Thay thế cán bộ kém cần phải có quá trình

(Dân trí) - “Không thể nói nguyên nhân chính làm chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở thấp do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng... Nhưng vấn đề thay thế số cán bộ này đòi hỏi phải có quá trình” - Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong chương trình tối 30/9.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong chương trình tối 30/9.
 
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình là người “đăng đàn” trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời trên VTV1 tối qua, 30/9. Nhận câu hỏi về nhận định "các vụ việc ở địa phương, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến đội ngũ cán bộ xã, phường hoặc thị trấn nơi đó, không ít trong số đó là do trình độ hạn chế của các cán bộ cơ sở", Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận thực tế này.

Tuy nhiên, ông Bình không đồng ý với ý kiến cho rằng, cơ chế lương và phụ cấp rất thấp của đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay là nguyên nhân khiến cho các địa phương không thể thu hút người có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác, dẫn tới tỷ lệ cán bộ cơ sở có chuyên môn rất thấp, gây cản trở cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như gây bức xúc cho người dân trong quá trình giao dịch với chính quyền.

Ông Bình lập luận, trước năm 2003, đội ngũ cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn chỉ được hưởng chế độ sinh hoạt phí hàng tháng; thì từ năm 2003, đã được chuyển sang hưởng theo chế độ tiền lương. Và đến năm 2011, thì chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội của đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn thậm chí còn được thực hiện như cán bộ công chức cấp huyện trở lên.

“Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn. Do đó không thể nói nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ này thấp là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng” - Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng chất lượng cán bộ cơ sở, ông Bình cho rằng cần phải nhìn một cách tổng thể, khách quan, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đến thực trạng đội ngũ cán bộ này.

Theo đó, đội ngũ này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và từ nhiều thời kỳ khác nhau. Trên thực tế, trước năm 2003 vẫn chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, nên cũng chưa có điều kiện tập trung đúng mức cho đội ngũ CBCS này. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn trước 2003 vẫn đang nằm trong đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay.

Ông Bình lưu ý: “Việc tiêu chuẩn hóa hay thay thế những cán bộ không đảm bảo yêu cầu công việc đều đòi hỏi phải có quá trình và thời gian nhất định”.

Bộ trưởng Nội vụ cũng thông tin thêm, theo thống kê, tính đến nay cả nước còn hơn 6% công chức của xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, tỉ lệ này còn cao hơn, cá biệt có nơi lên tới hơn 30%. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, đây mới là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân của từng địa phương.

Bàn về giải pháp “gỡ khó”, có ý kiến cho rằng, phải xóa tình trạng nhập nhèm tuyển dụng, chặn tình trạng “con ông cháu cha”. Câu hỏi đặt ra là thi tuyển công khai có giải quyết được tình trạng chất lượng cán bộ cơ sở kém hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình quả quyết, vấn đề tuyển dụng cán bộ ở cấp cơ sở đã có những quy định rất cụ thể của luật pháp. Để trở thành cán bộ xã, phường, thị trấn đều phải qua bầu cử theo quy định của pháp luật và theo điều lệ của từng tổ chức. Ví dụ như để trở thành Bí thư Đoàn thanh niên phải được đại hội Đoàn xã, phường, thị trấn bầu, để trở thành Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phải được đại hội của Hội Phụ nữ bầu ra. Với Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh cũng phải qua bầu cử như vậy. Còn đối với công chức cấp xã, phường, thị trấn thì khi tuyển dụng có 2 hình thức là thi tuyển và xét tuyển.

Trong đó hình thức xét tuyển chỉ dành cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc ít người, và đặc biệt là với các xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Còn hình thức thi tuyển, ông Bình nhấn mạnh, phải thực hiện theo quy định Nghị định 112 (năm 2011) của Chính phủ. Nghị định này có những quy định tương đối cụ thể về việc thi tuyển, đặc biệt là quy định phải công khai việc thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, và niêm yết ở trụ sở UBND xã, phường, thị trấn - nơi có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian ít nhất 30 ngày.

“Nếu thực hiện theo các quy định nêu trên, khâu thi tuyển, xét tuyển sẽ đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch theo mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương” – Bộ trưởng Nội vụ trao đổi.

P.Thảo