Thay “tướng”, tăng quyền cho cơ quan chống tham nhũng

Đảng, Nhà nước, QH và nhân dân đều xác định tham nhũng là hiểm họa của đất nước, thậm chí là “giặc nội xâm”, “quốc nạn”.

Vì vậy cần phải có biện pháp đặc biệt để chống lại nạn tham nhũng. Nhưng thực tế cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả mong muốn bởi giữa thực trạng tham nhũng với biện pháp đề ra chưa tương xứng với nhau. Vậy giải pháp nào để có thể ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng như nghị quyết của Đảng đề ra?

Tham nhũng sinh ra từ trong bộ máy công quyền và không dễ để chống được tham nhũng khi đặt cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) ngay ở nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ sản sinh ra tham nhũng.

Chẳng ai lấy búa đập chân mình

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu còn duy trì cơ cấu Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTN cấp tỉnh đặt ở cơ quan hành pháp, trưởng BCĐ PCTN cấp tỉnh đồng thời là người đứng đầu của cơ quan hành chính của địa phương đó thì công cuộc PCTN sẽ rất khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Bởi theo PGS-TS Phương Ngọc Thạch (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM), cơ quan hành pháp là nơi tập trung quyền lực mà quyền lực lại tạo ra tham nhũng. Nhất là với tình trạng hiện nay, tham nhũng đã thâm nhập sâu vào bộ máy hành chính và sự bao che của các cấp với nhau chính là tấm bình phong vững chắc chống lại sự phát giác của các công cụ PCTN. Nói như chuyên gia hành chính - TS Lê Văn In thì “chẳng ai lấy búa đập vào chân mình cả!”.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Hiếu Đằng phân tích thêm: “Có bao nhiêu ông lãnh đạo dũng cảm, liêm khiết và công tâm để “bêu” cái xấu của địa phương mình nếu có tham nhũng xảy ra? Đó là chưa nói nếu cấp lãnh đạo đó tham nhũng thì công cụ nào vạch ra cho được?”.

Ở góc độ người trong cuộc, ông Võ Văn Phải, Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Thuận, cũng nhìn nhận các cơ quan hành chính là cơ quan điều hành, quản lý toàn xã hội và có quyền ban hành các chính sách, chế độ. Nguy cơ tham nhũng phát sinh từ những hoạt động này. Cho nên nếu chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo việc này thì chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”…

Độc lập như kiểm toán nhà nước?

Ông Đằng cho rằng muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải có một tổ chức tương đối độc lập, để giám sát hoạt động của chính quyền. Đồng thời, phải tăng quyền để bảo đảm cho cơ quan này có thể được điều tra tham nhũng. Chứ như hiện nay, BCĐ PCTN nằm trong chính quyền, đã thế chức năng lại hầu hết chỉ là tuyên truyền, đốc thúc, phổ biến pháp luật mà chưa có được một uy thế thực sự để chống tham nhũng cho hiệu quả. “Nơi sản sinh lại là nơi diệt trị thì làm sao mà chống được. Tôi nghĩ cần mạnh dạn thay đổi, bằng sự quyết liệt của Đảng, cần phải chuyển giao BCĐ PCTN trung ương cho QH để có sự độc lập tương đối và trao quyền mạnh hơn cho cơ quan này để hoạt động hiệu quả hơn” - ông Đằng kiến nghị.

Đồng tình với hướng này, GS Đặng Hùng Võ cũng đề xuất nên hình thành cơ chế BCĐ PCTN thuộc QH và HĐND cấp tỉnh để đảm bảo sự giám sát tham nhũng tốt hơn. “Mô hình hợp lý nhất vẫn là cơ quan PCTN thuộc QH như kiểm toán nhà nước hiện nay. Có như thế mới mong hiệu quả kiểm tra, giám sát tham nhũng cao hơn” - GS Võ nói.

Cũng cho rằng không nên để cơ quan chống tham nhũng do cơ quan hành pháp quản lý nhưng PGS-TS Phương Ngọc Thạch lại đề xuất người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng ở trung ương nên là Tổng Bí thư Đảng. “Điều này quan trọng lắm, kinh nghiệm nhiều nước có mô hình phù hợp, việc chống tham nhũng mới đạt hiệu quả” - ông Thạch nhấn mạnh.

