Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết

(Dân trí) - Sau tiếng hét thất thanh của tài xế, Tuấn đã thấy chiếc xe đâm sầm vào thành cầu rồi lao thẳng xuống sông. Dùng hết sức phá cửa thoát hiểm, Tuấn hét gọi mọi người chui ra, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng rên la...

Thoát chết kỳ diệu
 
Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết
Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về vụ tai nạn kinh hoàng
 

Là một trong những hành khách may mắn thoát chết, sau nhiều giờ điều trị và ổn định tinh thần, Nguyễn Mạnh Tuấn (21 tuổi, sinh viên trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM) hồi tưởng lại giây phút kinh hoàng trên chuyến xe định mệnh.

Khoảng 21h tối 17/5, Tuấn đón xe khách mang BKS 47V - 2371 (của HTX Vận tải Quyết Thắng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) để đi TPHCM chuẩn bị cho kỳ thi học kì sắp tới. Lên xe, Tuấn tình cờ gặp lại 3 người bạn cũ nên cùng trò chuyện rôm rả.
 
“Đến khoảng 22h, 3 người bạn ngủ trước, riêng em không ngủ được nên quay mặt nhìn ra đường. Chừng 15 phút sau, khi đến địa phận đoạn cầu Sêrêpốk, ranh giới giữa Đắk Lắk và Đắk Nông, em chỉ kịp nghe tài xế la hét thất thanh bảo xe bị mất tay lái, rồi đánh tay lái qua bên phải làm lan can cầu đổ. Cùng thời điểm này nhiều hành khách trên xe giật mình tỉnh dậy, nhốn nháo. Chỉ vài giây sau, chiếc xe đã rơi xuống lòng sông” - Tuấn kinh hoàng nhớ lại.
 
Cùng theo lời Tuấn, trong quá trình rơi tự do, chiếc xe khách đã cắm phần đầu xuống trước rồi mới lật nghiêng sang. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến tất cả hành khách bị kẹt lại, số đông chìm dưới nước sông. Tuấn kể: “Lúc xảy ra tai nạn, em chỉ kịp nhìn thấy mọi người lên la thảm thiết, tiếng kêu cứu lạc đi của một số người ngồi trước. Một khung cảnh hỗn loạn diễn ra, không ai nghĩ đến hành lý mà chỉ mong tìm được cách chui ra ngoài”.
 
Do ngồi gần cửa thoát hiểm nên Tuấn dùng hết sức đẩy cánh cửa, đỡ 4 người phía trong chui ra. Đến lúc này chàng sinh viên mới thấy chân mình đau buốt nhưng vẫn cố la lên “mọi người ai còn sống mau tìm cách chui ra”. Không thấy ai đáp lại, chỉ có những tiếng rên khe khẽ rồi im bặt trong đêm tối. Khi Tuấn chui được ra ngoài cũng là lúc nhiều người dân sống quanh khu vực phát hiện vụ việc, chạy đến ứng cứu.
 
“Em thấy nhiều người dân cầm đen pin, xé lớp cỏ cây dày đặc lao đến chỗ ô tô bị nạn. Có người còn ngã nhào do đường xuống khá dốc và gồ ghề, thật cảm động trước tấm lòng của những người ấy” - Tuấn chia sẻ. Tuấn được các bác sĩ chẩn đoán bị gãy xương đùi, tay, 3 người bạn đi cùng Tuấn đã tử vong tại hiện trường.
 

Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết
Nạn nhân Nguyễn Hứa Xuyến đang được điều trị tại bệnh viện với đa thương tích
Trong số những nạn nhân bị thương, bé Nguyễn Thị Thủy Tiên (3 tuổi) là một trường hợp rất đáng thương. Sau vài ngày lên thăm ông bà nội, bé Tiên cùng bố mẹ mình trở về Bình Phước thì gặp nạn. Người cha đã tử vong, riêng mẹ bé gái này vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, đa chấn thương. Bé Tiên bị gãy xương đùi.
 
Không chỉ với bé Tiên hay Tuấn mà tất cả những người đã sống sót sau vụ tai nạn kinh hoàng đêm ấy đều coi sự may mắn của mình là điều kỳ diệu.
 
Chị Trần Thị Hoài (26 tuổi) cho biết, chị cùng con trai là bé Hoàng Trần Việt Anh (3 tuổi) lên chiếc xe khách từ xã Ea Kar xuống TPHCM thăm ông bà nội và ăn đám cưới người bà con. Khi xuất phát được khoảng 1 tiếng thì chị Hoài ngủ thiếp đi nên lúc xảy ra tai nạn, chị không biết gì. Chỉ khi xe rớt xuống mới tỉnh giấc, sau đó thì ngất xỉu. Tới lúc tỉnh dậy chị đã thấy hai mẹ con đang trong bệnh viện. Bé Việt Anh bị gãy khớp xương háng, chị Hoài cũng gặp đa chấn thương nặng.
 

Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết

Bé Hoàng Trần Việt Anh may mắn thoát nạn nhưng vẫn còn khá hoảng loạn
 

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 36 người tử vong, chiều tối 18/5, Đại diện Bộ Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông quốc gia đã họp khẩn với tỉnh Đắk Lắk tại để đánh giá mức độ thiệt hại và triển khai các công việc sau tai nạn. 

Một hành khách may mắn thoát nạn khác là em Nguyễn Hứa Xuyến (17 tuổi). Xuyến cho biết đã lên xe đi từ Krong Păk xuống quận 12 (TPHCM) để làm công. “Lúc đang nằm ngủ, em có cảm giác thấy xe đảo qua đảo lại rồi thấy xe rớt xuống. Sau đó, em bị ngất xỉu và được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ nói em bị gãy xương khuỷu tay, chấn thương đầu” – Xuyến kể.

 

Những bác sĩ trắng đêm bên dòng Sêrêpôk
 
Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Nguyễn Đại Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk - cho biết, sau khi tai nạn xảy ra, nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo bệnh viện tức tốc điều 3 xe cứu thương với 9 y bác sĩ xuống hiện trường cấp cứu người bị nạn.
 
Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết
Lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk trắng đêm cấp cứu nạn nhân.

 

Huy động tối đa lực lượng bác sĩ hiện có trong đêm trực 17/5, 5 khoa tại bệnh viện điều động thêm 4 nhân lực từ mỗi khoa cùng các bác sĩ Khoa cấp cứu tiếp nhận, sơ cứu các nạn nhân liên tục từ 23h ngày 17/5 đến 3h ngày 18/5.

 

Chưa hết bàng hoàng với những gì xảy ra trong đêm định mệnh, bác sĩ Phong cho biết khâu khó khăn nhất trong công tác cấp cứu là số lượng nạn nhân quá đông, buộc bệnh viện phải lựa chọn nạn nhân nào nguy kịch hơn, cần ưu tiên hơn thì chăm sóc trước.

 

Đêm 17/5, phòng mổ Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk quá tải. Tai nạn xảy ra bất ngờ, tại hiện trường gia đình nạn nhân chưa đến kịp, mọi công việc như khiêng, di chuyển, bồng bế nạn nhân… gặp nhiều trở ngại. Rạng sáng 18/5, bệnh viện tiếp nhận 24 ca cấp cứu nguy kịch, trong đó 2 ca tử vong ngoại viện.

 

Sáng ngày 18/5, bệnh viện tiếp tục phẫu thuật 5 ca đa chấn thương như gãy tay, gãy chân, theo dõi sọ não...
 
Thảm nạn Sêrêpôk: Ký ức rùng mình giữa lằn ranh sống - chết
Công tác sơ cứu, cấp cứu được tiến hành khẩn trương.

 

Theo bác sĩ Phong, nguyên nhân khiến các nạn nhân tử vong phần nhiều là do chấn thương nặng ở ngực và đốt sống cổ. Bởi khi tai nạn xảy ra, lồng ngực đập mạnh vào thành ghế phía trước, vỡ gan. Hiện có 3 ca đặc biệt nguy kịch tại Khoa Hồi sức. Như trường hợp chị Đinh Thị Anh Thủy (21 tuổi, huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk) chấn thương ngực, dập phổi trái, gãy nát đốt sống D12 mặc dù trước đó đã được phẫu thuật. Bác sĩ Phong chẩn đoán chị Thủy nếu lành thì mức độ tàn tật vẫn có thể là vĩnh viễn, phải ngồi xe lăn.
 
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Nhựt Trường (32 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang) bị vỡ gan phức tạp, rối loạn đông máu, chấn thương ngực và đang theo dõi chấn thương sọ não.

 

Được biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh này sẽ điều trị miễn phí đối với tất cả những nạn nhân đang điều trị tại đây. Các bệnh nhân được theo dõi liên tục về diễn biến sức khỏe. Đến 16h ngày 18/5, đã có 7 người phục hồi và xuất viện.
 
Hiện Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk đã thưởng mỗi y bác sĩ 100.000 đồng trong ca trực cấp cứu vụ xe khách thảm nạn nhằm động viên tinh thần cứu người.
 

 

T.P - Viết Hảo