Thủ tướng duyệt đề án ứng dụng làm điện hạt nhân

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án về việc ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. Nhiều trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sẽ được xây dựng với mục tiêu làm nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ…

Đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh" được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thừa lệnh Thủ tướng ký ngày 5/3.

Đề án nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là xây xựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế. Nhà nước sẽ hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, điện hạt nhân, an toàn bức xạ và môi trường an toàn, an toàn hạt nhân và bệnh nhiễm xạ.
 
Mục tiêu quan trọng là hướng tới quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030.
 
Thủ tướng duyệt đề án ứng dụng làm điện hạt nhân
Nội dung của đề án bám theo các bước trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Theo đề án, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ được xây dựng và phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đảm nhiệm 2 chức năng: Cơ quan nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ thúc đẩy ứng dụng bức xạ, phát triển điện hạt nhân và đào tạo cán bộ. Bên cạnh đó là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc gia độc lập về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường cho phát triển điện hạt nhân.

Nội dung đề án sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, công nghệ lò thế hệ mới… Nghiên cứu công nghệ lò phản ứng hạt nhân và các thiết bị liên quan của nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao vào Việt Nam, từng bước tiếp thu, làm chủ và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.

Theo kế hoạch, nhà nước sẽ tập trung xây dựng 4 viện ứng dụng bức xạ theo khu vực địa lý (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt) phục vụ yêu cầu triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội theo các vùng, miền trong cả nước.

Lộ trình trong giai đoạn 2011-2015 có nội dung triển khai thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân vào hoạt động phục vụ nghiên cứu phát triển công nghệ điện hạt nhân, có lò phản ứng nghiên cứu mới công suất lớn, có phòng thí nghiệm đồng bộ về nghiên cứu thiết kế nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ, nghiên cứu vật liệu sử dụng trong lò phản ứng và các phòng thí nghiệm hiện đại về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ sinh học và y học.

P.Thảo