Thủ tướng: Đoàn đi nước ngoài 10 người, “tiêu” ngay 1 chiếc xe công

(Dân trí) - “Cả nước siết chi tiêu, một chiếc xe công không dám mua nhưng nếu chỉ một đoàn chừng 10 người đi nước ngoài về là mất ngay 50.000 USD tương đương một chiếc ôtô luôn. Đi nước ngoài tốn kém lắm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu…

“Sao lúc nào cũng thua, cũng đi sau mãi”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nêu thực tế, những ngày qua giá dầu tiếp tục giảm, giá vàng lại đang tăng nhẹ cần theo dõi sát sao.

“Chính phủ nên nghiên cứu tăng cường mua dầu dự trữ vì đây là cơ hội quan trọng. Đồng thời tạm ngưng hoặc giảm sản lượng khai thác dầu, tăng dự trữ dầu thay vì dự trữ ngoại hối. Trong nhóm giải pháp, Chỉnh phủ nên có giải pháp cụ thể cho vấn đề này” - ông Quân kiến nghị.

Ông Quân cũng cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho việc phát triển vùng. Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất thành lập mô hình cơ quan tư vấn phát triển vùng cho 6 vùng kinh tế bởi nhiều vấn đề phát triển phải vượt qua ranh giới hành chính để phát triển cho toàn vùng.

Hoan nghênh sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM đối với vấn đề khai thác dầu mỏ, tác động của biến động giá dầu tới tình hình kinh tế đất nước, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xác nhận, giai đoạn vừa qua, giá dầu thế giới liên tục hạ và “chưa biết đáy ở chỗ nào”.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Công thương phối hợp cùng tổ điều hành kinh tế vĩ mô nghiên cứu đề xuất Chính phủ phương án phù hợp để xử lý, tổ chức khai thác dầu thô trong năm 2015 sao để hạn chế bất lợi của việc giá dầu xuống thấp đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế vì xuất khẩu dầu thô vẫn là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Công thương thông tin, phiên họp vừa qua của tổ công tác liên ngành đã trao đổi về tình hình dầu thô và sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ phương án đối phó cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết của Chính phủ sau hội nghị này để bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp. Thủ tướng cũng nhắc các đơn vị triển khai thực hiện quyết liệt ngay các kế hoạch, giao việc cụ thể, kiểm tra giám sát chặt chẽ, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện các khâu đột phá chiến lược. “Kinh nghiệm cho thấy, cùng cơ chế chính sách như nhau nhưng địa phương nào, ngành nào quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được rất nhiều việc” – Thủ tướng chỉ rõ.

Dẫn chứng một việc mang lại hiệu quả đột phá khi cơ quan nhà nước thực hiện tốt việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là chuyện cải cách thủ tục thuế, hải quan của ngành tài chính, Thủ tướng ghi nhận cách làm sáng tạo của Bộ Tài chính, ban hành 1 văn bản để sửa cùng lúc 7 quy định khác nhau, giảm được hơn 200 giờ nộp thuế, đỡ được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý các bộ ngành chủ động rà soát, loại bỏ thủ tục gây khó khăn, phiền hà, nếu vượt thẩm quyền cần kiến nghị ngay với cấp trên để tháo gỡ.

“Tinh thần là gỡ nhanh khó khăn, cải cách mạnh hành chính. Phải tập trung vào việc này vì vấn đề đó hoàn toàn nằm trong nỗ lực, ý chí chủ quan của chúng ta. Làm việc này không mất thêm tiền bạc, vấn đề chỉ là trách nhiệm” – người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ trưởng đặc biệt quan tâm vấn đề cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2015. Sốt ruột vì Việt Nam vẫn chậm chân so với chuyển biến tích cực của các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia…, Thủ tướng phàn nàn: “Trong nhóm 6 nước lân cận mà mình lúc nào cũng thua, cũng đi sau sao được”.

10 người đi nước ngoài, “đốt” tối thiểu 50.000 USD

Một vấn đề khác Thủ tướng nhắc nhở là việc quản lý sử dụng ngân sách. Thủ tướng nêu yêu cầu cả nước cùng phấn đấu để đạt kế hoạch thu ngân sách năm 2015, thu đúng, thu đủ để có nguồn phục vụ nhiệm vụ chi nhưng lưu ý quản lý chi phải thật chặt chẽ vì số chi thường xuyên hiện đã quá lớn. Áp lực nợ công khiến nhà nước buộc phải bố trí một nguồn không nhỏ cho chi trả nợ. Từ đó, chi cho đầu tư phát triển bị giảm dần.

Nhắc lại yêu cầu làm sao chi tiêu thật tiết kiệm, Thủ tướng chỉ rõ tình trạng lãng phí đang phổ biến hiện nay, lãng phí nằm trong chính việc đầu tư kém hiệu quả, nằm ở những phòng học kém chất lượng, trường học không có học sinh, chợ không có người vào buôn bán… Quản lý chặt chẽ hiệu quả đầu tư công và tiết kiệm hết mức chi thường xuyên (điện thoại, tiếp khách, hội nghị…) là yêu cầu đặt ra của người đứng đầu Chính phủ.

Dẫn lại thông tin báo cáo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc số đoàn Trung ương đi công tác nước ngoài năm 2014 đã giảm 20%, số đoàn địa phương giảm 8%, Thủ tướng nêu con số so sánh: “Chúng ta siết chặt chi tiêu, một chiếc xe công không dám mua nhưng nếu chỉ một đoàn chừng 10 người đi nước ngoài là về phải thanh toán ngay một khoản, ít cũng là 50.000 USD, tức khoảng 1 tỷ đồng, tương đương một chiếc ôtô luôn. Đi nước ngoài tốn kém lắm”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương quan tâm hết sức đến việc đảm bảo an ninh quốc phòng, tập trung chỉ đạo kiểm soát cho tốt hơn tình hình tội phạm, tiếp tục giảm hơn nữa tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí như chỉ tiêu Quốc hội đã giao.

Nhắc lại việc sẽ có nhiều kỳ nghỉ dài trong năm (nghỉ tết dương lịch, tết âm lịch, nghĩ lễ giỗ tổ - lễ 30/4, 1/5), Thủ tướng yêu cầu chăm lo đời sống cho người nghèo, đối tượng chính sách, đảm bảo phương tiện giao thông, hạn chế tai nạn. Người đứng đầu Chính phủ cũng “ra điều kiện” đảm bảo việc trực xử lý công việc, không cơ quan nào được để có thời điểm bộ máy không làm việc để tránh ùn tắc công việc, nhất là với doanh nghiệp nước ngoài.
 

Dự thảo Nghị quyết Chính phủ đưa ra với 8 nhóm giải pháp là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ yêu cầu dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

P.Thảo