Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020:

Tập trung hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số thường xuyên bị thiên tai

(Dân trí) - Trong thời điểm nhiều địa phương đang khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban đang xây dựng một chương trình hỗ trợ người dân tại những nơi thường xuyên phải gánh chịu thiên tai.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Xuân Lương

 
Thưa ông, hiện nay Chương trình 135 Giai đoạn II đã kết thúc, sau Chương trình này, có một Chương trình nào khác hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Chương trình 135 vừa là chương trình xây dựng hạ tầng, vừa phát triển sản xuất, vừa tạo tiền đề trợ giúp pháp lý để đồng bào dễ dàng hòa nhập, tiếp cận được những dịch vụ xã hội. Sau khi Chương trình 135 của nhiệm kỳ này kết thúc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung kế hoạch triển khai Nghị quyết về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020.

Như vậy các chương trình, chính sách hỗ trợ vẫn tiếp tục. Chương trình giảm nghèo nói trên dành một dự án xây dựng hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ngoài ra, chúng tôi đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt,…

Đặc biệt, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục xây dựng một chương trình hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lũ lụt lâu ngày và những vùng núi đá thiếu đất sản xuất để ổn định cuộc sống của đồng bào.
 
Những vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ, sạt lở đất... sẽ được tập trung hỗ trợ.
Những vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ, sạt lở đất... sẽ được tập trung hỗ trợ.
(Ảnh: Duy Tuyên)

Trên thực tế, sau một số chương trình đầu tư cơ sở vật chất giúp đồng bào dân tộc thiểu số, có những hạng mục đã xuống cấp hoặc không sử dụng được, Ủy ban dân tộc dự kiến phương hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

Một số chương trình của các bộ, ngành cùng thực hiện ở vùng núi, do nguồn vốn hạn hẹn, lại phân bố ở nhiều địa phương, nguồn lực yếu mà trong điều kiện địa hình ở vùng miền núi chia cắt nên chương trình thường chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Hơn nữa khi gặp một thời tiết phức tạp, các công trình này dễ bị hư hỏng. Ví dụ như các công trình đường cấp nước và giao thông cơ bản dễ dàng bị sạt, lở, hư hỏng rất nhiều. Hiện nay Chính phủ đã có một nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi để sửa chữa, khắc phục hậu quả của bão, lụt, sạt lở đất để đảm bảo các công trình được tiếp tục phát huy tác dụng.

Thưa ông, như vậy trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề đặt ra nhằm phát triển khu vực dân tộc, miền núi được xác định theo thứ tự ưu tiên như thế nào?
 
Do nguồn lực Nhà nước có hạn nên chỉ có thể lựa chọn những mục tiêu cơ bản, những mục tiêu lớn để tập trung. Mà cụ thể thứ nhất là vấn đề hạ tầng bao gồm điện-đường-trường-trạm; thứ 2 là hỗ trợ sản xuất cho hộ gia đình; thứ 3 là hỗ trợ vay vốn; thứ 4 là phát triển nguồn nhân lực. Sau khi thực hiện những mục tiêu lớn trên, cần tiến hành hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình bị hư hỏng như tôi đã trình bày ở trên để tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội bắt kịp nhịp sống chung của đất nước.
 
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung kế hoạch triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
 
Với Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng giao xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi.

Ủy ban dân tộc cũng sẽ xây dựng Dự án Bảo tồn đối với các nhóm dân tộc ít người; xây dựng dự án định canh, định cư để hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án đầu tư cơ sở tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi...

Trong quý IV năm 2012, Ủy ban dân tộc phải xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đồng thời phải có chính sách bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ đã thoát nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi,... 

Phương Nhung