những cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ để "xí phần" la liệt khắp rừng phòng hộ.

Một xưởng cưa mini ngay dưới gốc cây nghiến bị đốn hạ.
Một "xưởng cưa" mini ngay dưới gốc cây nghiến bị đốn hạ.

Trong suốt quãng đường đi, mỗi khi qua một gốc nghiến bị đốn hạ, người dẫn đường của chúng tôi lại lặng lẽ thở dài. Anh kể lại, chỉ khoảng 7 năm về trước, nơi đây còn bạt ngàn những cây đinh, cây nghiến đại thụ đường kính thân 2-3 mét. Cách đây khoảng 5 năm, lâm tặc bắt đầu vào phá rừng. Nhưng ngày đó, chỉ có cách thủ công là cưa tay và đốt gốc mất 3, 4 ngày mới hạ được 1 cây. Cách đây khoảng 3 năm, khi mà loại cưa xăng tràn về thì cứ  30 phút, lâm tặc lại hạ một cây nghiến đại thụ. Đến bây giờ, ngay cả gốc cây gỗ đinh cũng đã bị đào hết. Cây nghiến loại gỗ non đường kính thân 30cm cũng bị hạ chặt. Loại nghiến đại thụ chỉ còn trong… ký ức.
Video clip: Tận mắt chứng kiến những "xưởng mộc" trong rừng già

Ngay sau khi tiếp nhận những thông tin và tư liệu hình ảnh “động trời” xảy ra tại rừng đặc dụng huyện Võ Nhai mà PV Dân trí cung cấp, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết đã tiến hành ngay việc chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Võ Nhanh nhong chóng có báo cáo toàn bộ về sự việc. Trước mắt, tỉnh Thái Nguyên giao đơn vị chức năng nhanh chóng kiểm đếm toàn bộ số gỗ bị lâm tặc đốn hạ, cùng đó là việc lập tổ công tác liên ngành đột xuất nhanh chóng truy quét các đối tượng lâm tặc đang ngang nhiên “hút máu” rừng già.

Trả lời câu hỏi: thông tin cho biết có việc kiểm lâm Thái Nguyên “làm tiền” từ các đối tượng lâm tặc để rồi “nhắm mắt” cho chúng hoành hành, ông Dương Ngọc Long cho biết: “Với những cán bộ tiếp tay cho lâm tặc, không làm tròn nhiệm vụ, quan điểm của tôi là sẽ kiên quyết xử lý thật nghiêm, thật triệt để. Nhưng để bảo vệ và gìn giữ cho rừng không bị “chảy máu”, trước tiên UBND tỉnh sẽ họp bàn để thay thế toàn bộ lực lượng cán bộ Kiểm lâm tại huyện Võ Nhai".

Quốc Đô - Anh Thế - Thành Vinh