Phú Yên:

Thủy điện “phá” rừng nhưng không trồng lại rừng

(Dân trí) - Hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn, phòng hộ, đất rừng bị lấy để làm các dự án thủy điện. Theo kế hoạch, khi dự án xong sẽ trồng lại rừng nhưng trên thực tế con số này chẳng thấm vào đâu so với diện tích rừng bị triệt hạ.

Tại Phú Yên có 3 nhà máy Thủy điện lớn đang hoạt động là thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Thủy điện Krông H'năng. Ngoài ra, còn hai dự án thủy điện nhỏ đang xây dựng là Thủy điện Đá Đen và Thủy điện La Hiêng.

Tổng số diện tích đất rừng bị mất cho 3 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Vĩnh Sơn Sông Hinh và Thủy điện Krông H'năng là 10.190 ha. Đến nay sau gần 10 năm hoạt động, các nhà máy thủy điện vẫn không khôi phục lại hiện trạng rừng, chưa thực hiện được như báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện.

Hàng ngàn hecta rừng bị phá để làm thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa trồng lại rừng
Hàng ngàn hecta rừng bị phá để làm thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa trồng lại rừng

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố, Cty CP thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư thủy điện Sông Ba Hạ với công suất 220MW đưa vào khai thác mặt nước để phát điện từ cuối năm 2009, nhưng đến nay không có giấy phép khai thác tài nguyên nước; trồng bù diện tích đất rừng đã mất chỉ mới đạt 8,54%; không duy trì dòng chảy tối thiểu đoạn sông từ sau đập tràn xả lũ tới nhà máy.

Cty này còn đầu tư dự án Thủy điện Krông H’Năng (nằm trên địa bàn 2 tỉnh Phú Yên và Đắc Lắc) với công suất 64MW, phát điện từ tháng 9/2012, nhưng hiện trồng rừng cũng chỉ đạt 2,86% diện tích rừng đã mất; chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định; chưa có giấy phép khai thác tài nguyên mặt nước; không duy trì dòng chảy tối thiểu; không có chương trình phòng, chống lụt, bão cho vùng hạ lưu do xả lũ hồ chứa...

Theo ông Hồ Văn Tiến - Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên - tỉnh đang chỉ đạo các Cty cổ phần VRG Phú Yên và Cty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ khắc phục hàng loạt sai phạm về đất đai, môi trường, tài nguyên nước... trong đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn.

Tình trạng thủy điện lấy rừng rồi không trồng rừng dẫn đến những tác động xấu về môi trường, vấn đề điều tiết nguồn nước phục vụ nông nghiệp bị ảnh hưởng; khiến người dân phản ứng dữ dội.

Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho rằng, do lượng nước thủy điện trả về sông Ba rất thấp nên khi nắng nóng công trình Thủy nông Đồng Cam mực nước thường dưới tràn, nước không vào cống, dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất cho cả nông nghiệp TP.Tuy Hòa và huyện Sơn Hòa.

Không chỉ có vậy, từ năm 2010, khi Thủy điện An Khê Knak vận hành, mùa khô công trình này lấy nước từ sông Ba và trả về phía An Khê (Gia Lai) đã góp phần gia tăng tình trạng khô hạn khu vực hạ lưu sông Ba. Khi xả lũ chỉ thông báo trước 2 giờ làm người dân trở tay không kịp, gây thiệt hại lớn cho nhân dân.

Hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đất rừng ở tỉnh Phú Yên được giao để làm các công trình thủy điện, thế nhưng việc trồng trả lại diện tích rừng bị mất, theo luật, hầu như không thể thực hiện được trên thực tế.

Các dự án thủy điện đã lấy đi hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn, phòng hộ... đang là nỗi lo cho dân
Các dự án thủy điện đã lấy đi hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn, phòng hộ... đang là nỗi lo cho dân

Năm 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên tiến hành giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh này cũng nêu rõ hàng loạt tác động xấu của thủy điện đến tài nguyên, môi trường và đời sống dân sinh vùng dự án, đặc biệt là mất hàng ngàn hecta rừng.

Ông Nguyễn Thái Học - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho biết: “Theo nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ; “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác”. Tuy nhiên, qua giám sát chúng tôi nhận thấy diện tích rừng mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện trồng lại là không đáng kể so với tổng diện tích rừng đã mất để thực hiện dự án thủy điện”.

Ông Học nói thêm, điều đáng lo trong việc xây dựng các công trình thủy điện là nặng về khai thác tài nguyên nước quá mức mà xem nhẹ việc bảo vệ rừng và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. Xây càng nhiều thủy điện, người dân càng mất đất sản xuất và họ đã phá rừng để sản xuất. Diện tích rừng bị mất là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái dẫn tới khô hạn, cạn kiệt nguồn nước, hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, làm tình trạng xói mòn đất ngày càng tăng. Khi cho phép thực hiện dự án thủy điện, lại có tình trạng “quên” quy hoạch diện tích trồng trả rừng nên hiện các địa phương nơi có thủy điện không còn quỹ đất bố trí trồng lại rừng bị mất.

N. Sơn – D. Công