1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh toán “nợ” hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính sau 15/11

(Dân trí) - Trao đổi trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 3/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là một trong những tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua.

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, mỗi đạo luật sau khi được Quốc hội thông qua, việc thi hành ít được quan tâm. Một dẫn chứng cụ thể được đưa ra là luật Xử phạt vi phạm hành chính, đang có số lượng văn bản quy định chi tiết thi hành còn tồn đọng lớn nhất.

Về nhận định này, Bộ trưởng Tư pháp lắc đầu: “Nói cơ quan soạn thảo “thở phào” sau khi Luật được thông qua là không hoàn toàn đúng, nhất là từ 2009 đến nay. Đến cuối 2012, số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được ban hành là 24 (mức thấp nhất so với nhiều năm trước đó)”.

Tuy nhiên, thực tế, đến giữa năm 2013, số văn bản nợ đọng tăng đột biến, trong đó có lý do là Luật Xử lý vi phạm hành chính có số lượng rất lớn văn bản quy định chi tiết cần phải ban hành (54 nghị định, trong đó 51 nghị định phải có hiệu lực cùng với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, chiếm gần 40% tổng số văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh phải ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay).

Dù vậy, con số 148 nghị định đã được ban hành đến nay so với các năm 2011 (ban hành 125 nghị định), 2012 (ban hành 109 nghị định) chứng tỏ nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong nhiệm vụ này. Theo ông Cường, sẽ là không công bằng, nếu không nói đến sự cố gắng, tích cực, chủ động của Chính phủ.
 
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Chậm ban hành văn bản tạo khoảng trống pháp luật. 
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Chậm ban hành văn bản tạo khoảng trống pháp luật". 

Phân tích cụ thể với luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, việc ban hành nghị định hướng dẫn chậm vì nhiều lý do. Trước hết, việc rà soát để giảm từ gần 130 nghị định trước đây xuống còn 54 nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng là công việc phức tạp, liên quan tới 11/22 bộ, ngành, đòi hỏi hơn 3 tháng để thảo luận đi đến thống nhất giữa các Bộ, ngành với nhau.

Theo đó, Bộ Công thương đã phải giảm từ 11 Nghị định xuống còn 4 Nghị định, hay Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây là 6 Nghị định nay giảm xuống còn 2 Nghị định...

Ngoài ra còn vấn đề hệ thống lại các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực, xác định hành vi vi phạm và mức phạt sao cho vừa bảo đảm tính hợp pháp, vừa phải hợp lý và khả thi thì rất khó và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp, kinh nghiệm ban hành một số nội dung xử phạt hành chính trước đây gây bức xúc dư luận cho thấy rõ lần này phải làm như thế nào…

Vì tính chất phức tạp và nhạy cảm của công việc này, Bộ trưởng Tư pháp lý giải, việc soạn thảo, ban hành các nghị định vừa qua phải rất thận trọng, tuân thủ đầy đủ quy trình theo quy định của pháp luật, nhiều nghị định phải làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí phải xin ý kiến của UB Thường vụ QH nên mất rất nhiều thời gian.

Về chủ quan, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ: “Cần thẳng thắn thừa nhận rằng còn có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ do phải tập trung vào công tác điều hành kinh tế, xã hội, nên chưa chú trọng đúng mức, dành đủ nguồn lực và thời gian vật chất cần thiết cho công tác này”.

Thực tế, tính đến đến ngày 1/11/2013, mới chỉ có 32/51 nghị định hướng dẫn thi hành luật này được ban hành sau 1 năm luật được thông qua.

Một lần nữa xác nhận vì việc thiếu 10 nghị định hướng dẫn, nhiều tháng qua, đã có một “khoảng trống”, một “lỗ hổng” khá lớn về pháp luật xử lý các vi phạm hành chính nhưng người đứng đầu ngành Tư pháp cũng lưu ý nhiều vấn đề. Theo lập luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, phần lớn các nội dung của Luật đã đủ chi tiết để thi hành ngay mà không cần có văn bản quy định chi tiết. Hầu hết các nghị định ban hành chỉ để quy định chi tiết 2/142 điều của Luật về các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt, người có thẩm quyền xử phạt cụ thể.

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, ngoài luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ không có thẩm quyền ban hành các văn bản về vấn đề này nên ông Cường khẳng định, sẽ có rất ít thông tư, thông tư liên tịch. Theo báo cáo, các Bộ, ngành áp dụng các nội dung hướng dẫn cơ bản thuận lợi.

“Bộ Tư pháp chưa nhận được khiếu nại gì của người dân hoặc doanh nghiệp. Và quan trọng hơn cả là qua thảo luận về kinh tế xã hội hai ngày qua tại Quốc hội, chúng ta thấy trật tự quản lý hành chính kinh tế xã hội của đất nước trong 10 tháng qua cũng như 4 tháng gần đây cơ bản vẫn được giữ vững, ổn định, có chiều hướng tốt hơn” – Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Về kế hoạch “lấp chỗ trống”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ quyết tâm đến ngày 15/11/2013 sẽ có 18 nghị định xử phạt vi phạm hành chính còn lại phải được ban hành.

Thông tin mới nhất, hiện nay tất cả các dự thảo Nghị định này đều đang hoặc đã hoàn tất thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ, đang được gấp rút tiếp thu, giải trình, thẩm tra, trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành. Riêng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chậm lại, chờ sau khi Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi) mới soạn thảo.

P.Thảo