1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Huế:

Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác

(Dân trí) - Một ngày tháng 5, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ ngụ tại số 158 trên đường Mai Thúc Loan (TP Huế), nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác.

Theo sử sách, năm 1894, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ cử nhân ở kỳ thi Hương Nghệ An, năm 1895 vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, cụ xin vào học trường Quốc Tử Giám – Huế và được chấp nhận.

Tuy nhiên học bổng của trường rất ít, không đủ để sinh sống tại đất kinh kỳ, vì vậy, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành, và ông cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con.

Đến Huế nhờ người quen giới thiệu ông đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay).

Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc ngày ngày đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm học bài. Bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng chuyên tâm học hành.

Thời gian này, Nguyễn Sinh Cung được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo việc nhà, làm quen với cuộc sống lao động. Nếp sống gia đình thanh bạch, giản dị, đầm ấm chan hòa yêu thương. Và cũng tại nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc mất nước qua lời kể của cha hàng đêm.

Chính vì thế, ngôi nhà không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm thời ấu thơ của Bác, mà còn là cái nôi hình thành nhân cách vĩ đại về sau của Người. Để rồi một tờ báo Uruguay sau này đã viết:"Ông có một trái tim bao la như vũ trụ và tình yêu trẻ thơ vô bờ bến. Ông là hình mẫu của sự giản dị trong mọi mặt”.

Tại ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin, sau đó trút hơi thở cuối cùng khi mới 33 tuổi vào 10/2/1901.

Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đường Mai Thúc Loan được làm bằng gỗ là chủ yếu và thiết kế theo kiến trúc nhà rường truyền thống của Huế. Nhà rộng 3 gian, có 4 cột và nối liền với bếp có vách đất, mái tranh. Khuôn viên quanh nhà với sân vườn nhỏ nhắn rất yên ả, thanh bình.

Nhà lưu niệm Bác Hồ đã được Bộ Văn Hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH QĐ vào ngày 2/2/1993.

Những ngày này, đến thăm Nhà lưu niệm Bác không khỏi bồi hồi, xúc động. Dường như tất cả vẫn đang còn đó…

Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 1
Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà – sân – vườn hoàn chỉnh. Nhà nối với bếp lợp mái tranh, hàng cau cao vút sau nhà
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 2
Lu đựng nước
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 3
Ấm nước, bình vôi, dạo gọt cau…
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 4
Chậu rửa mặt
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 5
Khung cửi, nơi bà Hoàng Thị Loan quay tơ, dệt vải
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 6
Phản gỗ - nơi gia đình Bác quây quần trong bữa ăn hàng ngày
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 7
Gian bếp với những đồ đạc đơn sơ, giản dị
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 8
Chiếc giường gỗ
 
Thăm nơi ghi dấu thời niên thiếu của Bác - 9
Bàn thờ hai cụ thân sinh Bác Hồ, cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan

Nguyễn Thành Chung