Quảng Bình:

Tết chờ ở Arem!

(Dân trí) - Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng hiện tại, hầu hết các hộ dân ở đồng bào Arem thuộc xã miền núi Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã hết gạo ăn. Năm nay Tết có ghé về Arem!

Gian nan đường tới Arem

Những ngày cuối năm, dưới cái lạnh buốt giá, chúng tôi vượt hành trình đầy gian nan để đến với đồng bào dân tộc thiểu số Arem ở xã miền núi Tân Trạch. Trước khi quyết định thực hiện chuyến công tác này, tôi cứ nhớ mãi lời dặn của anh cán bộ văn hóa xã đêm trước: Nhà báo có đủ can đảm để vượt qua những gian nan, khổ ải để đến với bà con Arem không? Bởi, con đường 20 Quyết Thắng nối từ xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đi ngược lên phía tây cắt ngang dãy Trường Sơn để qua cửa khẩu Noọng Ma đến đất bạn Lào thuộc vào diện xấu nhất, khó đi nhất Việt Nam!
 
Gian nan đường lên Arem
Gian nan đường lên Arem
 
Từ sáng sớm, tôi cùng người bạn đồng nghiệp quyết tâm vào bản Arem như đã hẹn. Từ km18 con đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi băng qua những dãy núi đá vôi cao ngút tầm mắt. Dọc tuyến đường đang thi công dang dở, những lớp bùn đất nhão nhoẹt, sâu hoắm khiến chiếc xe cứ hì hục và xả ra từng đụn khói đen, khét lẹt mà không thể nhúc nhích. Chiếc bánh sau cứ xoay tít trong bùn lầy.
 
Nhiều đoạn đường những ổ voi sâu nửa mét
Nhiều đoạn đường những "ổ voi" sâu nửa mét
 
 
...và bùn đất nhão choẹt, sâu hoắm khiến chiếc xe cứ hì hục và xả ra từng đụn khói đen, khét lẹt.
...và bùn đất nhão nhoẹt, sâu hoắm khiến chiếc xe cứ hì hục và xả ra từng đụn khói đen, khét lẹt.
 
Xe cứ trèo qua những phiến đá trơn rồi lại lao xuống vũng nước sâu gần nửa mét. Sau hơn nửa ngày đường “vật lộn” với con đường "khó đi nhất Việt Nam", chúng tôi đã có mặt tại bản Arem. Gặp chúng tôi, Thiếu tá Đặng Ngọc Toan, Đồn Biên phòng Cà Roòng (Đồn 591) đon đả ra chào khách. Thiếu tá Toan là cán bộ tăng cường cho xã Tân Trạch.
 
“Sáng nay, hai đồng chí có mang theo dụng cụ để sửa xe không?”. Tôi đang băn khoăn về câu hỏi. Thiếu tá Toan đáp lời ngay: Những người thường xuyên ra vào Tân Trạch là phải có dụng cụ sửa xe mang theo bên người bởi, nếu xe hư dọc đường mà không có phụ tùng sửa là phải bỏ xe bên đường, ghi tên tuổi dán lên xe rồi cuốc bộ vào bản. 

100% hộ nghèo

Nói về tộc người Arem ở Tân Trạch, già làng Đinh Rầu, kể lại: Tộc người Arem được phát hiện vào năm 1956, khi đó chỉ có 18 người. Những năm sau đó, do chiến tranh xảy ra liên miên nên người A Rem lại chạy vào sống trong các hang đá. Để vận động được bà con ra khỏi hang đá, sống định canh ngoài thôn bản, Bộ đội Biên phòng, cán bộ huyện Bố Trạch và lãnh đạo địa phương đã băng hàng chục cây số đường rừng vào hang Va, hang So Đũa và hang Bồng Cù ở sâu trong vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.  

Và điểm nhấn quan trọng nhất với bà con đồng bào nơi đây là vào năm 2007, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã đầu tư xây dựng 42 ngôi nhà lợp tôn kiên cố với số tiền 840 triệu đồng cho bà con bản Arem. Từ khi có bản mới, đời sống về vật chất lẫn tinh thần của người Arem được nâng lên đáng kể.
 
