Tàu điện một ray: “Lời giải đầu tiên cho giao thông đô thị!”

(Dân trí) - Mở rộng đường các tuyến nội đô, xây dựng hệ thống metro ngầm là quá tốn kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng giao thông lúc triển khai. Trong khi đó, thi công và khai thác tàu điện một ray tránh được tất cả những xung đột với các dòng phương tiện khác.

Sau khi đăng bài “Tàu điện một ray không giải bài toán ùn tắc giao thông Hà Nội”, Dân trí tiếp tục nhận được bài viết của tác Ths Trần Quang Việt Hà xoay quanh chủ đề tàu điện một ray. Để đảm bảo sự khách quan, nhiều chiều của vấn đề đặt ra, Dân trí xin đăng tải bài viết của tác giả.

Chờ đợi hay hành động?

Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn của Việt Nam đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng về giao thông đô thị. Chúng ta không thể trông chờ vào xe buýt hay các loại hình giao thông đường bộ đồng mức khác. Điều mà chúng ta thực sự cần có là hệ thống giao thông theo tuyến đi ngầm hoặc trên cao.

Các hình thức giao thông như: Metro, tàu đường sắt nội đô, tramway... đã được đưa vào quy hoạch, lên phương án khởi công, thu xếp vốn từ các nguồn ODA hay các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, được sự hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng và có các chính sách ưu đãi riêng. Nhiều dự án metro, đường sắt nội đô đã được khởi công.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hệ thống giao thông đô thị theo tuyến nào ở Việt Nam đi vào hoạt động, và chưa ai dám khẳng định chắc chắn là đến bao giờ chúng ta sẽ có những tuyến giao thông hiệu quả này.

Bức xúc trong giao thông đô thị đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân đô thị. Chúng ta không thể chờ 5 năm hay 10 năm nữa, khi điều kiện kinh tế đất nước tốt hơn, khi có đủ vốn đầu tư hạ tầng giao thông mới tiến hành đầu tư xây dựng các dự án giao thông công cộng theo tuyến mà phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ.

Giao thông Việt Nam cần lựa chọn loại hình vận tải phù hợp với giao thông đô thị, thuận tiện, an toàn với hành khách, lịch trình tin cậy, đáp ứng lưu lượng giao thông, tiết kiệm vốn đầu tư, có thể huy động vốn đầu tư từ nội lực trong nước, ít phải giải phóng mặt bằng, giảm thiểu khí thải, khói, bụi, thân thiện với môi trường...

Phù hợp với các đô thị

Do kết cấu đường chạy chỉ là các dầm bê tông dự ứng lực thanh mảnh và nhẹ, có chiều rộng từ 0,66 đến 0,9 m, thông thường được đặt trên cao từ 8 đến 10 mét nên tuyến tàu điện một ray (monorail) là loại hình giao thông ít ảnh hưởng nhất tới cảnh quan đô thị so với đường sắt trên cao hoặc đường bộ trên cao.

Công trình tuyến tàu điện một ray và các nhà ga trên cao dưới bàn tay của nhà kiến trúc sẽ tạo nên cảnh quan đẹp cho thành phố. Tại nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ… mỗi nhà ga, tuyến tàu một ray là một công trình kiến trúc hài hòa, văn minh. Việt Nam đang rất thiếu những không gian giao thông văn minh như thế.

Tàu chạy bằng động cơ điện phân tán tại các toa, sử dụng bánh lốp chạy trên mặt dầm bê tông nên tiếng ồn khoảng 70dB và không gây khói, bụi, ô nhiễm môi trường.

Công nghệ tàu điện một ray mang tính cập nhật cao và đồng bộ. Hơn 100 năm qua, monorail liên tục cải tiến về điều khiển từ hoàn toàn bằng người lái, bán tự động sang tự động hoàn toàn, tăng năng lực vận chuyển hành khách từ loại nhỏ, loại trung bình đến loại lớn, tăng cường ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật như: Công nghệ đệm từ, mô tơ trong bánh xe, công nghệ động cơ tích hợp Hybrid, năng lượng mặt trời, thân vỏ tàu từ sử dụng bằng thép chuyển sang hợp kim nhôm hay vật liệu composite... nên tàu điện một ray ngày càng nhẹ hơn, nhỏ gọn hơn và vận chuyển được nhiều hành khách hơn.

