Thất lạc bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm: Khó có lợi ích nhóm?

(Dân trí) - Theo ông Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - bản đồ gốc (tỷ lệ 1/5.000) khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể bị thất lạc chứ không thể có chuyện không có bản đồ. Ông cũng cho rằng: “Việc thất lạc bản đồ là do sơ suất trong quản lý chứ khó có chuyện lợi ích nhóm”.

"Chắc chắn là có bản đồ"

Ngày 2/5, UBND TPHCM tổ chức họp báo định kỳ tình hình kinh tế xã hội - an ninh trật tự trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2018. Tại đây, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TPHCM - cho biết đã thất lạc bản đồ quy hoạch gốc (tỷ lệ 1/5.000) đi kèm với quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Thông tin này gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho biết: “Đã có quyết định thì phải có bản đồ, xưa nay đều thế cả. Vấn đề là nó nằm ở đâu đó thôi. Quy hoạch Thủ Thiêm rất rõ ràng. Tài liệu bị mất có thể anh sơ suất trong quá trình quản lý, để đâu đó chưa tìm ra, bây giờ phải tiếp tục truy tìm. Phải truy trở lại quá trình làm, quá trình phê duyệt và quá trình quản lý hồ sơ…”.


Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, chắc chắn phải có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 để định hướng chung.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, chắc chắn phải có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 để định hướng chung.

Ông Cương phân tích thêm, bản đồ quy hoạch 1/5.000 là quy hoạch định hướng, tức là cơ sở để căn cứ lập quy hoạch chi tiết 1/2.000. Tức là phải có bản đồ 1/5.000 thì mới có cơ sở để triển khai các bước pháp lý tiếp theo, xây dựng bản đồ quy hoạch 1/2.000, từ đó ra các bản đồ chi tiết để giao đất, thu hồi đất…

Ông Cương cũng đánh giá bản đồ 1/5.000 ảnh hưởng không lớn đến ranh giới chính xác để thu hồi đất, nó chỉ ảnh hưởng gián tiếp vì căn cứ vào đó người ta xây dựng bản đồ 1/2.000.

“Muốn triển khai trên đất liên quan đến quyền lợi người dân thì phải có bản đồ tỷ lệ nhỏ hơn, tức là bản đồ 1/2.000 hoặc 1/500. Bản đồ 1/5.000 lớn lắm, chỉ là quy hoạch chung. Muốn phê duyệt quy hoạch 1/2.000 năm 1998 thì TPHCM phải căn cứ vào bản đồ quy hoạch 1/5.000 này”, ông Cương nói.

Căn cứ để giao đất cho doanh nghiệp, thu hồi đất của người dân phải là các bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, hoặc 1/500
Căn cứ để giao đất cho doanh nghiệp, thu hồi đất của người dân phải là các bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, hoặc 1/500

Tuy nhiên, ông Cương nhận định việc mất bản đồ gốc có thể là 1 sai sót trong quá trình quản lý hành chính chứ không ảnh hưởng đến quy hoạch, vì khi phê duyệt quy hoạch 1/2.000 thì chắc chắn phải dựa trên quy hoạch 1/5.000. “Đặt trường hợp không tuân thủ quy hoạch 1/5.000 mà bây giờ cố tình giấu quy hoạch 1/5.000 thì đó cũng chỉ là trách nhiệm hành chính”.

Khó có lợi ích nhóm?

Khi được hỏi có khả năng bản đồ quy hoạch chi tiết đã được vẽ khác với bản đồ 1/5.000 nhằm đem lại lợi ích cho 1 nhóm người nào đó, gây thiệt hại cho người dân, nay người ta giấu bản đồ 1/5.000 đi để tránh bị phát hiện hay không? Ông Cương nhận định: “Khó có chuyện lợi ích nhóm vì quy hoạch công khai, với nhiều cơ quan tham gia. Thu hồi đất cho thành phố, đấu thầu rồi cũng phục vụ lợi ích chung chứ không chia cho ai cả. Có thể quá trình làm có sơ suất, chứ nói lợi ích nhóm thì rất khó!”.

