Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tránh hoạt động chồng chéo

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước để phối hợp xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán năm 2017. Theo đó, hai bên có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán của nhau và chịu trách nhiệm với kết luận của mình.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TTCP).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TTCP).

Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, tại buổi làm việc, hai cơ quan đã phối hợp, trao đổi và thống nhất các nội dung nhằm hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, giảm áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước. Tinh thần chung là đặt ra và thống nhất một nguyên tắc nhất định, dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện nhiệm vụ, tránh chồng chéo trong hoạt động công tác của mình.

Đối với những vụ việc phát sinh, cơ quan nào có quyết định kiểm toán/ thanh tra trước thì cơ quan đó phụ trách và cơ quan còn lại tham khảo để lựa chọn tránh chồng chéo.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng thống nhất, cụ thể hóa từng danh mục để cân đối phối hợp, tạo điều kiện cho việc đối chiếu xác minh khi tiến hành thanh tra, kiểm toán. Hai bên có thể sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán của nhau và chịu trách nhiệm với kết luận của mình.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán năm 2017 đã dược hai cơ quan phối hợp trao đổi sớm, nhưng trong thực tiễn vẫn có khả năng chồng chéo, trùng lắp trong một số danh mục.

Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đề nghị Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) tham mưu phối hợp các cục, vụ rà soát báo cáo lại các danh mục trùng lắp để phối hợp, thống nhất lại với Kiểm toán Nhà nước trên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm và phối hợp với nhau.

Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước được ký kết trước đây yêu cầu, chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm, trước khi ban hành kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ gửi dự thảo Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra của năm tiếp theo cho nhau để trao đổi ý kiến. Trường hợp kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra có sự trùng lắp về đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ phối hợp để thống nhất xử lý phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan.

Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ có thể trao đổi, sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra thể hiện trong báo cáo kiểm toán, kết luận thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra. Cơ quan sử dụng kết quả đã được kết luận chính thức qua hoạt động kiểm toán, thanh tra phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra.

Như Dân trí đã phản ánh, theo kế hoạch đã được duyệt, trong năm 2017 Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện rất nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn. Đơn cử như phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại một số khu công nghiệp (cơ sở công nghiệp), khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới; thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn) tại Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc bộ này.

Thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Cuộc thanh tra này sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vụ II Thanh tra Chính phủ được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa (đất vàng) sang mục đích khác tại UBND TPHCM, UBND TP Hà Nội, Khánh Hoà, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Thế Kha