Thủ tướng yêu cầu tập hợp trung thực ý dân về Hiến pháp

(Dân trí) - Ký ban hành kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa Hiến pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ý kiến đóng góp vào dự thảo phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực.

Kế hoạch nêu rõ mục đích của việc lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu việc lấy ý kiến phải được thảo luận với các hình thức thích hợp, được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Việc lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các bộ ngành địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Về nội dung, Thủ tướng giao lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Hiến pháp sửa đổi gồm lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành mình và những vấn đề bộ, ngành quan tâm.

Thường trực hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với UBND, UB MTTQ Việt Nam cùng cấp và đoàn đại biểu Quốc hội tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề mà địa phương quan tâm.

Về đối tượng lấy ý kiến, Thủ tướng chỉ đạo ngoài các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội… còn có các cơ quan thông tấn báo chí, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư, luật gia…

Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến sẽ được gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước ngày 31/3/2013.

P.Thảo