Thủ tướng nhận định “năm Covid” 2020 làm lụn bại thành tựu cả nhiệm kỳ

Phương Thảo

(Dân trí) - Thủ tướng cho rằng, đánh giá kết quả kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 cần tách thành báo cáo “4+1” để thấy rõ những thành tựu lớn đạt được trong 4 năm đầu mà bị 1 năm cuối làm “lụn bại”…

Cách đặt vấn đề của Thủ tướng được Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Khắc Định nhắc tới trong phiên thảo luận tại tổ chiều 10/11 để góp ý văn kiện Đại hội Đảng của các đại biểu Quốc hội.  

“Mệnh lệnh” thu nhập bình quân năm tới tăng 1.000USD

Thủ tướng nhận định “năm Covid” 2020 làm lụn bại thành tựu cả nhiệm kỳ - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý với văn kiện Đại hội Đảng.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà – Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Khắc Định kể, ông gặp Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đánh giá kết quả kinh tế xã hội 5 năm qua, dự thảo văn kiện nêu con số tốc độ tăng trưởng bình quân 5,9%. Nhưng chỉ thể hiện như thế chưa thấy được chuyện thời sự diễn ra trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thủ tướng cho rằng, thực tế, báo cáo cần phải thể hiện kết quả của 4+1 năm vừa qua. Như thế thì mới đánh giá được chính xác là 4 năm đầu của nhiệm kỳ đã vượt chỉ tiêu tăng trưởng về mọi mặt, thành tựu rất rực rỡ. Điều đó cho thấy chính sách đề ra phù hợp cả về đối nội và đối ngoại. Chỉ 1 năm cuối nhiệm kỳ, dịch bệnh Covid-19 khiến mọi thứ trì trệ, đi xuống, kéo giảm cả kết quả đạt được của giai đoạn 5 năm 2015-2020. Năm 2020 các đối sách điều hành hoàn toàn khác 4 năm trước đó.

Ông Nguyễn Khắc Định giải thích, lãnh đạo Chính phủ muốn tách biệt năm 2020 cũng để thấy rõ khó khăn của Covid-19 đến mức như thế nào, để có định hướng đối phó trong năm tới, nếu vượt qua được thì cũng lại là thành công rất lớn. Chính 2020 làm cho tình hình chung “lụn bại”, dù cả nước đã cố gắng hết sức nhưng mọi việc nhìn chung quá khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, người chắp bút viết các văn kiện Đại hội Đảng đã bắt đầu công việc từ 2 năm trước nên nhìn chung sự nhìn nhận, đánh giá tình hình có màu sắc lạc quan… hơi cao. Qua diễn biến của “năm Covid-2019”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nhìn nhận tình hình một cách thực tế hơn.

“Năm 2019-2020, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 2.700USD. Vậy mà mục tiêu đặt ra cho năm 2021 là phấn đấu vượt mốc 3.700USD, tức tăng thêm hơn 1.000 USD/người trong 1 năm, rồi tới năm 2025, thu nhập đạt mức 5.000USD thì có khả thi không?” – ông Lưu đặt câu hỏi.

Đại biểu góp ý, với tình hình vô vàn khó khăn hiện nay, chưa hết dịch bệnh lại tới thiên tai, bão lũ hoành hành nặng nề thì cần định hướng mục tiêu phát triển thế nào cho hiện thực.

Càng xoá đói, khoảng cách giàu nghèo càng tăng?

Thủ tướng nhận định “năm Covid” 2020 làm lụn bại thành tựu cả nhiệm kỳ - 2

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã 2 lần tham gia làm văn kiện Đại hội Đảng.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thành viên tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng góp ý nhiều vào báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, kế hoạch 5 năm tới cũng như báo cáo chiến lược phát triển đến năm 2030.

Tán thành các chỉ tiêu cơ bản đề ra nhưng ông Lợi lo ngại về mục tiêu thu nhập bình quân đầu người. Văn kiện nêu con số, đến 2030, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp phát triển, năm 2045 thành nước phát triển cao, thu nhập đầu người đạt mức 25.000 USD. Tuy nhiên, thực tế mức thu nhập bình quân mới đạt 2.700 USD, tức tới 2030 phải thêm được 12.000 USD nữa mới đạt mục tiêu. Ông Lợi lo ngại con số này thiếu khả thi.

Đại biểu cho rằng, thay vì tập trung “thúc” kinh tế thì chú trọng phát triển kinh tế gắn với phải triển xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội thì người dân sẽ được thụ hưởng nhiều hơn giá trị của phát triển.

Theo đó, cần tập trung thể chế hoá quan điểm về đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, tư duy mới về việc làm. Dự thảo văn kiện có đưa vào một khái niệm là “quan tâm đến mọi người, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội”.

Tiêu chí “quan tâm đến mọi người” có nội hàm về việc đảm bảo việc làm, thu nhập, không để ai bị rơi xuống dưới sàn điều kiện sống tối thiểu. Còn tư duy mới về lao động nghĩa là phải đảm bảo xây dựng hệ thống thị trường lao động bền vững, kết nối được giữa cung và cầu lao động. Việc làm bền vững là cơ sở đưa tới thu nhập cao cho người lao động.

“Theo tinh thần cương lĩnh phát triển đất nước 10 năm tới, tư duy mới về lao động hướng tới tạo việc làm bền vững với ý nghĩa là việc làm với đầy đủ quyền của con người, phù hợp với trình độ của người lao động và đảm bảo công việc với điều kiện chấp nhận được, người lao động được đảm bảo quyền tham gia thỏa thuận về tiền lương”  - ông Lợi giải thích.

Song song với đó, vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội là công cụ để đảm bảo công bằng xã hội. An sinh là để “bảo hiểm” cho người dân không ai bị rơi xuống dưới sàn điều kiện sống tối thiểu, phúc lợi là để mọi người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch…).

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội phân tích, tổng kết Nghị quyết 76 của Quốc hội về chương trình xoá đói giảm nghèo vừa qua cho thấy một nguy cơ bộc lộ hiện nay là chênh lệch thu nhập của các nhóm dân cư. Theo đó, trong 5 nhóm dân cư năm 2008, thu nhập của nhóm giàu nhất so với nhóm nghèo nhất chênh nhau 8,9 lần, đến năm 2018, mức chênh lệch tăng lên 9,86 lần.

“Điều đó nghĩa là càng xoá đói giảm nghèo thì khoảng cách giàu nghèo càng tăng lên. Đây chính là vấn đề cần chú ý. Quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội là vậy. Mà người yếu thế không bao giờ có được công bằng xã hội nếu nhà nước không chăm lo” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Dòng sự kiện: Đại hội Đảng XIII