Đắk Lắk:

“Thầy Duy rắn” cứu hơn 550 người bị rắn độc cắn

(Dân trí) - 27 năm chuyên chữa trị các nọc độc rắn cắn, đã cứu sống hơn 550 người, bởi thế khắp vùng Tây Nguyên không ai không biết đến Lương y Phạm Duy (thôn Hòa Nam 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) và gọi ông bằng cái tên trìu mến “thầy Duy rắn”.

Lương y Phạm Duy năm nay 75 tuổi, là Hội viên Hội Đông y Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ông vốn gốc gác là người Đồn Sá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thời thanh niên ông có một thời gian dài là giáo viên dạy Văn Trường THPT Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Khi đó cuộc sống vất vả, đồng lương giáo viên eo hẹp, gia đình ông lại có đến 5 người con, thế là vợ chồng ông quyết định tha hương vào Đắk Lắk tìm kiếm cuộc sống mới.
 
“Thầy Duy rắn” cứu hơn 550 người bị rắn độc cắn

Lương y Phạm Duy đã chữa trị và cứu sống hơn 550 nạn nhân bị rắn độc cắn.

 

Khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, vì vùng đất này vốn cây cối rậm rạp, lắm hùm thiêng hổ độc nên cái nghề gia truyền chữa bệnh thuốc Nam ông học từ tấm bé từ ông cha được dịp phát huy thế mạnh. Chả là thân sinh ông Duy hồi đó chữa bệnh cả vùng nên từ khi mới 7, 8 tuổi, cậu bé Duy đã được thân phụ “cầm tay chỉ việc” cho tán thuốc, sao tẩm, chế biến thuốc… Nghiệp ngấm vào máu lúc nào chẳng hay.

 

Đặc biệt, ông Duy còn học được từ thân phụ bài thuốc quý chữa rắn cắn có tên “Đoạt mệnh tán”, được xem là “bảo bối” của dòng họ. Ông nói: “Sở dĩ tên là “Đoạt mệnh tán” vì nó giành lại mạng sống cho những người bị rắn cắn khỏi bàn tay tử thần”. Bài thuốc gia truyền này kết hợp nhiều thảo dược, chắt lọc từ những bài thuốc dân gian theo một công thức chỉ được lưu truyền trong dòng họ.

 

Theo ông Duy, trong số các loài rắn thì rắn cạp nia hay còn gọi rắn mai gầm rất nguy hiểm; tuy nhiên nạn nhân nếu được chữa trị kịp thời vẫn giữ được mạng sống. Ông nói: “Loài rắn này cắn không đau, không nhức, không chảy máu, dù buộc garô nó cũng không sưng nhưng nạn nhân bị cắn khoảng 2, 3 phút là cấm khẩu. Nên khi bị loài rắn này cắn cần phải biết sơ cứu tại chỗ, đem đi chữa trị kịp thời”.

 

Với ông, việc chữa rắn độc cắn cứu người luôn được đặt lên hàng đầu. “Có nhiều trường hợp nạn nhân bị rắn độc cắn, được đưa đến nhà lúc nửa đêm, hay 2-3h sáng, thế là công việc giải độc rắn được tiến hành ngay. Có khi kéo dài hàng giờ nạn nhân mới qua cơn nguy kịch. Đến nay có hơn 550 nạn nhân bị rắn độc cắn nguy kịch đến đây chữa trị và tôi đã chữa khỏi. Sau khi thoát nạn có nhiều người còn biếu vàng cảm tạ, nhưng tôi không lấy. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Mai, thôn 6, phường Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, hơn 20 năm trước. Sức của tôi cứu được thì tôi làm…”.
 
“Thầy Duy rắn” cứu hơn 550 người bị rắn độc cắn
Thư chúc mừng của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi đến ông Phạm Duy năm 2009.

 

Ông vẫn còn nhớ, trong số hàng trăm người đã được ông giành lại mạng sống, có 8 trường hợp “thập tử nhất sinh” vì bị rắn hổ mang bành cắn, phun nọc vào mắt… Tiếng lành đồn xa, nhiều người bị rắn cắn ở tận ngoài Bắc hay trong Nam cũng lặn lội tìm tới nhà ông nhờ cứu chữa.

 

Ông Hoàng Văn Thuyết (78 tuổi, thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) nói: “Chúng tôi chẳng có bà con ruột thịt gì nhưng thầy Duy đây đã tận tâm cứu tôi cùng con gái bị rắn độc cắn hơn 20 năm trước, không có thầy Duy chắc cha con tôi nguy nan rồi; khắp vùng này người dân ai cũng quý mến thầy”.

 

Trao đổi về trường hợp thầy Duy chữa rắn cắn, bà Nguyễn Thị Minh Lành, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ea Nuôl, cho biết: “Năm 1982 tôi về Trạm công tác thì thấy bác Duy đã chữa rắn độc cắn giúp dân rồi. Bác đã chữa khỏi, cứu sống hàng trăm trường hợp mà các bệnh viện tuyến trên trả về. Người dân các tỉnh, huyện khác bị rắn cắn nghe tin về đây chữa trị và lành bệnh rất nhiều. Bài thuốc “Đoạt mệnh tán” là bài thuốc gia truyền của dòng họ bác có từ lâu thời ngoài Bắc”.

 

Được biết hiện ông Duy đã truyền phương thuốc “Đoạt mệnh tán” cho con trai cả là anh Phạm Du (44 tuổi) và cô con gái út là chị Phạm Thị Minh Nguyệt (27 tuổi) hiện công tác tại Phòng chẩn trị Hội y học cổ truyền Đắk Lắk.

 

Viết Hảo