1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa “khai tử” hàng chục héc ta rừng

(Dân trí) - Hàng chục héc ta rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đang bị “khai tử” để chuyển đổi do được đánh giá là rừng nghèo kiệt. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên thì những diện tích rừng còn phong phú về hệ sinh thái.

Thanh Hóa “khai tử” hàng chục héc ta rừng

“Khai tử” hàng chục héc ta rừng

Theo thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Dân trí đã có mặt tại khu vực đồi dọc Mu, thuộc địa bàn hành chính thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành tìm hiểu về việc tại đây đang diễn ra hiện tượng khai thác gỗ.

Được biết, đây là khu vực thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Qua ghi nhận của phóng viên, tại đây có hàng loạt cây gỗ lớn, nhỏ đã bị chặt hạ theo kiểu khai thác trắng. Trong đó có rất nhiều cây gỗ lớn có đường kính lên đến hơn 50cm, dài hàng chục mét và có cả những gốc cây nằm lại bên rừng có đường kính 30 cm trở lên như: Lim, Máu chó, Trẩu…Đó là chưa kể số lượng gỗ khai thác đã được vận chuyển ra khỏi rừng.

Những thân gỗ lớn đã được cắt nằm bên đường ngay đầu lối vào khu vực đang khai thác
Những thân gỗ lớn đã được cắt nằm bên đường ngay đầu lối vào khu vực đang khai thác

Không chỉ có vậy mà toàn bộ hệ sinh thái rừng tại khu vực này đã được chặt hạ kể cả cây bụi, dây leo… Để phục vụ cho việc khai thác, tận thu lâm sản, một con đường được múc, ủi chạy dọc men theo mép đồi nơi diễn ra khai thác. Dọc theo con đường dài khoảng 1km mới mở, những mảng rừng đã được “khai tử” trắng băng.

Tại khu vực này, chỉ cần phóng tầm mắt ra xung quanh là những cánh rừng cây nhiệt đới rậm rạp với một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Ngay cả khu vực đang khai thác dở dang có hàng loạt cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên mọc dày đặc và đang trong chu kỳ sinh trưởng cũng đã được phát dọn quanh gốc để chuẩn bị đốn hạ. Đó là chưa kể một hệ sinh thái động thực vật với những cây thân dây leo, cây bụi, nấm, địa y… và các loài chim, thú, côn trùng… cũng chuẩn bị hết đất sống.

Người dân cho biết, trước kia, khu vực rừng này là rừng phòng hộ, tuy nhiên, không hiểu sao giờ lại bị quy hoạch thành rừng nghèo kiệt để khai thác gỗ. Được biết, nơi đây nằm gần khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Cúc Phương.

Qua tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ngày 18/7 UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2645/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự toán khai thác tận thu lâm sản trên diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc quy hoạch rừng sản xuất tại Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Trước đó, ngày 26/4, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa ra Quyết định số 321/QĐ - SNN&PTNT về việc phê duyệt địa điểm, diện tích, sản lượng khai thác tận dụng lâm sản trên khu vực cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Theo kế hoạch này sẽ có 39,82 ha rừng thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 326 tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa bàn thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ sẽ được khai thác tận thu lâm sản trên diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Một con đường được múc, ủi để phục vụ khai thác, hai bên gỗ chất la liệt
Một con đường được múc, ủi để phục vụ khai thác, hai bên gỗ chất la liệt

Nhóm phóng viên bị chặn xe, cướp chìa khóa giữa rừng

Ngày 20/10, sau khi nắm bắt được thông tin về vấn đề tại khu vực rừng thuộc thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ có khai thác rừng, phóng viên Dân trí cùng một số đồng nghiệp đã có mặt tại đây để ghi nhận sự việc.

Sau khi tiếp cận hiện trường để tìm hiểu và ghi lại hình ảnh về việc khai thác rừng. Đến trưa cùng ngày, phóng viên Dân trí cùng một số đồng nghiệp rời khỏi hiện trường để ra làm việc với chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên vừa ra đến điểm đầu của cánh rừng bị khai thác thì gặp một số người lạ mặt đứng tại đây.

Khi thấy nhóm phóng viên đang đi ra, một người đàn ông trung niên cố tình cản lại và yêu cầu phóng viên vào lán trại cạnh đó để “hỏi chuyện”, đồng thời yêu cầu kiểm tra giấy tờ của phóng viên. Do đây là khu vực giữa rừng, hơn nữa, những người này lạ mặt, không quen biết nên phóng viên từ chối và đi ra.

Ngay lập tức, một người đàn ông khác cởi trần, mặc quần soóc, trên tay cầm chiếc xẻng đi ra chặn đầu xe và buông những lời lẽ khó nghe. Khi chúng tôi đi ra thì người này lập tức rút chìa khóa xe rồi bỏ đi. Tại thời điểm này, phía trong lán trại cạnh đó có rất nhiều người khác nói vọng ra với ý đe dọa. Trước tình thế đó, nhóm phóng viên buộc phải bỏ chạy khỏi hiện trường để đảm bảo tính mạng.

Ngay sau khi ra khỏi hiện trường, phóng viên đã gọi điện thông báo vụ việc tới Trưởng Công an huyện và Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành. Ngay sau đó, công an xã Thành Mỹ đã có mặt ghi nhận sự việc, cùng nhóm phóng viên trở lại hiện trường.

Tại lán trại lúc này chỉ còn lại một người đàn ông cởi trần đang ngồi thái măng. Một lúc sau, người đàn ông lúc đầu đứng ra yêu cầu phóng viên vào lán để “nói chuyện” cũng trở về lán, còn lại nhóm người có mặt tại đây lúc đầu đã vào rừng để khai thác gỗ.

Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Công an huyện Thạch Thành cũng đã cử cán bộ tới hiện trường, đề nghị phóng viên và hai người có mặt tại lán trại về trụ sở UBND xã Thành Mỹ để làm việc. Tại đây, phóng viên đã làm bản tường trình và cung cấp lời khai tới cơ quan Công an. Đồng thời, đề nghị cơ quan Công an huyện Thạch Thành làm rõ hành vi cản trở tác nghiệp và cướp chìa khóa xe máy của nhóm phóng viên.

Sau đây là một số hình ảnh do phóng viên Dân trí ghi lại tại hiện trường:


Đã có hàng chục héc ta rừng bị khai thác trắng.

Đã có hàng chục héc ta rừng bị khai thác trắng.


Đây là một trong nhiều khúc gỗ có đường kính khoảng 50cm đã được cắt ra.

Đây là một trong nhiều khúc gỗ có đường kính khoảng 50cm đã được cắt ra.

Bên cạnh đó là những khúc gỗ dài hàng chục mét
Bên cạnh đó là những khúc gỗ dài hàng chục mét
Gỗ chất dọc đường đi
Gỗ chất dọc đường đi
Một gốc cây lim còn sót lại
Một gốc cây lim còn sót lại
Gốc cây gỗ lớn có đường kính khoảng 50cm
Gốc cây gỗ lớn có đường kính khoảng 50cm
Một khoảng rừng đang khai thác dở dang
Một khoảng rừng đang khai thác dở dang

Nguyên nhân do đâu rừng bị đánh giá là nghèo kiệt để rồi bị khai thác chuyển đổi?

Nguyên nhân do đâu rừng bị đánh giá là nghèo kiệt để rồi bị khai thác chuyển đổi?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc nêu trên đến bạn đọc.

Duy Tuyên