Tiêu cực tại bệnh viện K: Bệnh nhân phải “chạy” để được điều trị

Bệnh nhân ung thư muốn xạ trị sớm phải “lót tay” nhân viên y tế. Có hiện tượng người của bệnh viện móc nối với “cò” đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị. Bác sĩ được hưởng 10% “chiết khấu chỉ định bệnh nhân” khi có người điều trị tại máy của phía liên doanh...

Trước những thông tin phản ánh như trên về bệnh viện K Trung ương (phố Quán Sứ, Hà Nội), đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã có cuộc thanh tra “chớp nhoáng” và làm rõ những tiêu cực tại bệnh viện này.
 

33% bệnh nhân phải “chạy”

 

Theo phản ánh của dư luận và tố cáo của… chính nhân viên bệnh viện, thì đã có nhiều tiêu cực trong việc nhận “phong bì” của bệnh nhân khám và điều trị xạ trị tại bệnh viện. Bác sĩ khám bệnh câu kết với “cò” để đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị khá phổ biến, gây phiền hà cho bệnh nhân, thậm chí có trường hợp tử vong khi bác sĩ chuyển bệnh nhân ra phòng khám tư để mổ. Tại khối xạ trị do một Phó giám đốc bệnh viện trực tiếp quản lý, có tình trạng nhân viên y tế “gợi ý” bệnh nhân đưa tiền bồi dưỡng…

 

Kết quả cuộc thanh tra 4 ngày do thanh tra Bộ Y tế thực hiện thừa nhận có tình trạng bệnh nhân phải “chạy” nhân viên y tế để được điều trị sớm. “Thăm dò một số bệnh nhân cho thấy, khoảng 33% phàn nàn phải đưa tiền khi vào xạ trị”, kết luận thanh tra thừa nhận.

 

Cũng theo đoàn thanh tra, bệnh viện không tổ chức phát phiếu thứ tự cho bệnh nhân nên gây bức xúc khiến bệnh nhân phải “chạy” nhân viên y tế để được điều trị sớm.
 
Tiêu cực tại bệnh viện K: Bệnh nhân phải “chạy” để được điều trị - 1

Bệnh nhân có nhu cầu chữa trị tại bệnh viện K thường trong tình trạng "quá tải" (Ảnh: NTNN)

 

Sắm máy “liên doanh”, máy “nhà nước” liên tục hỏng

 

Theo tìm hiểu của PV, máy gia tốc A (máy điều trị xạ trị) được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước từ năm 2000 trị giá hơn 21 tỷ đồng. Kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2000-2004, máy gia tốc A hoạt động rất ổn định, ít hỏng hóc.

 

Do nhu cầu xạ trị của bệnh nhân ngày càng lớn, năm 2006, máy gia tốc B được đầu tư bằng nguồn vốn liên doanh với Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ung thư.

 

Sau khi máy gia tốc B đi vào hoạt động thì máy gia tốc A liên tục “trục trặc”, phải nghỉ để sửa chữa và thay thế thiết bị. Thậm chí, từ tháng 5/2008 máy phải “đắp chiếu” nhiều tháng trời, đến đầu năm 2009 mới hoạt động trở lại vì lý do hỏng ống dẫn sóng.

 

Dù được đầu tư sửa chữa, máy vẫn tiếp tục hoạt động không ổn định, chỉ riêng tháng 3/2009 đã phải “đắp chiếu” tới… 23 ngày. Trong khi đó, dự toán ngân sách cho việc bảo dưỡng máy mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.

 

Thống kê sơ bộ từ tháng 9/2007 đến nay, tổng số ngày máy A “đắp chiếu” là ngót nghét 300 ngày (tuy nhiên văn bản thanh tra chỉ tính thời gian máy hỏng là… 53 ngày); còn máy B hỏng ít hơn: 44 ngày.

 

Việc máy A hỏng nhiều tất yếu dẫn đến việc bệnh nhân phải chuyển hướng điều trị sang máy B.

 

Đáng chú ý hơn cả, theo thoả thuận giữa bệnh viện K và Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ung thư, thì số tiền thu được từ máy gia tốc B sẽ phân chia theo tỷ lệ 70-30: Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ung thư được 70% và Bệnh viện K được 30%.

 

Mức điều trị trên máy gia tốc đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT là 26 triệu đồng, bệnh nhân có thẻ BHYT là 13 triệu đồng. Nếu bệnh nhân có thẻ BHYT mà “tự nguyện” điều trị tại máy liên doanh thì phải “tự thanh toán phần chênh lệch mà cơ quan BHYT không thanh toán”.
 
Tiêu cực tại bệnh viện K: Bệnh nhân phải “chạy” để được điều trị - 2

Máy xạ trị tại bệnh viện K (Ảnh: NTNN)

 

10% chiết khấu “chỉ định bệnh nhân”

 

Theo điều tra của PV, trong các bảng “Quyết toán dự án đầu tư máy gia tốc B” gửi cổ đông hàng tháng, Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ung thư kê một khoản chi khá “đặc biệt”, đó là chi “chiết khấu chỉ định bệnh nhân” cho bác sĩ.

 

Theo đó, tháng 2/2009, tổng doanh thu của máy gia tốc B đạt được là trên 1,2 tỷ đồng. Cty Cổ phần Thiết bị y tế Ung thư đã hạch toán 78 triệu đồng “chiết khấu chỉ định bệnh nhân”; tháng 3/2009 số tiền chiết khấu là 97 triệu đồng; tháng 4 và 5/2009 khoản chiết khấu này lần lượt là 77 triệu đồng và trên 82 triệu đồng.

 

Theo giải trình của Công ty Cổ phần thiết bị y tế Ung thư, “chiết khấu chỉ định bệnh nhân” (10%) thực tế là lương làm ngoài giờ cho bác sĩ, việc diễn giải nội dung chi phí không chính xác là do… kế toán của Công ty còn non yếu (?).

 

Cũng trong bản giải trình, công ty này cho biết, máy Gia tốc công suất hoạt động tối đa cho 8h hành chính điều trị được 70 bệnh nhân một tháng và lương làm thêm giờ cho bác sỹ tính theo định mức 22.000đ/bệnh nhân. Định mức “thấp” như vậy, nhưng bảng kê danh sách làm thêm giờ tháng 5/2009 thể hiện, bác sĩ Trưởng khoa xạ 3 và bác sĩ Trưởng khoa vật lý phóng xạ lĩnh lần lượt 15,5 triệu đồng và 13,6 triệu đồng. Chưa hết, trong bản quyết toán tháng 5/2009 gửi cổ đông, số tiền “chiết khấu chỉ định bệnh nhân” là hơn 82 triệu đồng, nhưng danh sách trả lương làm thêm giờ chỉ có 64 triệu đồng. 

 

Theo Nguyên Đức
Nông thôn ngày nay