1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thế giới “đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng”

(Dân trí) - Đó là lời cảnh báo được nhắc đến tại Hội thảo về Năm quốc tế Đa dạng sinh học (tại Quảng Bình ngày 3/6) trước thực trạng phá rừng và sự biến mất nhanh chóng của các loài sinh vật.

Thế giới mất 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm vì phá rừng
 
Theo TS. Lê Xuân Cảnh - Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật: cam kết và cắt giảm tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) của nhiều chính phủ 8 năm trước khó thành hiện thực vì thực trạng gia tăng các thành phố, mở rộng cơ sở hạ tầng và phát triển nghề nông như hiện nay.
 
TS. Cảnh cho biết: trước tỷ lệ biến mất quá nhanh của các loài, một số nhà sinh vật tuyên bố con người đang ở giữa đợt đại tuyệt chủng thứ sáu của trái đất.
 
Thế giới “đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng” - 1
Nhiều ý kiến đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo. 
 
Theo Liên hợp quốc (LHQ), khi các hệ sinh thái (HST) tự nhiên như rừng và đầm lầy biến mất, con người cũng không còn được hưởng những “dịch vụ miễn phí” như nước và không khí sạch, được bảo vệ trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, được cung cấp vật liệu xây nhà và sưởi ấm…
 
Theo Nhóm bảo tồn ĐDSH thuộc Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN): sự mất mát HST đa dạng đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại hôm nay và mai sau. Một cuộc nghiên cứu quy mô lớn của LHQ về giá trị kinh tế của ĐDSH cho thấy con số đáng giật mình: tình trạng phá rừng đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.
 
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động lớn tới việc bảo tồn ĐDSH: một số loài (đặc biệt là loài “sách đỏ”) sẽ biến mất; các HST, sinh cảnh cho các loài di cư (đặc biệt là các loài nguy cấp có phân bố hẹp, đặc hữu) sẽ biến mất hoặc bị thu hẹp; các HST bị biến đổi và phân mảnh…
 
Trước mối lo ngại đó, ngày 11/1, LHQ đã phát động 2010 là Năm Quốc tế ĐDSH, cảnh báo về hiểm họa biến mất của nhiều loài. “Năm Quốc tế ĐDSH là cơ hội lớn cho chính phủ các nước sau thất bại tại Hội nghị biến đổi khí hậu tại Copenhagen. Họ có cơ hội hành động vì ĐDSH, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài và đảo ngược sự mất mát của ĐDSH” - ông Simon Stuart - cố vấn khoa học cấp cao của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - đánh giá.
 
Việt Nam: Rừng nhiệt đới suy thoái trầm trọng
 
Việt Nam được đánh giá là nước có tính ĐDSH cao và được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Theo thống kê: trong các HST trên cạn của Việt Nam có 13.200 loài thực vật và khoảng 10.000 loài động vật được phát hiện. Các HST dưới nước, tính cả các vùng ngập mặn và môi trường biển, có tới hơn 14.00 loài sinh vật. Đến nay, các loài động, thực vật mới vẫn tiếp tục được phát hiện và công bố ở Việt Nam.
 
Tuy nhiên, theo TS. Cảnh: có nhiều mối đe dọa tới ĐDSH ở Việt Nam như sự gia tăng dân số và mức tiêu dùng, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, v.v… dẫn tới sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, thay đổi cảnh quan thiên nhiên, chia cắt các HST, suy giảm môi trường sống và di cư của các loài…
 
Thế giới “đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng” - 2
Phá rừng đang là vấn nạn lớn mà Việt Nam phải đối mặt.
 
Điều này gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề mà cả xã hội phải gánh chịu, nhất là những người nghèo: lũ lụt, hạn hán, sụt lở đất…
 
TS. Cảnh đánh giá: biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, nhưng xét riêng ở Việt Nam thì vấn đề lớn là tình trạng khai thác, sử dụng và buôn bán trái phép nguồn tài nguyên ĐDSH.
 
TS. Cảnh đưa ra hai cảnh báo đáng chú ý là việc giảm tỷ lệ nghèo cao không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ người nghèo xâm phạm tài nguyên ĐDSH, và việc tăng độ che phủ rừng cần lưu ý một nửa diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi nên giá trị ĐDSH không cao trong khi rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều và vẫn tiếp tục suy giảm.
 
Do đó, theo TS. Cảnh, để ngăn chặn sự suy giảm và tạo đà phục hồi ĐDSH tại Việt Nam, cần nâng cao hiểu biết của toàn dân, củng cố và phát triển các khu bảo tồn, chấm dứt việc chuyển đổi các vùng rừng tự nhiên được cho là kém giá trị kinh tế thành vùng sản xuất cao su, chè, cà phê… và cần sớm đưa Luật ĐDSH vào cuộc sống.
 
Hồng Kỹ