1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thắt chặt tiền tệ “góp” thêm khó khăn cho cuối năm

(Dân trí) - “Mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ, kéo thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm, sản xuất kinh doanh đang giảm sút. Khó khăn những tháng cuối năm rất nặng nề”, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét.

Ủy ban Tài chính ngân sách và Ủy ban Kinh tế là 2 cơ quan được giao thẩm tra các báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng nay, 30/6.
 
Thắt chặt tiền tệ “góp” thêm khó khăn cho cuối năm - 1
Lạm phát, lãi suất tăng cao làm cho chi phí đầu vào của sản xuất bị đẩy lên.

Nghịch lý nhập ôtô, đá quý thời lạm phát

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền đánh giá chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức rất cao, 6 tháng đã là 13,29%, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân (đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo, 1,6 triệu hộ cận nghèo).
 
Không phủ nhận những nguyên nhân khách quan như lạm phát, tăng giá chung trên thế giới tác động đến tăng giá mà Chính phủ lý giải nhưng Ủy ban kinh tế cho rằng, lý do chính là do những yếu tố nội tại của nền kinh tế như thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…

Ủy ban Tài chính Ngân sách cảnh báo, lạm phát đã có xu hướng giảm nhưng khó giữ mức 15% trong năm 2011

Cơ quan thẩm tra phân tích, trong công tác điều hành, những tháng đầu năm, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều tỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất liên ngân hàng dồn dập tập trung vào thời điểm sát Tết đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường gây tâm lý cho người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều hàng hóa khác.

Thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhóm dân cư này. Đây là nguyên nhân khiến hiện tượng đình công gia tăng tới 218 cuộc ngay trong 3 tháng đầu năm.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm chiếm 15,7% kim ngạch xuất khấu, thấp hơn mục tiêu cả năm (18%) nhưng chưa có tính bền vững. Kim ngạch nhập khẩu một số hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế nhập lại tăng mạnh.

5 tháng đầu năm, nhóm hàng ô tô nhập nguyên chiếc dưới 9 chỗ (được coi là xe cá nhân), xe máy tăng khoảng 70%. Nhóm hàng hóa cần kiểm soát như đá quý, phụ tùng xe hơi… tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu các loại hàng xa xỉ phẩm này trong 3 tháng đầu năm lên tới 1,36 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, thách thức, khó khăn những tháng cuối năm, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, vẫn còn rất nặng nề.

Tăng thu không đủ gánh trượt giá

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đưa ra nhận định, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ. Theo đó, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao làm cho chi phí đầu vào bị đẩy lên. Tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển đã tác động bất lợi đến sản xuất trong nước, từ đó ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Thắt chặt tiền tệ “góp” thêm khó khăn cho cuối năm - 2
Ôtô nhập khẩu vẫn tăng mạnh cả về số lượng và giá trị.

“Việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 sẽ đạt được những kết quả nhất định cho mục tiêu chống lạm phát nhưng cũng sẽ gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế. Vì thế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm”, ông Hiển đề xuất.

Về mục tiêu cắt giảm đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lại chỉ ra không ít hạn chế khi nhiều bộ ngành, địa phương còn đang lúng túng thực hiện. Đến hết tháng 5 cũng mới chỉ có báo cáo của 23/100 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về mục tiêu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách phân tích thêm, thực tế nỗ lực thắt chặt chi đầu tư công và tiết kiệm 10% chi thường xuyên chưa lớn. Từ đó, tỷ lệ bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm đã giảm thấp hơn các năm trước nhưng chỉ mang tính thời điểm. Khả năng giảm bội chi chủ yếu trông chờ từ yếu tố tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, yếu tố này cũng sẽ gặp khó khăn do sản xuất kinh doanh sụt giảm. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đạt gần 330.000 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán nhưng chủ yếu nhờ vào tăng trưởng kinh tế từ 2010 kéo sang. Số thu nội địa đạt mức trung bình (53%) nhưng tỷ lệ này chưa loại từ yếu tố trượt giá cũng như đã cộng gộp các khoản thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang.

Thu nội địa ở nhiều địa phương đã giảm trong quý II và dự báo những tháng còn lại sẽ rất khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu giảm sút. Giao dịch bất động sản trầm lắng làm giảm các khoản thu từ nhà đất…

Theo ông Hiển, cùng với việc Chính phủ đề xuất các chính sách miễn giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu. Nguồn đi vay bù đắp bội chi lại ngày một khó khăn hơn về số lượng tiền và mức lãi suất cho vay. Mục tiêu giảm bội chi xuống dưới 5% GDP như dự kiến đòi hỏi phải thực sự tích cực.

P.Thảo