Thăm “thôn Bác Hồ” A Xây

(Dân trí) - Ở Khánh Hòa có một nơi được gọi là “thôn Bác Hồ”. Đó là thôn A Xây ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh. Người dân A Xây luôn một lòng theo Bác Hồ, lấy tinh thần và hình ảnh Bác Hồ làm nguồn cổ vũ để chiến đấu và chiến thắng.

Một A Xây hào hùng trong quá khứ...

 

Trong quá khứ, A Xây là một trong những căn cứ địa cách mạng của tỉnh, nơi đã từng che giấu cán bộ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người dân A Xây một lòng đi theo Bác Hồ, lấy hình ảnh của Người làm kim chỉ nam, làm sức mạnh để dũng cảm chiến đấu.

 

Thôn A Xây, từ người già đến những lớp trẻ sau này, không ai không biết đến A ma Xanh - người xã đội trưởng dũng cảm bắn rơi máy bay địch năm nào. Ông là niềm tự hào của buôn làng và lấy tấm gương để lớp trẻ noi theo.
 
Thăm “thôn Bác Hồ” A Xây - 1

Trẻ em “thôn Bác Hồ” - những đứa trẻ luôn đoàn kết và tự hào về truyền thống cha ông

 

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh (thời kỳ 1945 - 1975), giai đoạn 1969 - 1972 đã dành những dòng trang trọng cho A ma Xanh và những người dân A Xây dũng cảm.

 

“Trong ngày 20/2/1970, dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng A ma Xanh, du kích đã bắn rơi 7 máy bay, diệt 49 tên địch, làm thất bại cuộc càn quét của hơn một tiểu đoàn địch. Trong trận chiến đấu này, tổ thượng liên của ba du kích do ông Tài làm tổ trưởng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hy sinh anh dũng. Huyện ủy Vĩnh Khánh (Khánh Vĩnh lúc đó gồm 2 huyện Vĩnh Khánh và Vĩnh Sơn) đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm chống càn có hiệu quả ở A Xây; bảo vệ nhân dân, bảo vệ nơi đóng quân đầu não của tỉnh và phong tặng thôn A Xây danh hiệu thôn Bác Hồ”.

 

Trưởng thôn A Xây, ông Cao Văn Thiêu, tự hào nhắc về người anh hùng A ma Xanh: “A ma Xanh đi mãi rồi, nhưng trong tâm trí bà con lúc nào cũng in đậm hình ảnh của ông. A ma Xanh vừa dũng cảm trong đấu tranh, lại vừa có công truyền bá hình ảnh Bác Hồ thấm sâu vào lòng người dân A Xây. Bà con luôn lấy tấm gương dũng cảm trong đấu tranh và một lòng theo Bác Hồ của A ma Xanh để nói theo”.

 

... ấm no trong thời bình
 
Thăm “thôn Bác Hồ” A Xây - 2
Học sinh “thôn Bác Hồ” trên đi học về trên con đường trải nhựa khang trang
 
A Xây có 137 hộ dân với 127 hộ là người dân tộc thiểu số (Raglai, Tày, Nùng).

 

Ông Thiêu vừa dẫn chúng tôi đi trên con đường trải nhựa khang trang vừa khoe: “Thôn Bác Hồ” không có tệ nạn xã hội đâu, bà con luôn đoàn kết, chăm lo làm ăn cho cuộc sống khá giả hơn, để cả thôn không còn hộ nào nghèo nữa, không có hủ tục lạc hậu nữa. Hiện nay, toàn thôn đã có trên 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, có 80% hộ có nhà xây, 90% hộ có xe máy, gần 100% hộ có tivi, radio…”.

 

Về thôn A Xây bây giờ, hỏi gương làm ăn giỏi, người dân sẽ chỉ hoài không hết, như anh Hoàng Ngọc Sạch, anh Phùng Văn Thông, anh Nguyễn Sanh,…với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Nói về chuyện học, ông Thiêu phấn khởi: “Bây giờ 100% trẻ con của thôn được đi học rồi đấy! Bà con hiểu được tầm quan trọng của cái chữ nên khó khăn cũng phải cho bọn trẻ đi học. Không học, không có chữ, không làm được gì là không thoát được cái nghèo khó đâu”.

 
Thăm “thôn Bác Hồ” A Xây - 3
Trường mầm non A Xây khang trang như bất kỳ ngôi trường miền xuôi nào
 

Chúng tôi đến thăm  điểm trường Mầm non A Xây, các cô giáo cho biết trường được xây dựng khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất như nhiều nơi ở dưới xuôi. Các em đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất thích học chữ và tiếp thu rất nhanh. Đời sống đã khá hơn nên hầu hết các em nhỏ đến tuổi đều được đến lớp.

 

Nói về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đang diễn ra, trưởng thôn A Xây tâm sự: “Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, người dân trong thôn đã có cuộc sống ổn định, hăng hái lao động sản xuất, thi đua phát triển kinh tế. Mong rằng thời gian tới, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và A Xây nói riêng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua những chế độ, chính sách phù hợp để đời sống vật chất và tinh thần của bà con phát triển hơn nữa.

 

A Xây quyết tâm xây dựng “thôn Bác Hồ” kiên cường trong kháng chiến, no đủ trong hiện tại, xứng đáng hơn và tự hào hơn với tên gọi “thôn Bác Hồ”.

 

Nguyễn Thành Chung