Monorail phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Ngày nay, tàu điện một ray không chỉ được phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản mà còn là sự lựa chọn cho hàng loạt các đô thị lớn tại Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Ả rập Xê út, Nam phi, Mỹ, Canada, Braxin... Chủ nhà kỳ World Cup 2014 Braxil đã quyết định đầu tư đồng thời 3 tuyến tàu điện một ray có tổng chiều dài trên 100 km để phục vụ cho ngày hội lớn nhất hành tinh. Ả rập Saudi cũng đang tiến hành xây dựng 5 tuyến tàu một ray với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đô la Mỹ giúp vận chuyển 3,5 triệu người hành hương đến thánh địa Mecca hàng năm và đáp ứng nhu cầu đi lại của 25 triệu dân.

Việt Nam có nên xây dựng Monorail?

Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để mở rộng đường các tuyến nội đô, xây dựng hệ thống metro ngầm là quá tốn kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông lúc triển khai, đồng thời chi phí vận hành hệ thống thông khí, chiếu sáng, đảm bảo an ninh, trật tự là rất lớn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu làm lũ, lụt xảy ra thường xuyên nên rủi ro rất lớn cho các công trình ngầm.

Trong khi đó, khi thi công và đi vào khai thác, tàu điện một ray tránh được tất cả những xung đột với các dòng phương tiện khác. Tính thông suốt và an toàn luôn được đảm bảo bởi khi xây dựng tuyến tàu một ray dựa trên mặt bằng hiện trạng tuyến cũ, ít phải giải phóng mặt bằng nên đề xuất xây tàu một ray là phù hợp, có tính hiện thực cao.

Năng lực vận chuyển của thiết bị tàu một ray và các phương tiện giao thông công cộng cho đô thị đã được Công ty Hitachi - Nhật bản tổng kết theo biểu đồ sau:
Tàu điện một ray: “Lời giải đầu tiên cho giao thông đô thị!”  - 1
Nguồn: Hitachi Việt Nam

Nếu so sánh với các thành phố đang xây dựng tuyến tàu một ray trên các trục giao thông chính như: Sao Paulo - Braxin hoặc Mumbai - Ấn Độ, thánh địa Mecca - Ả rập Saudi là những nơi có số dân khoảng 20 triệu người thì tàu điện một ray hoàn toàn phù hợp cho các đô thị tại Việt Nam.

Theo tính toán năng lực vận chuyển của Tàu điện một ray trên tuyến Nam Hồ Tây - Hoà Lạc căn cứ trên công nghệ của Urbanaut - Mỹ: để đáp ứng năng lực vận chuyển 30.000 lượt người/giờ/hướng cần vận hành 53 đoàn tàu 8 toa. Năng lực vận chuyển mãn tải gần 500.000 lượt người/hướng/ngày tương đương với 60.000 lượt xe buýt vận hành trên tuyến đường. Công suất vận chuyển của tuyến có thể tăng lên nếu vận hành tàu tự động hoặc tăng lên số toa tàu là 10 toa/đoàn.

Một sự so sánh nhỏ: nếu dùng tổng vốn đầu tư cho tuyến đường sắt Nam Hồ Tây - Hòa Lạc theo đề xuất của liên danh 7 nhà thầu Hàn Quốc là 1,2 tỷ USD để làm tàu điện một ray thì số tiền này có thể đủ để làm 3 tuyến tàu điện một ray theo trục Nam Hồ tây - Hòa Lạc, Cầu Giấy - Sơn Tây, Hà Đông - Xuân Mai và kết nối các tuyến này với nhau.

Như thế khu vực phía Tây Hà Nội sẽ hình thành nên mạng giao thông theo tuyến và các tuyến tàu này sẽ hỗ trợ nhau, kết hợp với các phương tiện giao thông hiện có trong quá trình vận chuyển hành khách. Khi đó, tàu điện một ray sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực phía Tây thành phố Hà Nội và bài toán giao thông đô thị sẽ có lời giải đầu tiên.

Thạc sỹ Trần Quang Việt Hà
(Vinaconex Xuân Mai)