Một góc Arem
Một góc Arem

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ, cho biết: Hiện tại tộc người Arem ở Tân Trạch có 72 hộ với 315 nhân khẩu. Việc cho con em đi học lấy cái chữ cũng đã được đồng bào dân tộc quan tâm, ủng hộ. 100% số trẻ em trong độ tuổi đến trường trên địa bàn xã đã được đi học, trong đó, học sinh THCS có 29 em, tiểu học 51 em và mẫu giáo là 34 em.

“Vừa qua, chúng tôi cũng đã trình lên UBND huyện xin cấp thêm 10 tấn gạo để phát cho bà con ăn trong dịp Tết Nguyên đán. Chừng đó, nếu vẫn thiếu thì sẽ tính phương án trích nguồn ngân sách dự phòng của xã để mua gạo cho bà con, sẽ cố gắng hạn chế không để cho bà con thiếu đói trong dịp Tết và mùa giáp hạt ra Giêng”, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, nói.

Theo ông Sỹ, về cơ bản, hiện cuộc sống của người Arem đang từng bước khởi sắc và sớm đi vào ổn định. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề hộ nghèo và thu nhập đầu người ở xã Tân Trạch, ông Sỹ nói: “100% hộ dân trong xã đều thuộc diện hộ nghèo. Thu nhập bình quân trên đầu người là 1,7 triệu đồng/người/năm”.

Arem chờ gạo cứu trợ!

Ông Sỹ dẫn chúng tôi tới nhà chị Y Mót lúc đã xế chiều. 3 mẹ con chị đang ăn quả rừng thay cơm. “Nó (chồng Y Mót – PV) vào rừng mấy ngày ni chưa về. Mấy mẹ con ở nhà gạo sắp hết nên phải ăn phụ thêm hoa quả hái trong rừng”.
 
3 mẹ con Y Mót đang ăn quả rừng thay cơm
3 mẹ con Y Mót đang ăn quả rừng thay cơm
 
Sang nhà anh Đinh Hùng, gia đình thuộc diện nghèo khó nhất xã, ông Sỹ cho biết nhà anh Hùng có 9 miệng ăn. Anh Hùng là trụ cột chính trong nhà nhưng lại ốm đau liên miên, vì thế ngôi nhà lúc nào cũng trống hoác. Anh Đinh Hùng cùng 2 đứa con ngồi co ro trong bếp ăn ít cơm nấu trộn ngô chấm với nước mắm. “Nhà hết gạo. Vợ yếu, tui lại đau, con thì còn nhỏ dại nên giờ chỉ biết trông chờ vào gạo cứu trợ của nhà nước thôi cán bộ ơi!”.
 
3 cha con Đinh Hùng đang ăn ít cơm trộn với ngô xay của vợ mới vay từ hàng xóm về
3 cha con Đinh Hùng đang ăn ít cơm trộn với ngô xay của vợ mới vay từ hàng xóm về
 
Ông Sỹ cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán này, nếu không được hỗ trợ gạo kịp thời, đồng bào Arem sẽ thiếu gạo nghiêm trọng bởi, hiện tại hầu hết người dân đã hết gạo. Cũng theo ông Sỹ, hiện nhiều hộ dân trong xã nợ tiền gạo ở các quan tạp hóa đến hàng chục triệu đồng.
 
Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, hiện tại người dân ở một số xã khó khăn đã xảy ra tình trạng hết gạo, thiếu đói. Đặc biệt là xã miền núi Tân Trạch. UBND huyện cũng đang chờ số liệu báo cáo cụ thể từ các xã gửi về để lập danh sách, cân đối số lượng chung của tỉnh rồi mới trình lên Sở LĐ-TB&XH xin cấp khoảng 100 tấn gạo, cấp phát cho bà con trước dịp Tết Nguyên đán.

Đặng Tài - Anh Đức