Thủ tướng nhận yếu kém của Chính phủ trong quản lý thủy điện

(Dân trí)- “Những hạn chế, yếu kém của thủy điện có nguyên nhân chủ quan cơ bản là yếu kém trong quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương. Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém này” , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày.

 
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt vấn đề, dư luận rất xúc động trước hình ảnh các Phó Thủ tướng điều hành chống bão lũ ngay ở trung tâm vùng lũ, hình cảnh lực lượng chức năng nỗ lực quên mình cứu người trong lũ dữ. Tuy nhiên, kèm với đó là sự bức xúc vì lũ lụt chính do thủy điện xả lũ gây ra. Bà Dung yêu cầu Thủ tướng nêu ý kiến về hướng chỉ đạo khắc phục để tránh tình trạng tái diễn vào mùa lũ sau mà người dân “chỉ biết than trời”.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Ninh Thuận) cũng đặt câu hỏi về giải pháp để khắc phục mặt trái của thủy điện trong thời gian vận hành vừa qua thực tế đã gây nhiều hệ lụy cho đời sống của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lật lại vấn đề, tiềm năng thủy điện là một lợi thế lớn của Việt Nam, cần phải khai thác, sử dụng để phát triển. Trong những năm qua thủy điện đã đóng góp quan trọng vào đảm bảo điện năng cho đất nước.

Bên cạnh đó, thủy điện cũng bộc lộ một số tồn tại hạn chế yếu kém cả trong quy hoạch, lập dự án, thi công xây dựng, di dân tái định cư, bảo đảm môi trường sinh thái.

“Những hạn chế, yếu kém này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan cơ bản là yếu kém trong quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương. Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế yếu kém trên lĩnh vực này” – người đứng đầu Chính phủ nói.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có báo cáo đến Quốc hội về tình hình thủy điện hiện nay. Lãnh đạo Chính phủ đã lắng nghe nhiều ý kiến đại biểu thảo luận tâm huyết về vấn đề này và sẽ tập trung chỉ đạo theo hướng tiếp tục phát huy mặt tích cực của thủy điện. Đồng thời thực thiện tích cực các giải pháp khắc phục tồn tại yếu kém đã nêu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tinh thần là dự án thủy điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo an toàn.
Thủ tướng: Thủy điện gây bức xúc do quản lý yếu kém của Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để khắc phục những hạn chế, yếu kém của thủy điện".

Có 3 nhóm giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các nhà máy đang vận hành (268 nhà máy), phải rà soát, đánh giá lại kỹ sự an toàn của hồ đập, hồ đập nào không an toàn phải dừng lại. Cơ quan chức năng cũng sẽ rà soát bổ sung quy trình vận hành an toàn hồ chữa để phù hợp với diễn biến thực tế. Quy trình vận hành này phải xem xét trong cả mùa mưa lũ và mùa kiệt, công khai cho nhân dân biết chứ không phải khi lũ, khi kiệt, khi có vấn đề người dân mới hay.

Chính phủ cũng chỉ đạo UBND các địa phương phải tăng cường kiểm soát buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, từ xử lý hành chính đến áp trách nhiệm theo pháp luật. Cá nhân nào làm không đúng phải xử lý nghiêm, từ hành chính, kinh tế đến hình sự, nếu cố ý làm trái.

Nhắc lại thông tin Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói về nhiệm vụ nghiên cứu chính sách bổ sung với hộ nghèo vùng thủy điện 2 ngày trước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xem xét, sẽ sớm ban hành chính sách.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại và bổ sung cơ chế chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng, bù lại diện tích rừng đã mất cho dự án thủy điện. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp sớm hoàn thành quy chế này.

Với 205 dự án đang triển khai, theo Thủ tướng, nếu chưa an toàn thì phải bổ sung. Phương án tái định cư cũng phải xem xét có đúng quy định pháp luật không để đảm bảo đưa dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn. Quy trình vận hành hồ chứa cũng được người đứng đầu Chính phủ quán triệt phải yêu cầu chủ đầu tư sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo các yêu cầu với mỗi dự án.

Với nhóm các dự án chưa khởi công xây dựng (khoảng 248 dự án), tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý nhóm này, chặt chẽ hơn, trách nhiệm cụ thể cao hơn. Theo Thủ tướng, cần làm các việc như xem xét quy hoạch, giao cho Bộ Công thương rà soát, tổ chức thẩm định, trước khi phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng, nếu đồng ý mới thực hiện.

Tóm lại vấn đề, Thủ tướng nhấn mạnh, việc chấp thuận đầu tư, khởi công xây dựng mới phải chặt chẽ hơn. Dự án nhóm B, C phải do Bộ Công thương quyết định. Dự án nhóm A thì Bộ Kế hoạch – Đầu tư phải lập hội đồng thẩm định vì thủy điện là tài nguyên không tái tạo của quốc gia, cần phải làm thật thận trọng.