Tổng kết mô hình Ban Chỉ đạo PCTN

Những bất cập của mô hình BCĐ PCTN mà các chuyên gia phân tích ở trên cũng đã được thể hiện trong báo cáo tổng kết công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Báo cáo này nhận định mô hình BCĐ PCTN chưa tạo được sự thống nhất cao; hoạt động của BCĐ ở các bộ ngành, trung ương, ở cấp huyện, cơ sở chưa rõ nét. Quy định người đứng đầu BCĐ trung ương và BCĐ cấp tỉnh chưa tạo được sự đồng thuận. Ngoài ra, những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ trung ương và BCĐ cấp tỉnh về PCTN mới dừng lại ở những quy định chung chung, thiếu các quy định cụ thể dẫn đến nhiều vướng mắc trong hoạt động.

Từ những nhận định nêu trên, trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra nhiệm vụ “tổng kết đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan PCTN để có chủ trương giải pháp phù hợp”.

Đây cũng là vấn đề được mổ xẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 14/10. Tại phiên họp này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kiến nghị thí điểm việc để bí thư, chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm trưởng BCĐ PCTN thay vì chủ tịch UBND như hiện nay. “Qua khảo sát thì khoảng một nửa số tỉnh, thành đề nghị trưởng ban phải là bí thư hoặc chủ tịch HĐND để tách hẳn ra khỏi công tác quản lý điều hành ở địa phương” - ông Tranh cho hay.

"Chống tham nhũng là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đổi mới cách làm và bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 3, 4 (TP.HCM) ngày 18/10).
 
Không ổn ngay từ khâu thiết kế

Khi chúng tôi tiến hành khảo sát lấy ý kiến người dân về vấn đề này, đa phần ý kiến cho rằng để ông chủ tịch tỉnh làm trưởng BCĐ PCTN sẽ khó khách quan, sẽ làm hạn chế uy lực về giám sát. Nhiều nơi người ta nói thẳng rằng “ông này vừa cầm tiền, vừa có quyền, nếu ông làm trưởng ban thì khó mà chống được”.  

Tôi cho rằng trưởng ban không thể là người thuộc cơ quan hành pháp. Nếu không phải là người thuộc chính quyền thì yếu tố giám sát, yếu tố khách quan sẽ tăng lên. Tôi nghĩ nên để chủ tịch QH hoặc một phó chủ tịch QH làm trưởng BCĐ PCTN ở trung ương; ở địa phương là chủ tịch HĐND cấp tỉnh. QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. QH có bộ máy đầy đủ, chuyên nghiệp, việc thành lập một ban chống tham nhũng đặt ở QH là phù hợp. Tuy có thể vẫn sẽ bị quy vào là hình thức nhưng dù sao nó vẫn bảo đảm đúng ở thiết kế. Còn cứ giữ như hiện nay thì đã không ổn ngay từ khâu thiết kế rồi.
PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển (cơ quan đã có nhiều khảo sát về PCTN ở VN)
 
Phải có nguồn lực tương xứng

Văn phòng BCĐ PCTN chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và là đầu mối giúp trưởng BCĐ thực hiện nhiệm vụ. Còn thành viên của BCĐ là các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát), công an, ủy ban kiểm tra, thanh tra thì đã có chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định rồi. Cho nên thực tiễn hiện nay, Trưởng BCĐ PCTN cấp tỉnh rất khó chỉ đạo công tác PCTN mà chủ yếu là nhắc nhở, đôn đốc.

Nếu Đảng, Nhà nước ta đã xác định được mối nguy hại to lớn của tham nhũng và tầm quan trọng của công tác PCTN thì nên chuyển giao cho QH phụ trách công tác chống tham nhũng. Ngoài ra, đừng quên rằng muốn có sức mạnh thì phải có nguồn lực tương xứng với chức năng của BCĐ.
Ông Võ Văn Phái, Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Thuận

Kinh nghiệm Singapore

Cơ quan điều tra tham nhũng Singapore được thành lập từ năm 1952, là cơ quan trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập trong điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Cơ quan này có quyền bắt người trong 48 tiếng, quyền thẩm vấn, kiểm kê tài sản, theo dõi tài khoản của những người bị tình nghi tham nhũng. Cơ quan này tập trung chủ yếu vào việc điều tra tham nhũng trong lĩnh vực công, qua đó làm trong sạch bộ máy Nhà nước, đặc biệt chú ý đến các quan chức thi hành pháp luật, bởi những người này do điều kiện làm việc mà dễ dẫn đến phạm tội tham nhũng.

Theo Minh Cường
Pháp luật TP.HCM