TS Võ Kim Cương: Có thể quá trình làm có sơ suất, chứ nói lợi ích nhóm thì rất khó!”
TS Võ Kim Cương: "Có thể quá trình làm có sơ suất, chứ nói lợi ích nhóm thì rất khó!”

Song TS Cương cũng không phủ nhận thực tế có những tiêu cực. Vì mục tiêu lợi nhuận thì nhà đầu tư có thể chi cái này cái kia cho người này người nọ, nhưng không phải lợi ích nhóm mà là tham nhũng.

Đồng thời, những điều chỉnh này hoàn toàn có thể thực hiện bằng các thủ tục hành chính, nghiên cứu lại, đề xuất cho phép chỉnh sửa, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch… Tức là không nhất thiết phải tự ý sửa bản đồ 1/2.000 khác hoàn toàn bản đồ 1/5.000 rồi giấu bản đồ 1/5.000 đi.

TS Võ Kim Cương cho rằng, khi xảy ra chuyện thất lạc bản đồ thì người dân có nhiều nghi ngờ, đồn đoán tiêu cực là bình thường. Do đó, Nhà nước muốn bảo vệ uy tín thì phải làm sáng tỏ, truy đến cùng và công khai cho người dân được biết.

“Trách nhiệm của Nhà nước là phải làm sáng tỏ, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao mất? Phải huy động lực lượng đầy đủ để làm rõ vấn đề này, công khai rõ ràng”, ông Cương thẳng thắn.

Theo TS Võ Kim Cương, nhà nước muốn bảo vệ uy tín thì phải làm sáng tỏ, truy đến cùng và công khai cho người dân được biết.
Theo TS Võ Kim Cương, nhà nước muốn bảo vệ uy tín thì phải làm sáng tỏ, truy đến cùng và công khai cho người dân được biết.

Còn quyền lợi người dân?

Về việc khiếu kiện của người dân ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Cương cho rằng vấn đề then chốt là nằm ở giá bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Nếu anh không ở quy hoạch khu này thì cũng ở quy hoạch khu kia. Mà luật quy định quyền thu hồi đất thuộc UBND thành phố. Khi thành phố có quy hoạch phát triển đô thị thì sẽ có quyết định thu hồi đất. Vấn đề nằm ở chỗ là giá cả chênh lệch giữa quy hoạch này với quy hoạch kia làm người dân khiếu kiện về chính sách đền bù”, ông Cương phân tích.

Theo ông Cương, giả sử thành phố có sai sót nào đó trong quá trình triển khai quy hoạch thì TP vẫn có quyền trình Thủ tướng xin mở rộng dự án đó và có quyết định giải toả mới. Cho nên cuối cùng câu chuyện lại quay về vấn đề giá bồi thường.

“Việc quan trọng là giải quyết quyền lợi của người dân có đất ở đó và quyền lợi chung của xã hội để tạo ra sự hài hoà”, ông Cương nhận định.

Thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm: Khó có lợi ích nhóm?

Tuy nhiên, theo ông Cương, UBND TPHCM hoàn toàn có quyền điều chỉnh dự án nhưng phải đúng cấp thẩm quyến. Nếu dự án do Thủ tướng phê duyệt thì khi chỉnh sửa nội dung có sự sai khác về quy mô dự án phải có trình tự, trình Thủ tướng phê duyệt chỉnh sửa chứ không tự thay đổi quyết định của Thủ tướng.

Còn nếu TP thiếu quyết định của Thủ tướng trong việc điều chỉnh thì đó là sai sót của thành phố. Tuy nhiên, ông Cương cho đó chỉ là sai phạm về thủ tục hành chính trong ngành quy hoạch.

Ông Cương nói: “Khi xin điều chỉnh mà chưa có, thiếu văn bản chấp thuận của Thủ tướng, hoặc Thủ tướng mới chấp thuận miệng mà anh quên mất chuyện làm văn bản… Có nhiều tình huống xảy ra và chúng ta phải kiểm tra lại”.

Bài: Quốc Anh - Tùng Nguyên
Hình & Clip: Phạm Nguyễn