Chuyển sang vấn đề khác, với băn khoăn của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về việc tăng bội chi, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ có gây lạm phát cao quay trở lại, lạm phát vĩ mô có đảm bảo, Thủ tướng ghi nhận, ý kiến của đại biểu là chính đáng. Việc tăng bội chi từ 4,8% lên 5,3% và bổ sung thêm 170.000 tỷ trái phiếu từ 2014 – 2016 là một băn khoăn rất đúng mà tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã đặt câu hỏi, thảo luận về khả năng trả được nợ hay không.
 
Clip Thủ tướng trả lời về bội chi, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ

“Tôi hết sức ghi nhận ý kiến đó. Như báo cáo tôi vừa trình bày, tôi giải trình là tăng bội chi, phát hành trái phiếu nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% vào năm 2014, 6% vào năm 2015 và kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra khoảng 7% và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, đảm bảo nợ công quốc gia trong giới hạn an toàn là khả thi” – Thủ tướng khẳng định.

Còn nợ nghị định là Chính phủ còn khuyết điểm
 
Ý kiến của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ngô Văn Minh nêu nợ đọng các văn bản hướng dẫn, có nhiều giải pháp, Thủ tướng quả quyết, Chính phủ nhận thức rõ việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, xây dựng ban hành các nghị định quy định hướng dẫn thi hành chi tiết là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Chính phủ. Phiên họp thường kỳ hàng tháng nào Chính phủ cũng dành thời gian làm và khi cần thiết Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng luật.

Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận: “Tình hình nợ các văn bản, quy đinh, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng để thi hành luật diễn ra thực tế rất nhiều năm rồi. Từ năm 2012 Chính phủ nhận thấy yếu kém này đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chỉ còn nợ 27 văn bản hướng dẫn. Đó cũng là một tiến bộ, so với 10 năm trước là số nợ thấp nhất. Nhưng chúng tôi cũng thấy còn nợ là còn khuyết điểm, một yếu kém trong hoạt động của Chính phủ”.

Năm 2013 luật và pháp lệnh có hiệu lực nhiều hơn. Chính phủ, Thủ tướng phải ban hành 129 nghị định, nghị định để thi hành 29 luật và pháp lệnh (gấp đôi số lượng năm 2012) nên từ đầu năm Thủ tướng đã hết sức quan tâm vấn đề này.
 
Clip Thủ tướng trả lời về nợ đọng văn bản, nghị định
 
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, mới đây trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới là ông Nguyễn Văn Nên, được biết, đến thời điểm này đang còn 19 văn bản nợ lại. Thủ tướng tính toán, nếu so với 2012 nợ 27 văn bản mà số cần ban hành lại tăng gấp đôi thì đó là một bước tiến, hết sức cố gắng.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục phấn đấu để từ nay đến cuối năm, còn hơn 1 tháng, cần thúc đẩy để ban hành đầy đủ số văn bản này. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng giải thích, trong 19 văn bản này có những cái rất khó ban hành và cũng chưa thật cấp bách. Thủ tướng lấy ví dụ, Nghị định về xây dựng quỹ đền bù thiệt hại do điện hạt nhân gây ra thì hiện ta chưa có điện hạt nhân, trong 10 năm tới cũng chưa có và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm xây dựng thể chế điều chỉnh nội dung này.

“Sẽ cố gắng hết sức với tinh thần không còn nợ đọng văn bản nữa. Chúng tôi sẽ nghiêm túc cố gắng” – Thủ tướng nhắc lại.

Cùng với số lượng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần phải đề cập chất lượng văn bản. Thực tế, dù đã từng bước nâng lên về chất lượng nhưng vẫn còn một số văn bản khi ban hành thì chưa phù hợp thực tiễn, thực tế, thiếu tính khả thi, tuy không nhiều nhưng cũng gây bức xúc dư luận.

Chính phủ sẽ tập trung 4 giải pháp. Trước hết là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng được phân công đến các Bộ trưởng phụ trách phải chịu trách nhiệm xây dựng văn bản hướng dẫn ở phạm vi được phân công phụ trách. Vừa qua Chính phủ rất đề cao việc này nên cũng đẩy nhanh được tốc độ xây dựng văn bản hướng dẫn.

Hiện, tất cả các Bộ hiện nay đều được chính phủ cho xây dựng Vụ pháp chế để giúp Bộ trưởng làm tốt hơn công tác xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ rà soát để sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền những quy trình thủ tục làm kéo dài nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ. Một kết luận được rút ra từ việc văn bản ban hành chậm, hải đưa lên đưa xuống, sửa đi sửa lại nhiều lần, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là do tư tưởng chính sách chưa rõ ràng, giải pháp chưa thống nhất thì việc soạn thảo rất khó khăn, kéo dài. Trong năm 2013 theo tinh thần thống nhất này, việc nợ đọng văn bản, tốc độ xây dựng luật trình Quốc hội, chất lượng văn bản pháp quy sẽ từng bước được khắc phục, nâng lên.

P.Thảo