Thủ tướng bày tỏ quan điểm về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong điều kiện khoa học kĩ thuật phát triển cùng với nhận biết hiện nay của Chính phủ, sẽ thực hiện khai thác bô xít hiệu quả để làm ra bô xít, nhôm, đồng thời bảo đảm vấn đề môi trường, phát triển bền vững…

Tại buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân (chiều 4/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đã nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp liên quan đến các dự án khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên.

Thủ tướng cho rằng, khai thác quặng bô xít là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần nghe chiến lược về phát triển bô xít. Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch phát triển bô xít Tây Nguyên với tinh thần đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng phân tích, tài nguyên khoáng sản của ta không nhiều, trong đó có một số khoáng sản quan trọng có trữ lượng nhỏ hoặc đã cạn kiệt. Bô xít ở Tây Nguyên, có trữ lượng khoảng 8 tỉ tấn (tài liệu của Liên Xô để lại), theo Thủ tướng “cần phải tính toán khai thác”...

Trong điều kiện khoa học kĩ thuật phát triển cùng với nhận biết hiện nay của Chính phủ, sẽ thực hiện khai thác hiệu quả để làm ra bô xít, nhôm, đồng thời bảo đảm vấn đề môi trường, phát triển bền vững…

“Đồng chí Võ Nguyên Giáp lo vấn đề môi trường, Chính phủ cũng rất lo nên trong qui hoạch sẽ xử lí vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới đây chủ trì một cuộc hội thảo với các nhà khoa học, các nhà báo quan tâm tới với vấn đề khai thác bô xít. Tại hội thảo, sẽ có những trình bày về các vấn đề đặt ra, chẳng hạn vấn đề bảo đảm môi trường, phương án sẽ như thế nào, công nghệ ra sao… để tạo nên sự đồng thuận.  
 

“… Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên.

 

Ý kiến phản biện của các nhà khoa học nước ta vừa qua phân tích trên nhiều phương diện, trong các điều kiện kinh tế kỹ thuật hiện nay cũng đi tới kết luận như các nhà khoa học Liên Xô cách đây 20 năm. Với những cảnh báo nghiêm trọng như vậy, chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan - cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô-xít trên Tây Nguyên đến 2025.

 

… Vừa qua đồng chí Thủ tướng đã quyết định bác dự án nhà máy thép lớn của Hàn Quốc tại vịnh Vân Phong, khẳng định quyết tâm của Chính phủ phát triển kinh tế bền vững, được đông đảo nhân dân và các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ.

 

Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định.

 

(Trích thư Đại tướng Võ Nguyễn Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

 
Cấn Cường