Thủng thẳng chống… thuỷ thần

Năm nào cũng vậy, cứ triều lên là người dân sống ven sông, kênh, rạch ở thành phố Hồ Chí Minh lại phải “bơi” trong chính ngôi nhà của mình…

Từ nhiều năm qua, để đối phó với triều cường, mưa lũ, TPHCM đã đổ hàng ngàn tỉ đồng thực hiện hàng chục dự án đê bao, làm kè chống sạt lở. Chưa kể hàng năm thành phố còn đầu tư hàng tỉ đồng cho các địa phương gia cố các tuyến đê bao xung yếu. Vậy mà…

 

“Bà thuỷ” hoành hành

 

Thủng thẳng chống… thuỷ thần - 1

Bờ bao dọc theo rạch Ông Đụng chỉ sơ sài như thế này, chống đỡ nổi triều cường mới là lạ.

 

Đến tối ngày 13/8, chị Trương Thị Tuyết Sương, ngụ tại nhà số 1/50 tổ 1 phường Thạnh Lộc, quận 12 (TPHCM) vẫn chưa tìm ra nơi tá túc qua đêm. Đây là lần thứ hai trong ba ngày liên tiếp gia đình chị rơi vào cảnh không chốn nương thân vì bờ bao bị bể, nhà của chị bị chìm trong nước.

 

Hoàn cảnh của chị Sương cũng là hoàn cảnh chung của gần 130 hộ dân sống ven rạch Ông Đụng thuộc khu phố 1 và 2, phường Thạnh Lộc, quận 12 do bờ bao ven rạch Ông Đụng bị bể khi triều cường.

 

Nhìn giường chiếu ướt sũng, giày dép trôi lềnh bềnh trên mặt nước trong nhà, anh Nguyễn Văn Tân, ở cách nhà chị Sương khoảng 10m, tỏ ra bất lực: “Vật dụng trong nhà hư hại đã đành, hai đợt triều cường chiều tối ngày 11/8 và sáng ngày 13/8 làm bể bờ bao còn nhận chìm luôn vườn mai kiểng chờ bán tết - nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Thêm một lần bể bờ bao nữa chắc nhà tui chỉ còn nước uống nước triều trừ cơm quá!”.

 

Theo thống kê, địa bàn quận 12 có hàng chục vị trí đê bao xung yếu, xuống cấp, nguy cơ bể bờ cao, trong đó, chỉ riêng phường Thạnh Lộc đã có đến mười vị trí, là khá cao. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài hai điểm xảy ra vụ bể bờ bao hôm 11 và 13/8, dọc theo rạch Ông Đụng còn có nhiều vị trí đê bao xung yếu có dấu hiệu hàm ếch do việc nạo vét đất, cát tạo ra. Nguy cơ bể bờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại những điểm này khi thuỷ triều dâng cao, nước chảy mạnh.

 

Ở quận Thủ Đức, nhiều đoạn đê bao dọc rạch Võ, rạch Bằng Hòn dù mới đưa vào sử dụng hơn hai năm nhưng chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều đoạn đê đã bị nứt rạn, trụ bêtông xiêu vẹo, chân bờ bao bị sụt lún. Những tháng đầu năm 2010, bờ bao khu vực này đã hai lần bị bể.

 

Ông Nguyễn Văn Thông, sống ở khu phố 5 phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), bức xúc: “Trước khi xảy ra mấy vụ bể bờ bao đó, chúng tôi kiến nghị chính quyền nâng cấp, tu bổ mấy lần nhưng không thấy ai động tĩnh. Chừng bể bờ mới thấy có người xuống nhưng hổng biết khắc phục tới đâu, ai chịu trách nhiệm. Kiểu này, dân tụi tui chắc chỉ biết trách bà thuỷ thôi!”.

 

Gia cố bờ bao chậm chạp

 

Ngoài việc không quan tâm đúng mức công tác duy tu, bảo dưỡng, theo báo cáo kết quả sau ba tháng kiểm tra của ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM, đến ngày 27/6, dù mùa mưa bão đã bắt đầu nhưng nhiều quận, huyện vẫn chưa hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều xung yếu nhằm đảm bảo an toàn. Đáng nói hơn, nhiều công trình chống sạt lở, dù đã được rót vốn và UBND TPHCM cũng đã đốc thúc nhiều lần nhưng vẫn trong tình trạng thi công ì ạch, chưa chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.

 

Tại huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 12… hiện còn đến hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được gia cố. Cụ thể, như đoạn bờ bao ven rạch Ông Đụng, nơi vừa xảy ra vụ bể bờ ở quận 12, là đoạn bờ bao nằm trong dự án thuỷ lợi bờ hữu sông Sài Gòn (do sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, công ty TNHH Kim Nam thi công). Người dân cho biết, theo chính quyền địa phương, phần lỗi thuộc về đơn vị thi công vì đã quá chậm chạp.

 

Tương tự, dự án thuỷ lợi bờ tả sông Sài Gòn (vốn đầu tư 203 tỉ đồng) có tổng chiều dài toàn tuyến 11.344m chủ yếu nằm trên địa phận quận Thủ Đức, dù chỉ còn hơn bốn tháng nữa là hết thời gian thi công (theo kế hoạch) nhưng tại hiện trường, nhiều gói thầu vẫn đang thi công dở dang.

 

Đặc biệt, tại huyện Nhà Bè, hiện có 19 vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao nhưng dự án tái định cư rộng 14,2ha dành cho 418 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở (xã Hiệp Phước) nhiều năm qua vẫn ì ạch. Chưa có nơi tái định cư, người dân chưa thể di dời khỏi những vị trí nguy hiểm.

 

Dự án xây bờ kè rạch Tắc Bến Rô (xã Phước Lộc) cũng im lìm khiến hàng trăm người dân nơi đây sống bất an với nỗi lo thường trực: không biết thuỷ thần sẽ nổi giận lúc nào!

 

Theo Đào Lê - Từ An

 Sài Gòn tiếp thị