Thánh đường Hồi giáo giữa lòng Hà Nội

Thánh đường Hồi giáo duy nhất của miền Bắc, nhà thờ Al-Noor Mosque (Thánh đường Soi Sáng) nằm bình yên trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã hơn một thế kỷ qua...

 

Thánh đường Hồi giáo giữa lòng Hà Nội

Tồn tại hơn 1 thế kỷ, thánh đường Al-Noor Mosque nổi bật giữa phố Hàng Lược với kiến trúc đặc trưng Ả Rập

 

Al-Noor - Thánh đường trắng

 

Cũng như các tôn giáo khác, cơ sở thờ tự của Hồi giáo là chốn linh thiêng, là nơi chuyển tải những ước mong về tâm linh của tín đồ đối với thượng đế Allah.

 

Đầu thế kỷ 19, các thương gia từ Ấn Độ và các nước Trung Đông đã đến miền Bắc Việt Nam để mua bán vải vóc và trao đổi tiền tệ. Theo thống kê, những năm 1830, có khoảng 1.000 người Ấn ở khu vực Đông Dương. Họ là nhóm thương gia giàu có và nắm giữ thị phần lụa, vải vóc lớn.

 

Tại Hà Nội, nhóm người này sống tập trung ở khu Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, năm 1885, nhóm cộng đồng người Ấn từ Bombay (nay là Mumbai, Ấn Độ) đã quyên tiền để dựng Thánh đường Hồi giáo Al-Noor.

 

Công trình đã chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1890. Nhà thờ khá nhỏ, với diện tích khoảng 700 m2, nhưng những nơi thờ phụng được xây dựng theo phong cách Hồi giáo điển hình.

 

Thánh đường Al-Noor đặt ở hướng tây để quay về hướng thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo. Mỗi chi tiết kiến trúc đều là những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Islam, đặc biệt là ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn…

 

Không gian Al-Noor khá đơn giản, thoáng đãng với những ô cửa hình vòm cao rộng ở gian phòng cầu nguyện chính và toàn bộ tòa nhà được sơn màu trắng.

 

Đây là Thánh đường Hồi giáo duy nhất của Hà Nội và miền Bắc. Hàng tuần, những người theo đạo Hồi sẽ tập trung về đây vào thứ sáu để cầu nguyện, đó là ngày lễ chính trong tâm linh của người Hồi giáo. Vào ngày này, họ sẽ đội mũ tròn trên đầu, mặc trang phục truyền thống và đến Thánh đường để cầu nguyện.

 

Ông Đoàn Hồng Cương, người quản lý và trông coi Thánh đường cho biết, ngày nay nhiều người theo Islam thường xuyên đến Thánh đường Hồi giáo, hầu hết trong số họ là người nước ngoài có mối liên hệ với các tòa đại sứ Malaysia, Libya, Ai Cập, Lebanon, Indonesia, Ấn Độ, Algeria, Yemen, Irap, Pakistan, Afghanistan và Bangladesh… Khoảng hơn 300 người tham gia các buổi cầu kinh và có khoảng 70 tín đồ Việt tại Hà Nội.

 

Ông Cương cho biết: “Ở đây thỉnh thoảng cũng có phụ nữ, trong đó có cả những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng theo đạo Hồi đến làm lễ vào ngày thứ sáu quan trọng. Tuy nhiên con số này cũng khá ít ỏi".

 

Kiến trúc của toà nhà mang đặc trưng Ả Rập với lối kiến trúc mái vòm, cột tròn
Kiến trúc của toà nhà mang đặc trưng Ả Rập với lối kiến trúc mái vòm, cột tròn

 

Ngày lễ quan trọng và những điều kiêng kị

 

Một trong những dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo là lễ Ramadan. Hàng năm, họ phải thực hiện tháng ăn chay này để tưởng nhớ và thương xót người nghèo. Tháng này được tính theo lịch Mặt trăng, mỗi năm tháng Ramadan lại được tính lùi một tháng.

 

Trong tháng Ramadan, khi có ánh sáng Mặt Trời, họ không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng Ramadan, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có mang không phải thực hiện Ramadan. Những người đang đi xa không phải nhịn ăn nhưng họ sẽ phải nhịn ăn bù sau đó.

 

Một lễ quan trong nữa đối với người theo đạo Hồi là lễ hành hương về thánh địa Mecca. Ít nhất một lần trong đời, những tín đồ Islam có khả năng phải hành hương tới thánh địa Mecca. Việc hành hương thể hiện sự phục tùng Chúa Trời và diễn ra vào tháng 12, tháng cuối cùng của năm Islam. Eid al Adha, lễ hiến tế, đánh dấu ngày kết thúc kỳ hành hương, kéo dài trong 10 ngày.

 

Hằng năm, hàng triệu tín đồ Islam từ khắp nơi trên Thế giới về Mecca thuộc Ả Rập Xê Út. Những người hành hương mặt áo choàng trắng đơn sơ, bất kể giàu nghèo. Điều này tượng trưng cho đức tin của Islam rằng, mọi người điều bình đẳng trước Chúa. Người hành hương không đeo trang sức hay xức nước thơm. Họ phải gạt bỏ phù hoa để tìm kiếm sự tha thứ, dẫn dắt và cứu rỗi linh hồn từ Chúa.

