Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm việc tại Quảng Nam:

Thanh kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả việc phát hiện, xử lý án tham nhũng, kinh tế...

(Dân trí) - Chiều ngày 10/11 tại Quảng Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Trưởng đoàn Công tác số 6 về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Trung ương đã chủ trì buổi công bố kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.

Sau thời gian trực tiếp làm việc tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về thanh tra các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra, giám sát PCTN tại Quảng Nam ngày 10/11
Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra, giám sát PCTN tại Quảng Nam ngày 10/11

Đoàn công tác số 6 kiểm tra tại 12 cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh cho thấy, nội dung công tác PCTN đã được đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, coi trọng công tác PCTN, lãng phí và luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được chỉ đạo; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vụ việc sai phạm nghiêm trọng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lập 1 đoàn tự kiểm tra tại 7 đơn vị, cơ quan trực thuộc. Trong 17 vụ việc nghiêm trọng được phát hiện, đến nay đã xử lý xong 14 vụ việc.

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ hàng năm, có 5 đơn vị phát hiện 8 vụ việc với 16 đối tượng liên quan đến tham nhũng với tổng giá trị 1,6 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra 5 vụ việc nghiêm trọng.

Từ năm 2011 đến tháng 6/2016, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 465 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện tổng giá trị sai phạm về kinh tế hơn 174 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 125 tỷ đồng và đã thu hồi 62 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ nghiêm trọng. Qua giải quyết 4.453 vụ khiếu nại, tố cáo của công dân đã kiến nghị thu hồi cho tập thể, cá nhân 7,7 tỷ đồng; thu hồi cho Nhà nước gần 700 triệu đồng.

Tuy việc chỉ đạo tự kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy được tăng cường nhưng hình thức kiểm tra, giám sát chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ, khả năng tự kiểm tra còn hạn chế, chưa phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, tổ chức xã hội... Một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế chưa được cấp ủy chỉ đạo sâu sát, dẫn đến kéo dài thời gian hoặc phải trả hồ sơ nhiều lần. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp...

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát về PCTN nói chung, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế là hoạt động thường xuyên, hằng năm của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN; việc Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát là nhằm giúp Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá đúng tình hình, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng; phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình thực hiện để đề ra phương hướng, giải pháp thích hợp, kịp thời nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế".

Ông Phan Văn Sáu cũng khẳng định đó là mục đích cơ bản nhất của Đoàn công tác, chứ không phải Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát để tìm ra các khuyết điểm, vi phạm của cấp ủy, các cơ quan chức năng trong tỉnh để kiến nghị xử lý. Do đó, cần nhận thức rõ mục đích công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo để có cách làm, cách đánh giá phù hợp với mục đích, yêu cầu của Ban chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, Đoàn công tác kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án trên địa bàn tỉnh.

Kết luận buổi công bố thanh tra, ông Phan Văn Sáu giao Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tiếp tục theo dõi các vụ án đã công bố thanh tra trên cơ sở thận trọng, khách quan và đúng pháp luật. Sau đó, có báo cáo về Trung ương các vụ án này…

Công Bính