1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thực hư bài thuốc “cải tử hoàn sinh” của bà lang xứ Mường

(Dân trí) - Bà lang Tiến khiêm tốn bảo: “Không phải ai uống thuốc của tôi cũng khỏi bệnh, nó phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, quan trọng là chữa được người nào hay người nấy.”

Cuộc thi “chớp nhoáng” và cả đời theo nghiệp thuốc

Chúng tôi dễ dàng nhận ra nhà bà lang Hà Thị Tiến khi đến đầu xóm Lồ, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình đã thấy mùi thuốc bắc phát ra từ một ngôi nhà sàn đơn sơ, cũ kỹ.

Bà Tiến cho biết: “Từ xưa tới nay, trong làng tôi hễ có ai đau ốm gì thường đến đây xin thuốc, chữa khỏi bệnh thì người dân đem con gà, chai rượu đến để đặt lễ gia tiên, tạ ơn ông bà ông vải đã phù hộ cho con cháu cứu nhân độ thế. Đến nay, cái nghề thầy lang đã lưu truyền trong gia đình được 8 đời.”
 
Bà Tiến dùng những loại thảo dược quý trong rừng để chữa bệnh.
Bà Tiến dùng những loại thảo dược quý trong rừng để chữa bệnh.

Theo bà Tiến, gia đình bà chọn người kế nghiệp thầy lang rất công phu, hà khắc. Người kế nghiệp không kể con dâu, con trai, người trẻ hay già..., thầy lang sẽ chọn ra 10 người trong dòng họ mà thầy ưng ý nhất. Đó là những người sáng dạ, thông minh, nhanh nhẹn, là người điềm tĩnh và biết thương người. 10 người này sẽ được thầy lang gọi tập trung để dự một khóa học trong vòng 3 ngày.

Mỗi ngày thầy sẽ dạy 2-3 bài thuốc, sau đó 10 người này phải tự lên rừng tìm đủ mọi loại cây thuốc mà thầy đã dạy. Nếu ai tìm đúng, đủ và thông thạo cách trộn thuốc thì sẽ là người kế nghiệp thầy lang, sẽ được thầy tiếp tục truyền dạy cho những kinh nghiệm bốc thuốc, kinh nghiệm đi rừng, vị trí phân bố của từng loại cây thuốc. Thầy lang còn dạy cả đạo đức người bốc thuốc là phải nhiệt tình với bà con, không được thấy người ta nghèo mà chê, chữa bệnh không nhiệt tình, thấy giàu mà tham...

Bà Tiến nhớ lại cuộc thi chớp nhoáng hồi đó: “Tôi chỉ là con dâu nên bảo leo đồi, leo núi đi bốc thuốc thì thấy ngại ngại, nhưng mà thầy đã gọi học rồi thì đó là một vinh dự lớn nên tôi quyết định tham gia cuộc thi tuyển thầy lang.

Tôi cũng không ngờ rằng sau cuộc thi chớp nhoáng 3 ngày, tôi được chọn làm người kế nghiệp thầy lang của dòng họ. Sau lần thi đó, tôi phải mất thêm 10 năm nữa để tiếp tục học hỏi và nhớ được hàng trăm cây thuốc cũng như cách trộn, pha chế các loại cây thuốc với nhau để có tác dụng chữa bệnh tốt nhất.”

Thực hư bài thuốc “cải tử hoàn sinh”

Bà Tiến cười vui: “Mỗi ngày có gần 40 tin nhắn của người dân bị bệnh gửi đến cảm ơn tôi. Họ đều nói là bệnh đã khỏi hoặc đỡ hẳn, không còn đau đớn như trước đây nữa. Điều này càng khiến tôi có thêm động lực để bốc thuốc cứu người.”

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Phiền (ở xã Phong Phú). Theo người dân địa phương, ông Phiền là người đã được bà Tiến chữa khỏi 2 bệnh sơ gan cổ trướng và hạch ác tính.

Ông Phiền không giấu nổi niềm vui: “Lúc bị sơ gan cổ trướng, bụng tôi trướng lên như bà chửa, người mệt rã rời, không ăn uống được gì. Tôi nghĩ nếu có cầm cự thì chỉ sống được khoảng một tháng nữa là kết thúc cuộc đời. Không chỉ có thế, tôi còn bị cả bệnh hạch, những u, hạch mọc rất nhiều ở cổ, nách, bẹn…

Thấy thế, vợ tôi đến nhờ bà Tiến bốc thuốc nam về uống ngày 3 lần, ở ngoài lại phải bó một đống lá thuốc để chữa bệnh hạch. Lúc đó, chiều lòng vợ con, tôi uống vậy chứ chẳng hy vọng sống được nữa. Tôi uống thuốc liên tục khoảng 1 tuần thì thấy đỡ đau gan và bụng không căng thêm nữa. Tôi dùng thuốc đến hết tháng thứ hai thì bụng xẹp dần và ăn được cơm, nhưng người vẫn mệt mỏi.

Đến tháng thứ ba thì bụng tôi xẹp hẳn, các cơn đau giảm dần. Đến nay, qua 5 tháng dùng thuốc, tôi không đau bụng nữa. Còn bệnh hạch, sau khi đắp thuốc khoảng 2 tháng, các hạch bị thối ra và chuyển thành dạng mủ. Mỗi một nhọt sau khi vỡ chảy mủ đến cả tháng trời mới khỏi hẳn.”

Để chứng minh cho chúng tôi thấy, ông Phiền cởi phăng chiếc áo trên người để lộ ra những vết sẹo chi chít trên người. Ông chẹp miệng: “May mà số tôi gặp thầy gặp thuốc đúng lúc, nếu không thì giờ này đã thịt nát xương tan dưới ba mét đất rồi.”

Nói về những loại thuốc quý, bà Tiến tiết lộ: “Một số vị thuốc quý hiếm đó là lá đu đủ rừng, xạ đen, tóm tép, quýt đốm núi đá, lá ngón độc (lá ngón chỉ dùng đắp ngoài da)... Những loại cây này đang bị khai thác cạn kiệt khiến tôi rất khó khăn trong việc bốc thuốc chữa bệnh, thậm chí là phải mua lại của người với giá vài trăm ngàn đồng/1kg...”

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Phong Phú - khẳng định: “Hơn 30 năm nay, bà Tiến bốc thuốc chữa bệnh cứu người, bà ấy không nằm trong hội Đông y xã. Theo quan sát của xã, hàng ngày vẫn có nhiều người trong và ngoài huyện đến nhà bà xin thuốc, còn bà ấy có chữa khỏi được bệnh ung thư hay không thì xã cũng không để ý nên không biết, có lẽ phải có người chữa khỏi thì người ta mới đến lấy thuốc, nếu không thì cũng chẳng có ai đến.”

An Bang