Tham nhũng trong ngành y tế là nghiêm trọng

(Dân trí) - Tại buổi Đối thoại về phòng chống tham nhũng ngày 26/11 tại Hà Nội, cơ quan chức năng chỉ ra không ít những cơ sở kinh doanh thuốc nâng giá gấp 300% giá kê khai, cán bộ, nhân viên lấy thuốc, vật tư của nhà nước ra thị trường bán chia nhau tiền…

Tham nhũng trong ngành y tế là nghiêm trọng - 1
Quang cảnh buổi đối thoại.
 
Đủ thứ “bệnh”
 
Đánh giá về tham nhũng trong ngành y tế, ông Nguyễn Thái Hồng - Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ chỉ ra 5 sai phạm cơ bản. Đó là sai phạm về dược: một số đại lý, quầy thuốc bán lẻ không thực hiện quy định về niêm yết giá hoặc niêm yết không đầy đủ.
 
Một số cơ sở kinh doanh thuốc tân dược có dấu hiệu mua bán lòng vòng nhằm nâng giá thuốc cao hơn nhiều lần so với giá thuốc đã kê khai đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế (có cơ sở nâng giá bán gấp 300% giá kế khai).
 
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, một số cơ sở chưa thực hiện đúng các chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế, còn có hiện tượng lợi dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… để chi sai chế độ. Một vài cơ sở khám chữa còn có hiện tượng cán bộ, nhân viên lấy thuốc vật tư của nhà nước mang ra thị trường bán chia nhau tiền.
 

“Chủ đề đối thoại hôm nay chính là nói về nhân phẩm con người, và đó chính là điều quan trọng hơn cả. Khi đồng nghiệp Việt Nam của tôi tại đại sứ quán ốm, khi mẹ của ai đó qua đời hay khi những đứa trẻ sinh ra. Họ đều phải thanh toán mọi chi phí để được điều trị. Tham nhũng đánh gục họ khi họ ở những thời điểm dễ tổn thương nhất”, ông Rolf Bergman, đại sứ Thụy Điển.

Có thầy thuốc lợi dụng nghề nghiệp kê đơn cho bệnh nhân với nhiều loại thuốc ngoại đắt tiền để hưởng hoa hồng, móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra các bệnh viện và phòng khám tư nhân, lạm dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán… gây khó khăn, lãng phí tiền cho người bệnh.
 
Vẫn tồn tại những cơ sở hành nghề vi phạm các quy định của nhà nước như: hoạt động quá phạm vi cho phép, vừa kê đơn, vừa bán thuốc, chưa niêm yết giá dịch vụ...
 
Trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ cho biết một số gói thầu không đảm bảo số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu theo quy định của pháp luật.
 
Việc ký kết hợp đồng một số gói thầu chưa chặt chẽ, dẫn đến giao hàng chậm, sai model, các bên chưa thực hiện việc phạt hợp đồng theo điều khoản đã ký. Một số gói thầu không có trong kế hoạch hoặc kinh phí mua vượt dự toán. Có đơn vị đã chia nhỏ gói thầu để mua thiết bị bằng hình thức không tổ chức đấu thầu.
 
Các khoản chi không chính thức (tiền phong bì, hối lộ để được sử dụng dịch vụ “xuôi chèo mát mái” hơn) của bệnh nhân đối với nhân viên y tế là nội dung được nhiều sự quan tâm của đại biểu tham gia đối thoại.
 
Ông Rolf Bergman, đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh: nhiều bác sĩ và điều dưỡng viên đều sống dựa vào các nguồn thanh toán không chính thức vì họ cho rằng không thể sống được nếu chỉ dựa vào đồng lương chính thức của mình.
 
Nguồn tài chính khiêm tốn phân bổ từ ngân sách quốc gia được bổ sung thêm từ các khoản thanh toán không chính thức từ bệnh nhân. Hậu quả là người nghèo không được tiếp cận với các phương pháp điều trị tốt vì họ không có khả năng đáp ứng “lợi ích” của các cán bộ y tế bằng các khoản chi không chính thức.
 
Ông James Anderson, chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định một trong các hành vi tham nhũng lớn trong ngành y tế là các khoản chi không chính thức của bệnh nhân đối với nhân viên y tế.
 
Bốc thuốc chữa bệnh
 
Vị đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh, thành công trong việc chống tham nhũng trong ngành y tế chỉ có thể đạt được khi các vấn đề được giải quyết một cách đồng bộ, trong đó đặc biệt quan trọng là nâng cao cơ chế kiểm toán và đảm bảo việc thực hiện tốt cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá. Cần phải có các hướng dẫn mua sắm, đấu thầu minh bạch đối với việc mua sắm các thiết bị y tế và dược phẩm.
 
Nhiều đại biểu tại hội thảo có cùng chung nhận định, để chống tham nhũng cần thay đổi cơ chế quản lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và mở rộng tối đa dân chủ.
 
Trình bày về các giải pháp ngắn hạn và chiến lược nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế, ông Trần Hữu Tiến, Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế, cho biết để hạn chế các khoản chi không chính thức của người bệnh, các khoản dịch vụ hoặc thuốc men không cần thiết, ngành y tế phải tiến hành giám sát chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát hoạt động thu chi; đồng thời tăng cường năng lực cán bộ y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
 
Mặt khác, Bộ Y tế đang đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao chất lượng đội ngũ.
 
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tới việc quan tâm đến đời sống cán bộ, nhân viên. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện và không ngừng nâng cao đời sống vật, tinh thần cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
 
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ thực hiện việc chọn thanh toán theo nhóm chẩn đoán đảm bảo cho bệnh nhân không phải chi phí không chính thức.
 
Phúc Hưng