Tết ông Công, ông Táo: Chuyện tiền tỷ… hóa tro

Ngày 23 tháng Chạp theo phong tục, nhà nhà đều tổ chức mâm cơm cúng lễ, với ý nghĩa như là tổng kết một năm và cầu mong đón một cái Tết mới an bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, nét đẹp truyền thống đang có cả những mặt trái và hệ lụy tàn dư.

Người dân không tiếc tiền mua vàng mã để hóa.
Người dân không tiếc tiền mua vàng mã để hóa.

Gìn giữ nếp xưa

Bữa cơm trưa 23 tháng Chạp ở căn nhà trong con ngõ nhỏ phố Hàm Long (Hà Nội) thật đầm ấm, rộn vang tiếng cười, ấm nồng với ly rượu quê sau hai chục năm bôn ba xứ người từ Cộng hòa Ireland của anh Bùi Duy Linh.

Bên bữa cơm cúng ông Công, ông Táo, người đàn ông gốc Hà Nội này kể: mặc dù ở trời Tây, nhưng nhiều năm qua vào ngày này không khí chuẩn bị Tết đã trở nên nhộn nhịp. Anh thường cùng cha tranh thủ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Khi làm, ông thường bảo, "Hăm ba dắt bà đi bán/hăm tám đón bà về nuôi." Đó là câu ca cổ truyền về ba ông đầu rau, hay còn gọi là Táo quân vốn xuất phát từ huyền tích “2 ông 1 bà,” gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Tích là câu chuyện tình chung thủy về vợ chồng Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang khiến Ngọc Hoàng cảm động mà cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi. Dưới pháp lực của ngài, ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt xưa, giúp trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.

Dù xa quê hương song gia đình anh Bùi Duy Linh cũng như cộng đồng người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ở Cộng hòa Ireland vẫn gắng gìn giữ nếp xưa. "Chúng tôi chỉ mua sắm vừa phải, bày mâm cỗ cúng giản đơn mà ấm cúng. Để khi thắp nén hương có thể cảm nhận được hương vị Tết cổ truyền, hơn khi nào hết được nhớ và vẫn vấn vương hình ảnh ông bà, tổ tiên," anh Linh nói.

Không riêng gia đình anh Linh, cũng ở bên bữa cơm ngày 23 tháng Chạp, những âm hưởng Tết mới chính thức ngân lên trong lòng hàng vạn gia đình người Hà Nội. Nhà nào cũng lo thu dẹp gọn gàng, lau chùi thật cẩn thận cho căn nhà đẹp, khang trang và sạch sẽ hơn. Rồi những ý nghĩ, kế hoạch được lập ra cho ngày Tết, chuẩn bị quần áo mới, lì xì cho trẻ, nấu bánh chưng, bánh tét và không quên tô điểm thêm sắc màu cho căn phòng khách cây quất, cành đào...

Bạc tỷ thành tro tàn đổ sông

Người đời hay nói rằng, vì quanh năm ở trong bếp nên Táo quân biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của mọi người. Vì thế, để Vua Bếp “phù hộ” nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất cẩn thận với mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu trắng, hương, đèn, nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi và đặc biệt không thể thiếu hai mũ cánh chuồn cho Táo Ông và một mũ không có cánh chuồn cho Táo Bà, ba cái áo bằng giấy, cá chép giấy để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Trên Thiên đình, ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới.

Nhưng bây giờ phong tục này đã bị "chuyển thể" và đẩy cao hơn về mức độ tín ngưỡng: từ con cá chép nấu chín, cá giấy ngày nào, nay là cá chép sống. Bữa cơm mặn xưa nay trở nên thịnh soạn hơn nhiều.

Cũng vì cái sự đổi mới đó mà giờ đây, khi cúng xong người ta cẩn thận mang con cá ra sông, ra hồ để thả; tro đốt hàng mã quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ. Có như thế, Táo Ông, Táo Bà mới về đến Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng sự thành kính của gia chủ và phù hộ cho gia chủ gặp may trong cuộc sống.

Tai hại là sự thành kính đó đã khiến không ít sông, hồ ở Hà Nội chiều 23 tháng Chạp này như hồ Thanh Nhàn, hồ điều hòa Võ Thị Sáu, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu... trở nên xấu xí hơn khi tràn ngập túi ni lông, giấy rác và tro bụi.

Cũng vì biến tấu tín ngưỡng mà những năm gần đây, người Hà Nội đã hóa vàng mã hàng tiền tỷ vào dịp này. Cảnh mua bán đồ vàng mà dịp này tấp nập ở nhiều phố phường Hà Nội như phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm... Đồ vàng mã, nhất là những đồ dùng trong dịp Tết ông Công, ông Táo được bày bán la liệt như quần áo, mũ, dép, cá chép cho ông Táo, tiền vàng, hương, phong lì xì, quả châu... Những bộ ông Công, ông Táo có các loại với nhiều mức giá dao động khác nhau. Loại nhỏ có giá trung bình từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng, loại to giá 90.000 đồng đến 120.000 đồng, loại vừa giá 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Giá bán dao động từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng/bộ.

Nhẩm tính, chi trong ngày hôm nay, hàng vạn gia đình ở Hà Nội mà mỗi nhà mua một bộ vàng mã với giá trung bình 50.000 đồng thì tiền tỷ thành tro tàn. Vì vậy, hiểu được căn nguyên, ý nghĩa và sống đúng với phong tục thì phong tục mới được tiếp nối như nét đẹp vốn có, mới không bị "biến tấu, màu mè,” sai lệch.

Theo TTXVN/Vietnam+