 

Ông Cương cho biết: “Hằng năm, Việt Nam được nhận tài trợ cho hơn 20 tín đồ theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca. Bản thân tôi trong năm nay tôi cũng sẽ thực hiện cuộc hành hương này. Tất cả những người theo đạo Hồi trên thế giới khi cầu nguyện đều hướng về thánh địa Mecca”.

 

Kể về những điều kiêng kị của đạo Hồi, ông Cương cho biết: “Những người theo đạo tuyệt đối không ăn thịt lợn và lợn là con vật bẩn thỉu. Chúng tôi có thể ăn thịt bò nhưng đó phải là con bò được giết mổ theo nghi lễ của đạo Hồi.

 

Người theo đạo Hồi còn tuyệt đối không sử dụng ma túy, không uống rượu, không cờ bạc và đặt biệt, không được tự hành hạ, ngược đãi bản thân mình. “Người theo đạo Hồi không được phép tự tử. Việc sống hay chết là do Thượng đế quyết định và nếu ngày chưa quyết định đưa mình đi thì mình tuyệt đối không được phép lại hại bản thân mình để chết…” - ông Cương chia sẻ.

 

Đồng hồ chỉ thời gian quy định hành lễ 5 lần/ngày
Đồng hồ chỉ thời gian quy định hành lễ 5 lần/ngày

 

Những tín đồ về Thánh đường Al Noor để cầu nguyện thường đọc kinh Qu’ran bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Theo ông Cương cho biết, trong những năm gần đây, những tín đồ người Việt theo đạo Hồi mới có thể dễ dàng mua kinh Qu’ran dịch ra tiếng Việt bởi nhà sản xuất bản Tôn giáo đã cho xuất bản kinh Qu’ran song ngữ còn trước đó, họ đều phải đặt mua kinh Qu’ran ở nước ngoài. Hằng ngày, người Hồi giáo có quy định hành lễ 5 lần trong ngày, dù đang ở bất cứ nơi nào.

 

Cuộc sống thường ngày của những người dân đạo Hồi bên tòa thánh Islam duy nhất ở Hà Nội chẳng phải vì những điều luật khắt khe trong kinh Qu’ran mà trở nên khác biệt.

 

Ông Cương tâm sự “Cứ 4h15 sáng, cả nhà thức dậy cầu nguyện cho một ngày mới. Mặt trời mọc, gia đình tôi mỗi người một việc. Con trai trông nom cửa hàng tại nhà, các cháu đến trường, phụ nữ làm nội trợ”.

 

Nếu con gái Việt Nam lấy chồng là người theo đạo Hồi thì sẽ được tổ chức đám cưới hai lần: Một đám cưới theo nghi lễ của đạo Hồi và một đám cưới theo phong tục của người Việt Nam.

 

Ông Cương cho biết: “Đám cưới theo nghi lễ của đạo Hồi rất đơn giản. Hai người chỉ cần tới Thánh đường, sẽ có 4 người làm chứng và một người hướng dẫn, đọc kinh Qu'ran. Bố mẹ của hai người đến cũng được, không đến cũng không sao.

 

Điều đặt biệt là chú rể khi cưới phải có một số tiền nhất định để đưa cho cô dâu, dù chỉ 1.000 đồng. Số tiền đó sẽ thuộc toàn quyền sử dụng của cô dâu và khi đã thành vợ chồng, người chồng cũng không được phép hỏi vợ đã làm gì với số tiền đó”. Cô dâu lấy chồng theo đạo Hồi thì sẽ phải theo đạo Hồi. Cô sẽ học một câu kinh Qu’ran để nhập đạo rồi sau đó tự tìm hiểu về đạo và học dần. Ngược lại, đàn ông lấy vợ theo đạo Hồi thì có thể theo đạo hoặc không theo đạo tùy ý".

 

Ông Đoàn Hồng Cương – người hơn 20 năm trông nom thánh đường Hồi giáo Al Noor
Ông Đoàn Hồng Cương – người hơn 20 năm trông nom thánh đường Hồi giáo Al Noor

 

Quy định đeo mạng che mặt khi ra ngoài và đến Thánh đường là bắt buộc với phụ nữ Hồi giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định này được "nới lỏng" để phù hợp với đời sống sinh hoạt xã hội.

 

Phụ nữ Hồi giáo ở Việt Nam không phải đeo mạng, chỉ phải trùm khăn kín đầu khi đi vào Thánh đường. Khăn có thể làm từ bất kỳ chất liệu nào, miễn sao che được kín toàn bộ phần tóc trên đầu.

 

Luật Hồi giáo không cho phép phụ nữ làm chủ kinh tế trong gia đình, và khi đi ra đường phải đi cùng một trong ba người: bố đẻ, chồng hoặc con trai cả. Tuy nhiên tại Việt Nam, phụ nữ Hồi giáo vẫn được phép làm kinh tế, ra đường một mình.

 

Đạo Hồi là tôn giáo lớn trên thế giới, với khoảng hơn 1 tỉ tín đồ. Ngày nay, Hồi giáo đã có mặt ở hầu hết các châu lục, trong đó có hàng chục quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo.

 

Ở Việt Nam, với gần 73.000 tín đồ, nhưng những chính sách của Nhà nước Việt Nam là luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, dù là theo tôn giáo nào nhưng là người Việt Nam thì đều có niềm tự hào về đất nước mình, về lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 

Theo Nguyễn Hoan
 Năng lượng mới