1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tất niên công sở: "Nghèo" vẫn tơi bời ăn uống

Không khí Tết sầm sập kéo đến cũng là lúc dân công sở tíu tít với “hẹn” tất niên cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế ảm đạm cũng phần nào ảnh hưởng đến chuyện ăn uống, tiệc tùng quen thuộc này.

Tất niên tiết kiệm

Tết năm nay ở cơ quan chị Nguyễn Thị Hiền (Đội Cấn – Ba Đình – HN) có phần đìu hiu. Những ngày cuối năm, không khí làm việc không chỉ rã đám vì Tết đã kề cận, mà còn bởi, thưởng Tết quá ít ỏi “khiến mọi người chẳng còn tâm trí nào làm việc”.

“Kinh doanh tụt dốc nên thưởng Tết gần như bị cắt. Mỗi người chỉ được 100 nghìn “tiền mừng năm mới” tượng trưng, đồng thời cũng là tiền đón tất niên luôn. Cả phòng của tôi hơn 10 người, mất cả buổi chiều để bàn nhau xem ăn món gì, ở đâu… cho rẻ trong khuôn khổ 100 nghìn đồng ấy. Ai cũng chắc mẩm sẽ phải góp thêm tiền, nên phải tính toán kỹ để số tiền đóng thêm không quá lớn. Anh chị em đều hiểu cho nhau cả!” – chị Hiền tâm sự.

 

Tất niên công sở: Nghèo vẫn tơi bời ăn uống

Nhiều công sở chọn tự tổ chức tất niên vừa vui – rẻ, đồng thời tạo nét văn hóa công ty được nhân viên ủng hộ


Chị cho biết, cuối cùng, công ty rồng rắn nhau từ Đội Cấn ra Ngõ Trạm – Phùng Hưng để ăn lẩu thập cẩm cho rẻ. “Nhờ khéo tính toán, các anh chị vẫn có một đêm tất niên đáng nhớ trong sự gần gũi, sẻ chia với nhau giữa thời khó khăn”- chị Hiền hóm hỉnh nói.

Tình trạng thưởng Tết tượng trưng hay cắt thưởng Tết ở các cơ quan năm nay không hiếm. Trong khi đó, màn ăn uống cuối tổng kết cuối năm vẫn không thể bỏ được nên tại nhiều công sở đã nảy ra những cách đón Tất niên độc đáo, “siêu” tiết kiệm. Theo đó, có nơi tự tổ chức “hội” chung tại công ty vừa chia tay năm cũ, vừa chào năm mới và trở thành một nét văn hóa công sở được nhân viên ủng hộ. Có cơ quan từ nhân viên đến sếp đều nhất trí chuyển về ăn tất niên tại gia cho rẻ. Cũng không ít công sở, anh chị em nhất trí chỉ “hẹn hò gọi là” chứ không xôm tụ như những Tết trước.

Chị Trần Thanh Phương – nhân viên một ngân hàng ở Trần Hưng Đạo (HN) cho biết, do những khủng hoảng chung của ngành, cũng như những khó khăn của ngân hàng nên năm nay, thưởng Tết rất thấp. Trong lúc vẫn còn đang đoán già đoán non, không biết các “sếp” sẽ thu xếp bữa tổng kết tất niên như thế nào, thì mọi người trong phòng chị xôn xao nhận được lời mời về nhà của Phó TGĐ khối.

“Đây là lần đầu cả cơ quan quan cùng tập hợp ở nhà sếp đông đủ đến vậy. Ăn uống vẫn khá linh đình, nhưng nhờ chị thu xếp chu đáo, nên có lẽ số tiền chi tiêu cũng tiết kiệm hơn rất nhiều một bữa ăn tương tự nhưng ra ngoài nhà hàng như mọi năm. Hơn nữa, buổi liên hoan lại có phần vui hơn khi mọi người cùng nhau nấu nướng, sắm sửa, dọn dẹp…. Đúng là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!” – chị Phương nhận xét.

“Nghèo” vẫn tơi bời ăn uống

Trái với những chiêu ăn tất niên tiết kiệm thời kinh tế suy thoái, nhiều anh chị em công sở kiểu gì cũng không thoát khỏi tình trạng tiệc tùng liên miên.

“Hết tất niên phòng lại đến tất niên cả cơ quan, rồi tất niên với khách hàng thân thiết. Hai tuần nay chẳng tối nào mình ăn cơm nhà” – anh Nguyễn Văn Mạnh – một Phó GĐ Kinh doanh (phố Huế, HN) chia sẻ.

 

Tất niên công sở: Nghèo vẫn tơi bời ăn uống

Hàng quán dịp cuối năm có phần vắng khách công sỏ hơn vì kinh tế khó khăn, lương thưởng nhiều nơi đồng loạt cắt giảm


Anh Mạnh cho biết, dù bất động sản đóng băng, chỉ tiêu kinh doanh không đạt, lương thưởng đều chòng chành nhưng ăn uống thì không thể nào tránh được.

“Càng khó khăn, càng phải rôm rả để lên tinh thần. Ăn uống trong nội bộ công ty đã không thể không thể bỏ, tiệc tùng cùng các khách hàng càng không thể không!” – anh lý giải cho lịch ăn uống dày đặc của mình.

Là người có vị trí nhất định nên chuyện ăn uống xã giao của anh Mạnh còn có thể hiểu được. Nhưng cũng không ít nhân viên công sở, dù nghèo vẫn bị cuốn vào cảnh ăn uống liên miên đến “méo mặt”.

Anh Lê Thanh Hùng – NV Kinh doanh bánh kẹo (Láng Hạ - HN) than thở, cả tuần nay anh lo lắng bởi ngân quỹ bị hao tổn quá nhiều vì chuyện ăn uống tất niên.

“Mình là nhân viên mới, nên các anh chị ở công ty í ới kiểu gì cũng “vâng”. Vừa liên hoan với phòng xong, lại đi uống với riêng hội “mày râu”. Dịp các sếp trong trụ chính ở miền Nam ra công tác lại có buổi tụ họp đón tiếp. Chưa hết, lại còn tất niên với lớp cao học mình đang theo. Từ nay đến khi nghỉ Tết, chắc chắn lại nảy thêm 2 – 3 bữa nữa, tiền về quê ăn Tết chẳng biết còn được bao nhiêu!” – anh Hùng buồn bã dự đoán.

Những bữa liên hoan kiểu này, đa phần là do các thành viên đóng góp chứ không có ngân quỹ chung chi nên dễ hiểu nhiều người đồng cảnh ngộ với Hùng, tuy miệng cười tươi chúc tụng nhưng trong lòng “khóc thầm” khi tiền túi cứ thế đội nón ra đi.
 
Theo Minh Tâm
Vietnamnet